Từ năm 2030 Hà Nội không còn bến xe trong khu vực trung tâm
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Quyết định quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đại Đoàn Kết Online trao đổi với ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc GTVT Hà Nội để làm rõ hơn quy hoạch có đảm bảo mục tiêu phát triển đô thị trong thời gian tới.
PV: Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các bến xe hiện có (trong khu vực đường vành đai 3) gồm Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm sẽ được điều chỉnh công năng thế nào, thưa ông?
Ông Trần Hữu Bảo: Theo Quyết định số 1218 phê duyệt quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các bến xe hiện có gồm Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của bến xe trên cơ sở quy mô hiện có.
Về lâu dài, các bến xe trên sẽ được thay thế bằng các bến xe theo quy hoạch tại khu vực lân cận đường Vành đai 3 (bến Đông Anh, bến Cổ Bi) và Vành đai 4 (bến xe Nội Bài, bến Phùng, bến phía Nam...).
Quỹ đất các bến xe khách hiện có này sẽ được chuyển chức năng ưu tiên cho nhu cầu phục vụ giao thông công cộng và giao thông đô thị (bãi đỗ xe công cộng, điểm trung chuyển xe buýt, trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ...).
Trong giai đoạn trung hạn, xây dựng bến Yên Sở (diện tích khoảng 3,2 ha) theo dự án đầu tư được duyệt.
Trong Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn P Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố lựa chọn đặt các vị trí bến xe mới ở Đông Anh, Cổ Bi, Nội Bài, Ngọc Hồi… đều là các khu vực xa trung tâm Hà Nội. Lý do là gì thưa ông?
- Theo đồ án quy hoạch bến, bãi đỗ xe đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1218, có định hướng quy hoạch các bến xe khách, xe tải liên tỉnh được bố trí trên các trục hướng tâm tại cửa ngõ giao với Vành đai 4.
Các vị trí được lựa chọn là các khu vực đầu mối thuận tiện về kết nối giao thông đi lại cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách ra vào thành phố.
Các bến xe khách liên tỉnh xây dựng mới được kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng và gần các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị nhằm kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại. Từng bước thay thế các bến xe khách hiện có nằm sâu trong nội đô.
Phân bổ đều theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc để cân đối hài hòa vùng phục vụ, khu vực phục vụ để hạn chế tối đa việc tập trung vào trong khu vực đô thị trung tâm gây ùn tắc giao thông
Có đủ diện tích để bố trí kết nối các loại hình phương tiện giao thông công cộng phục vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách cũng như dự phòng quỹ đất cho việc mở rộng, phát triển trong tương lai.
Đảm bảo kết nối đa phương thức, người dân đi lại thuận tiện
Nhiều chuyên gia giao thông lo ngại việc dời các bến xe xa trung tâm, nhất là đô thị lớn như Hà Nội sẽ gây khó khăn, phát sinh thêm chi phí mới có thể tiếp cận được các phương tiện. Quan điểm của ông thế nào?
- Về vấn đề này, trong giai đoạn trước đây khi tổ chức lập đồ án quy hoạch này đã có ý kiến cho rằng ‘‘không nên đưa toàn bộ bến xe liên tỉnh ra Vành đai 4 mà cần có kết nối phù hợp tuyến cố định với khu vực tiệm cận trung tâm’’. Theo đó, khi lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch này cũng đã phân tích đánh giá để giải quyết nội dung quan ngại này.
Trong quá trình nghiên cứu lập đồ án quy hoạch này, các cơ quan chuyên môn liên quan của UBND TP Hà Nội đã xem xét phân tích đánh giá tổng thể các yếu tố liên quan đến định hướng quy hoạch (theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô và quy hoạch GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) cũng như định hướng phát triển đô thị đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ giữa các đồ án quy hoạch và hướng tới phát triển bền vững nhằm đáp ứng được nhu cầu trước mắt và như lâu dài.
Việc định hướng bố trí các bến xe khách liên tỉnh ra khu vực đường Vành đai 4 đã được nghiên cứu đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các đồ án quy hoạch có liên quan, đồng thời phục vụ có hiệu quả việc triển khai thực hiện đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030” đã được HĐND thành phố thông qua, cũng như triển khai nghiên cứu, lập đề án ‘‘Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP Hà Nội có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào’’.
Những cơ chế, chính sách để kêu gọi đầu tư xây dựng các bến xe mới hiện đại, đảm bảo tính kết nối các loại hình giao thông Hà Nội?
- Việc HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 đã giải quyết kịp thời nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách, tăng tính hấp dẫn, đáp ứng mong mỏi của các nhà đầu tư tham gia đầu tư lĩnh vực này, đảm bảo tính khả thi cũng như hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư.
Trong đó phải kể đến một số chính sách khuyến khích, ưu đãi nổi bật như: Ưu đãi về vay vốn, tiếp cận nguồn vốn, Ưu đãi về thuê đất, giao đất, lồng ghép một số chức năng dịch vụ tiện ích, thương mại khi đầu tư xây dựng nhưng đảm bảo không thay đổi chức năng quy hoạch cơ bản của ô đất, cũng như công suất đỗ xe. Hỗ trợ thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, công nghệ cao trong nước chưa sản xuất được hoặc trong nước đã sản xuất nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…
UBND TP Hà Nội cũng đã phân công cụ thể cho các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện nhằm cụ thể hóa các cơ chế chính sách thông qua các quy trình, hướng dẫn, quy định đảm bảo tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đối tượng tham gia đầu tư.
Các nội dung cơ chế chính sách nêu trong Nghị quyết đã nhận được sự sự đồng thuận, ủng hộ, đánh giá cao của tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình tổ chức thực hiện.
Để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án bãi đỗ xe đã được quy hoạch, TP Hà Nội đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy công tác đầu tư cho lĩnh vực này.
Cụ thể: Tăng cường công tác giám sát, đôn đốc việc tổ chức triển khai dự án của các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Đối với những dự án chậm triển khai mà nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Nhà đầu tư sẽ triển khai các thủ tục thu hồi dự án theo quy định.
Tiếp tục duy trì công bố danh mục kêu gọi đầu tư trong đó có các bến bãi đỗ xe trên địa bàn Thành phố tại các hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các nhà đầu tư triển khai các dự án.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện mạng lưới đường giao thông để kết nối giao thông cho hệ thống mạng lưới giao thông tĩnh (đặc biệt là các bến xe và các đầu mối giao thông).
Cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính rút ngắn thời gian giải quyết từ khâu quy hoạch, chuẩn bị dự án, thiết kế đến thẩm định, phê duyệt và giải phóng mặt bằng. Xác định rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ tiến độ, rõ hiệu quả của từng cấp, từng ngành, cá nhân, người đứng đầu trong giải quyết công việc; nâng cao hiệu quả quản lý, rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn ông!