Những tháng ngày 'nóng như đổ lửa' ở Ấn Độ
Những đợt nắng nóng khắc nghiệt đe dọa tính mạng đến người dân Ấn Độ sớm hơn bình thường, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ với mức cao nhất và con số này sẽ chỉ ngày càng tăng mạnh hơn.
Những đợt nắng nóng đe dọa tính mạng người dân Ấn Độ đã đến sớm hơn bình thường một tháng, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ với mức nhiệt cao nhất lên tới hơn 38 độ C, và con số này sẽ chỉ ngày càng tăng mạnh hơn.
Đợt nắng nóng tồi tệ nhất dự kiến sẽ kéo dài vào cuối tuần này với mức nhiệt độ cao hơn 5-8 độ C trên mức bình thường khắp miền Bắc và Tây Bắc Ấn Độ, cũng như ở một số khu vực của Pakistan.
Theo Scott Duncan, một chuyên gia về khí hậu khắc nghiệt, hơn một tỷ người trên Trái đất sẽ phải chịu đựng thời tiết nắng nóng cực độ - chiếm 10% dân số thế giới.
Khu vực này, bao gồm cả thủ đô New Delhi, có thể sẽ phải chịu đựng mức nhiệt độ lên đến trên 40 độ C. Và thật không may, cái nóng này sẽ khiến con người không thể "ăn no ngủ yên".
Nhiệt độ ban đêm quá cao có thể gây chết người
Sẽ có rất ít hoặc thậm chí không có bất cứ sự thay đổi nào trong suốt khoảng thời gian ban đêm vì nhiệt độ tối thiểu sẽ không giảm xuống dưới mức 30 độ C ở nhiều khu vực. Thời gian kéo dài của ‘những đêm ấm áp’ có thể gây chết người khi hạn chế khả năng phục hồi sức nóng ban ngày của cơ thể.
Điều này đặt ra một vấn đề lớn đối với Ấn Độ khi một phần lớn cư dân sống mà không có máy điều hòa nhiệt độ, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, đặc biệt là đối với những người cao tuổi.
Barmer, một thành phố ở Ấn Độ, đã ghi nhận mức nhiệt độ cao lên tới 45,1 độ C. Cùng ngày, một nhà ga ở Pakistan đã lập kỷ lục về mức nhiệt độ tối đa cao nhất ở Bắc bán cầu là 47 độ C, theo Maximiliano Herrera, một chuyên gia về khí hậu khắc nghiệt.
Phá vỡ kỷ lục nhiệt độ 122 năm tại Ấn Độ
Theo Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), nhiệt độ tối đa trung bình của toàn Ấn Độ được ghi nhận vào tháng 3 là mức cao nhất được ghi nhận trong vòng 122 năm qua .
Nhiệt độ cao trung bình trong tháng 3 năm nay được ghi nhận ở mức 33,10 độ C, chỉ vừa đủ vượt qua kỷ lục trước đó từ năm 2010 là 33,09 độ C.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Khoa học và Môi trường (CSE), kể từ thời điểm ngày 11/3, các đợt nắng nóng đã ảnh hưởng đến 15 trong số các bang và vùng lãnh thổ của Ấn Độ, đồng thời nhấn mạnh rằng, ‘Rajasthan và Madhya Pradesh đã phải hứng chịu nhiều nhất trong số các bang, với 25 đợt nắng nóng nghiêm trọng trong khoảng thời gian này’.
Hình thái áp suất này liên quan đến các hiện tượng thời tiết La Niña, hiện đang bao trùm trên khắp Thái Bình Dương, tồn tại lâu hơn dự kiến. Theo Raghu Murtugudde, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Maryland, La Niña xuất hiện cùng với các đợt sóng ấm đến từ Bắc Cực đã gây ra các đợt nhiệt hình thành nóng cực độ.
Và những tác động hiện tại của La Niña đối với mùa xuân và mùa hè ở Ấn Độ là hoàn toàn bất ngờ, nhà khoa học Murtugudde nhấn mạnh.
Tháng 4 và tháng 5, được coi là thời điểm trước gió mùa, thường là những tháng nóng nhất trong năm khi khu vực này có gió mùa kéo dài vô tận. Sức nóng này sẽ tiếp tục tăng vào các tháng mùa hè nếu không có mây che và mưa do gió mùa mang lại.
Mùa gió mùa sẽ mang đến cho Ấn Độ lượng mưa rất cần thiết và mức nhiệt độ mát mẻ hơn, thường bắt đầu vào đầu tháng 6 từ phần phía nam của đất nước. Tuy nhiên, sẽ phải mất nhiều tháng để gió mùa xuất hiện và cứu sống những khu vực ở miền bắc Ấn Độ, nơi hiện đang trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất.
Gió mùa rất quan trọng đối với nhiều khu vực vì chúng cung cấp phần lớn lượng mưa hằng năm cho Ấn Độ, hỗ trợ tưới tiêu cho nông nghiệp và giúp giảm bớt các đợt nắng nóng gay gắt trong mùa trước đó.
Các đợt nắng nóng ở Ấn Độ sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn
Cũng như nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khác, các đợt nắng nóng sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu.
Elfatih Eltahir, giáo sư thủy văn và khí hậu tại MIT, cho biết: “Tương lai của các đợt nắng nóng có vẻ sẽ tồi tệ hơn ngay cả với sự giảm thiểu đáng kể của biến đổi khí hậu, và sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu không có các biện pháp giảm thiểu”.
Ấn Độ là một trong những quốc gia được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu, theo cơ quan chuyên trách về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).
Báo cáo khoa học mới nhất của IPCC vào tháng 8/2021, được ghi nhận với sự ‘tin tưởng cao’ rằng các hiện tượng nóng cực đoan đã gia tăng ở Nam Á và nhiệt độ tăng cao phần lớn là do con người gây ra biến đổi khí hậu.
“Các đợt nắng nóng gay gắt hơn với thời gian dài hơn và xảy ra với tần suất cao hơn đã được dự báo trên khắp Ấn Độ”, báo cáo nêu rõ.
Nếu không có bất kỳ thay đổi nào, một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể sẽ xảy ra trên khắp Ấn Độ khi các vùng rộng lớn của đất nước có thể trở nên quá nóng đến mức không thể sinh sống được.