Dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5: Nhu cầu vận chuyển tăng đột biến
Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 thường là dịp khai trương mùa du lịch trong năm. Nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ này dự báo sẽ tăng mạnh. Ngày 28/4, ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết tại một số bến xe, hành khách di chuyển từ Hà Nội, TPHCM về quê đã tăng cao. Trong đó có nhiều lao động tự do, người dân tranh thủ về quê sớm trước kỳ nghỉ lễ...
Dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, hoạt động du lịch được mở cửa trở lại, dự báo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay sẽ tăng mạnh. Hiện các đơn vị vận tải đường bộ, đã sẵn sàng các phương án về việc đảm bảo an toàn khai thác, chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách dịp này.
Hà Nội: Xe khách sẵn sàng phục vụ
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, lái xe tuyến Hà Nội - Nam Định chia sẻ, dịch bệnh Covid - 19 cơ bản đã được kiểm soát, lượng hành khách cũng đã dần tăng trở lại. “Vì vậy nhà xe chúng tôi cũng đã chuẩn bị thêm các phương tiện để kịp thời tăng cường đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”- Anh Tuấn cho biết.
Ông Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 thường là dịp khai trương mùa du lịch trong năm. Chính phủ cũng đã có chủ trương dần mở cửa du lịch trở lại nên nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ này sẽ tăng mạnh, lưu lượng hành khách sẽ phân bố không đồng đều mà tập trung vào một số địa phương, đặc biệt những địa phương có điểm tham quan, du lịch.
Ông Hùng cũng đưa ra dự báo, lưu lượng hành khách đến các bến xe trọng điểm của Hà Nội sẽ bắt đầu tăng cao từ ngày 29/4 đến hết ngày 30/4. "Công ty dự kiến bố trí thêm gần 800 xe tăng cường bởi lưu lượng hành khách tại các bến xe Hà Nội dự kiến sẽ tăng mạnh từ chiều tối ngày 29 đến hết ngày 30-4, mức tăng từ 200 - 300% ngày thường”.
Cụ thể, tại bến xe Giáp Bát dự kiến tăng cường 200 xe, bến xe Gia Lâm tăng cường 70 xe, bến xe Mỹ Đình tăng cường 500 xe. Trong đó, bến xe khách Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng 12.000 lượt/ngày, tăng lên hơn 200% - 300% so với ngày thường, lượt xe dự kiến hơn 900 lượt xe/ngày, chủ yếu ở các tuyến Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Phú Thọ, Yên Bái...
Tại Bến xe Giáp Bát, lượng khách cao nhất trong các ngày cao điểm khoảng 12.000 lượt/ngày, tăng 200% - 300% so với ngày thường; lượt xe dự kiến là 900 lượt xe/ngày. Khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá.
Tại bến Gia Lâm lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm khoảng 5.000 lượt khách/ngày, tăng khoảng 200% so với ngày thường, lượt xe dự kiến là 550 xe và chủ yếu tập trung ở các tuyến như Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh.
“Mặc dù lượng khách và lượt xe tăng mạnh so với hiện trạng hoạt động, song cũng chỉ đạt mức tương đương thời gian bình thường trước dịch Covid- 19” - ông Hùng nhận định.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), dịch Covid- 19 khiến bến xe vắng vẻ một thời gian dài, nhưng hiện nay tình hình đã được cải thiện rõ rệt khi lượng hành khách có nhu cầu đi lại đã tăng cao. “Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp, tổ chức phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vào dịp lễ 30-4 và 1-5. Bên cạnh đó, yêu cầu các doanh nghiệp có các phương án dự phòng trường hợp lượng khách tăng đột biến”- bà Hiền nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tuyển - Trưởng Phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Sở GTVT đã chủ động xây dựng kế hoạch từ đầu tháng 4. Tại kế hoạch này Sở cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị vận tải gồm có: xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng, xe buýt, xe taxi, xe du lịch…
“Đối với các đơn vị vận tải chúng tôi cũng yêu cầu phải đảm bảo chất lượng, số lượng phương tiện để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, không vận chuyển các mặt hàng dễ cháy nổ” - ông Tuyển nói.
Theo kế hoạch, 100% lực lượng Thanh tra GTVT, CSGT sẽ tổ chức chốt trực, tuần tra kiểm soát, thực hiện hai nhiệm vụ chính là phân luồng, chống ùn tắc giao thông và xử lý vi phạm.
Theo nhận định của lực lượng chức năng, kỳ nghỉ Lễ 30-4 và 1-5 này sẽ là thách thức lớn hơn cùng kỳ mọi năm do du lịch “bùng nổ” trở lại, nhu cầu đi du lịch của người dân tăng mạnh. Cửa ngõ Hà Nội và các thành phố đều có thể rơi vào ùn tắc cục bộ.
