TP HCM tăng cường giám sát một số ngành, lĩnh vực có dấu hiệu tham nhũng
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo, cần thường xuyên kiểm tra đôn đốc, phát hiện, uốn nắn, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ở các cấp, các ngành trong thời gian tới.
Ngày 29/4, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, cấp ủy Đảng cần thể hiện vai trò trong lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, phát hiện, uốn nắn, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ở các cấp, các ngành.
Đồng thời, người đứng đầu để xảy ra sai phạm cũng phải có quy trình xử lý quyết liệt hơn trong từng cơ quan, đơn vị về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo đánh giá của Bí thư Thành ủy TP HCM, một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: quản lý các dự án đầu tư lớn, trọng điểm; công tác quản lý đất đai, thu hồi, giải phóng mặt bằng; đầu tư xây dựng cơ bản; đấu thầu; môi trường;...
Do đó, cần thiết phải có bố trí, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra trong các ngành/lĩnh vực kể trên để ngăn ngừa, phát hiện sai phạm, tham nhũng và xử lý kịp thời theo quy định.
Ngoài ra, người đứng đầu Đảng bộ TP HCM cũng yêu cầu, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo việc theo dõi, giám sát xử lý sau thanh tra, kiểm tra và chú trọng công tác thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát,…
Tại Hội nghị, báo cáo của TP HCM cho biết, trong năm qua các cơ quan cức năng của thành phố đã tổ chức hơn 4.400 chương trình tuyên truyền, phổ biến về phòng chống tham nhũng. Qua đó, đã phát hành gần 208.000 tài liệu, cẩm nang liên quan các quy định về phòng chống tham nhũng.
Về xử lý kỷ luật và sai phạm, các cơ quan chức năng TP HCM đã chuyển đổi vị trí công tác của hơn 2.000 cán bộ, công chức viên chức trong các lĩnh vực tư pháp-hộ tịch, văn hóa-xã hội, thủ quỹ, xây dựng, địa chính, nhà đất, y tế,...