Tăng lương tối thiểu, không thể chậm trễ
Theo các chuyên gia, tăng lương là tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhưng tăng lương cũng chính là khoản đầu tư sinh lời bởi nó giúp người lao động có thêm động lực để làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng tốt, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, bền vững hơn.
Đời sống một bộ phận người lao động khó khăn
Chồng mất sớm, để nuôi được 3 đứa con, chị Nguyễn Thị My , công nhân KCN Bá Thiện 1 (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) ngoài làm thêm giờ còn tranh thủ bán hàng online. Mặt hàng chị bán là những thứ đồ quà ăn vặt, lời lãi thì ít nhưng để nấu, chế biến không hề đơn giản. Để sáng ra có các loại bánh tẻ, bánh rán, bánh cuốn, xôi, chè và nước đậu đi giao cho khách từ tối chị đã phải làm và luộc bánh.
Còn với bánh cuốn, chè và nước đậu thì từ tờ mờ sáng chị đã phải dậy làm mới kịp giao cho khách ăn sáng. Dù cố gắng chắt chiu nhưng thu nhập không đủ tiêu chị đành để cô con gái nghỉ học giữa chừng dù con mới chỉ học hết lớp 9.
“Tôi đi làm công nhân được 10 năm nhưng chuyển 4 lần vì lương thấp quá, chế độ phúc lợi không có nên phải thường xuyên chuyển công ty thế nhưng, làm ở đâu tổng thu nhập cả làm thêm cũng chỉ được 6 đến 8 triệu đồng/tháng. Gần một năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid, có nhiều tháng tổng thu nhập chỉ vỏn vẹn 3 đến 4 triệu đồng. Những tháng cao điểm do dịch còn phải nghỉ không lương. Thời điểm này tôi dường như rơi vào trầm cảm vì thấy mình bất lực quá, làm lụng bao năm nhưng ráo mồ hôi là hết tiền, không lo nổi cho các con bữa cơm đúng nghĩa” - chị My chia sẻ.
Kết quả khảo sát vừa được Viện Công đoàn và công nhân công bố mới đây cho thấy, trong 2.000 lao động được hỏi, có 56% nói thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cuộc sống; 23% phải chi tiêu tằn tiện mới đủ và 13% thu nhập không đủ sống tối thiểu. Đặc biệt, có hơn 17,4% lao động có con dưới 18 tuổi nói hiện tại con không thể ở cùng cha mẹ vì không đủ tiền gửi trẻ; 3% lao động chưa bao giờ mua sữa cho con uống.
Đáng chú ý, nhiều người lao động không đủ sống phải rút bảo hiểm xã hội một lần: Hơn 1/5 số người được khảo sát (21,4%) cho biết họ đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần (sau đó vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội khi có việc, nghĩa là tham gia lại từ đầu).
Điều này cho thấy cuộc sống của họ rất khó khăn và việc rút bảo hiểm xã hội một lần là sự lựa chọn cuối cùng để lại hệ lụy lớn cho người lao động và xã hội. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng phản ánh thực trạng tiền lương thấp đã ảnh hưởng lớn tới chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn của người lao động và gia đình họ, trong đó có trẻ nhỏ; tới quyết định lập gia đình và sinh con; tới khám chữa bệnh, chăm lo sức khỏe của người lao động...
Đề cập đến cuộc sống người lao động hiện nay, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trăn trở, mặc dù công nhân, người lao dộng đang phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập không cao.
Công nhân lao động ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60 – 70 giờ/tháng như: ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thuỷ hải sản, sản xuất gỗ... Cuộc sống quá vất vả, thu nhập thấp vì thế theo khảo sát có tới 72% không muốn con mình sau này theo nghề nghiệp của mình.
Không thể đẩy khó cho người lao động
Cuộc sống người lao động đảm bảo, sống được bằng lương là động lực nâng cao năng suất lao động. Đây là thực tế đã được nhận diện, tuy nhiên từ lâu làm sao để tính toán mức tăng lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu cho người lao động vẫn là bài toán khó. Tính toán của Oxfam vào năm 2018 cho thấy mức lương tối thiểu trung bình của cả bốn vùng tại Việt Nam chỉ bằng khoảng 37% mức lương của Sàn lương châu Á.
Còn nghiên cứu gần đây của TS Nguyễn Việt Cường cho biết, tác động của việc tăng lương tối thiểu trong giai đoạn 2012-2020 cho thấy, tăng lương tối thiểu không làm giảm việc làm và thất nghiệp. Tăng lương tối thiểu không ảnh hưởng đến mức lương trung bình của người lao động nói chung.
Điều này hàm ý, tăng lương tối thiểu không ảnh hưởng đến chi phí của chủ sử dụng lao động, tuy nhiên điểm tích cực của lương tối thiểu là giúp tăng tiền lương cho người lao động có mức lương thấp. Mức lương tối thiểu tăng 1% sẽ làm tăng tiền lương tháng của người lao động có mức lương dưới mức lương tối thiểu lên 0,83%.
Trong những năm gần đây, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 thì tốc độ tăng lương tối thiểu thấp hơn tốc độ tăng của lương trung bình. Tuy nhiên, năm 2020 do tác động của đại dịch thì lương trung bình thực tế không tăng, còn lương tối thiểu thực tế đã giảm do lạm phát.
“Việc tăng lương tối thiểu là cần thiết để đảm bảo mức sống cho người lao động có thu nhập thấp. Để giảm áp lực cho doanh nghiệp, Chính phủ có thể tiếp tục sử dụng các công cụ hỗ trợ khác như hỗ trợ lãi suất và giảm thuế chứ không nên nghĩ tới việc tiếp tục “gia hạn”, lùi thời gian tăng lương tối thiểu” - ông Cường nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia nhận định, tăng lương tối thiểu vùng không thể là giải pháp riêng rẽ. Cải thiện đời sống người lao động, nâng cao năng suất… cần nhiều chính sách song hành. Khi đó, việc tăng lương sẽ là động lực để người lao động cùng doanh nghiệp phát triển. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng thuận từ nhiều doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng cho biết, các chính sách mà Chính phủ đang triển khai như miễn giảm thuế; miễn 1% chi phí đóng bảo hiểm thất nghiệp hay miễn 0,5 % chi phí đóng bảo hiểm tai nạn cho người lao động giống như "liều thuốc bổ" để doanh nghiệp khỏe mạnh hơn, đồng thời mong mỏi các chính sách này có thể kéo dài đến hết năm nay hoặc tới tháng 6/2023, để doanh nghiệp có thể thực hiện ngay việc tăng lương cho người lao động sau hơn 2 năm trễ hẹn.