TP Hồ Chí Minh: Người dân tranh thủ du lịch sớm
Được dự báo di chuyển khó khăn, đông đúc ở các khu du lịch lớn nên vài ngày qua, nhiều người dân ở TP HCM đã tranh thủ đi nghỉ lễ sớm. Trong đó các nhóm cán bộ hưu trí, người lớn tuổi, lao động tự do, doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ đã sắp xếp lịch làm việc để tránh di chuyển thời gian đúng kỳ nghỉ lễ.
Ông Nguyễn Văn Phúc, chủ hãng cho thuê xe khách du lịch cho biết mấy ngày qua hơn 10 phương tiện ô tô từ loại 7 chỗ đến loại 16 và 29 chỗ đều “cháy hàng” vì lượng khách thuê tăng đột biến. Nhiều khách đã tranh thủ thuê xe và di chuyển đi Đà Lạt, Nha Trang từ ngày 27, 28/4 để tránh cảnh kẹt xe, đông đúc.
“Có 2 đoàn khách ở bên Tân Bình và Phú Nhuận đều đặt lịch di chuyển ngày 27 và mấy đoàn khách khác đặt lịch ngày 28 để đi Đà Lạt với Phan Thiết.
Họ đều là nhóm người lớn tuổi du lịch kết hợp với hành hương, tham qua các địa điểm tâm linh. Các tài xế của chúng tôi hiện đã kín lịch chạy xe rồi. Ngoài hai ngày cao điểm là 29 và 30-4 thì hiện nay nhiều nhóm khách tranh thủ đi nghỉ lễ sớm. Như vậy cũng giúp cho lượng khách đặt xe nhiều hơn vì có thể xoay tour kịp thời” - ông Phúc cho hay.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay việc lựa chọn đi du lịch tránh thời điểm đông đúc, cao điểm nghỉ lễ Tết đang là lựa chọn của nhiều người dân.
Trong khi đó khảo sát ngày 28/4 ở ga tàu, bến xe tại TP HCM cũng bắt đầu nhộn nhịp dù chưa chính thức nghỉ lễ. Bà Nguyễn Thị Trâm, chủ hãng xe khách chạy tuyến TP HCM - Bà Rịa Vũng Tàu cho biết từ hai hôm nay hành khách di chuyển từ TP HCM về quê đã bắt đầu tăng cao. Nhiều lao động tự do, người dân đã tranh thủ về quê sớm trước kỳ nghỉ lễ. Cũng theo bà Trâm, hiện toàn bộ vé xe của công ty đã bán hết từ ngày 29 và ngày 30/4 ở chiều đi và ngày 3 và 4/5 của chiều về.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Phú Đạt - Phó Giám đốc Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) cho biết thời gian cao điểm (ngày 29, 30/4), dự kiến có khoảng 25.000 - 30.000 hành khách di chuyển qua bến một ngày, đây là con số cao nhất từ khi xuất hiện dịch Covid-19 tới nay. Hiện bến xe đã có kế hoạch phối hợp với các hãng chuẩn bị đầy đủ phục vụ nhu cầu hành khách.
Cũng theo ông Đạt, dù lượng hành khách tăng vọt dịp lễ nhưng so với thời điểm chưa có dịch Covid-19, lượng hành khách vẫn thấp hơn nhiều.
Tại Ga Sài Gòn, dịp lễ 30-4 này, mặc dù ngành đường sắt đã tăng cường chạy thêm 17 đoàn tàu so với ngày thường nhưng toàn bộ vé đã được bán hết từ trước. Đặc biệt, hầu hết hành khách đều chỉ di chuyển chặng ngắn từ TP HCM đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn hay Đà Nẵng thay vì chạy chặng dài Bắc - Nam.
Đây đều là các chặng nối TP HCM với các thành phố du lịch nổi tiếng, được nhiều người dân lựa chọn. Ngoài việc tăng cường, ngành đường sắt cũng duy trì chế độ giảm giá vé, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách...
Tăng cường xử lý vi phạm
“Sáng ngày 29/4, 100% cán bộ chiến sĩ đội CSGT số 6 sẽ nhận nhiệm vụ, vừa tập trung phân luồng giao thông vừa tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông. Đặc biệt là 2 tuyến đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng dự kiến sẽ chịu áp lực rất lớn do lượng người và xe cá nhân cũng như xe khách tăng cao trong dịp nghỉ lễ.
Bên cạnh đó, tuyến đường vành đai 3, hướng đi cầu Thanh Trì vẫn thường diễn ra tình trạng xe đi chậm gây ùn ứ, làm các phương tiện không thoát kịp. Do đó, đội CSGT số 6 đã chuẩn bị sẵn phương án tổ chức phân luồng từ xa, nhằm giảm thiểu ùn tắc. Đối với các xe khách từ bến Mỹ Đình ra đến đường Phạm Hùng có hiện tượng cò giá xe, chèo kéo khách bốc xếp hàng hóa, Đội sẽ xử phạt nghiêm” - Thiếu tá Trần Quang Chinh - Đội phó đội CSGT số 6 phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết.