Ưu tiên nguồn lực cho tăng trưởng xanh

29/04/2022 11:16

 Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững không phải vấn đề mới nhưng đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm.

Tại diễn đàn “Kinh tế xanh: Chúng ta đang ở đâu” mới đây, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, điều đáng buồn là chuyển biến xanh của chúng ta chưa được như kỳ vọng. Hơn 10 năm trước với 12 mục tiêu phát triển kinh tế xanh thì chúng ta chỉ thực hiện được 3.

Điều này cho thấy từ nhận thức chuyển biến thành hành động, vai trò của doanh nghiệp (DN) cần xem xét lại. Nhận thức cần phải tăng trưởng về thu nhập rồi mới chuyển nền kinh tế từ “nâu sang xanh” vẫn còn và trở thành một trở ngại lớn.

Theo ông Thành, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa trên hai yếu tố gồm lao động chi phí thấp và lợi thế tài nguyên dẫn đến việc tận khai môi trường. Ví dụ như cách sản xuất quản trị vẫn theo hướng truyền thống và tuyến tính rất nhiều. Cụ thể những ngành tưởng chừng là “xanh” như trong lĩnh vực nông nghiệp lượng phát thải rất lớn hay dệt may tạo nhiều việc làm nhưng phế phẩm của ngành có lượng phát thải cao…

“Các DN hiểu và vận hành được theo quan điểm này sẽ thu về được giá trị rất lớn trong trung và dài hạn. Thách thức chính cần giải tỏa vẫn xoay quanh 4 thành tố là sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, lối sống xanh, đầu tư xanh, cơ chế chính sách xanh”- ông Thành chia sẻ.

Hiện nay khi nền kinh tế hội nhập sâu, tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… mới bắt đầu có những điều khoản rõ ràng về môi trường, bền vững, lao động… Những DN nào có chữ “xanh” và “xã hội” thì giá trị thương hiệu tốt hơn và người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho sản phẩm của DN đó. Những DN đi theo mô hình xanh trong trung và dài hạn đều cho thấy hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn.

Theo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% và cần 70% từ các nguồn lực khác. Việc huy động các nguồn lực này đang được thực hiện rốt ráo.

Hiện nay trong việc huy động vốn, nguồn lực trái phiếu xanh, thị trường chứng khoán đã manh nha các sản phẩm trái phiếu Chính phủ xanh, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương phục vụ các dự án công trình xanh như thủy lợi, bảo vệ môi trường.

TS Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, rất cần có sự hỗ trợ của xã hội, các nhà tài trợ và nguồn vốn ODA. Về phía Bộ Tài chính, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng và luôn ưu tiên dành nguồn lực để phục vụ cho mục tiêu này.