Diện mạo mới của thành phố năng động, nghĩa tình
Sau 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP HCM đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, luôn luôn khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế, bệ đỡ cho kinh tế cả nước cùng phát triển.
Năng động đổi mới để phát triển
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, thành phố Sài Gòn, sau đó vinh dự được mang tên TP HCM đứng trước nhiều khó khăn. Để giải quyết khó khăn, TP HCM đã tiên phong thí điểm cấp phép đầu tư cho Công ty liên danh xây dựng và kinh doanh khu chế xuất Tân Thuận. Phát huy hiệu quả từ việc áp dụng ý tưởng mới vào thực tế, khu chế xuất Linh Trung (thành phố Thủ Đức) cũng thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tương tự, từ năm 2000, Khu công nghiệp phần mềm Quang Trung được hình thành trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của một số nước tiên tiến. Khu Công nghiệp này tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp phần mềm cho thành phố.
Ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân, Chủ tịch HĐQT FPT nhớ lại: “20 năm trước, thành phố họp hàng tuần để thúc đẩy xây dựng khu công nghệ phần mềm Quang Trung. Ngày nay, khu công nghệ này thành trung tâm kinh tế lớn, có thể ngang ngửa nhiều quận, huyện”. Ngoài những khu chế xuất trên, nhiều khu công nghiệp khác lần lượt ra đời đúng với mục tiêu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.
Qua hơn 35 năm đổi mới (1986 - 2022), kinh tế TP HCM luôn khẳng định vai trò đầu tàu của cả nước. Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, hiện nay với quy mô đô thị hơn 10 triệu người, thành phố đóng góp khoảng 22% GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia, hội tụ gần 40% số lượng doanh nghiệp hoạt động,... Thành phố đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại. Đến năm 2030, trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số. Đồng thời là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số đóng góp khoảng 25%, đến năm 2030 đóng góp 40% trong GRDP của thành phố.
Diện mạo thay đổi sau 47 năm
Không chỉ giải bài toán kinh tế chung cho toàn thành phố, lãnh đạo TP HCM qua các thời kỳ chú trọng đẩy mạnh xây mới hạ tầng cơ sở, tạo đòn bẩy cho sản xuất, giao thương, đồng thời nâng bậc diện mạo của thành phố lên tầm cao mới. Sau ngày giải phóng ngoài việc khai thác mạng lưới giao thông hiện có, TP HCM không ngừng mở rộng và xây mới nhiều tuyến đường, những công trình giao thông mang tính trọng điểm.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, trong đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, ngoài việc sử dụng nguồn vốn ngân sách, thành phố tập trung huy động nhiều nguồn lực khác thông qua các hình thức như: Kinh doanh - xây dựng - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT), viện trợ không hoàn lại (ODA),...
Điển hình, dự án đại lộ Đông - Tây (trục đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt) là tuyến đường lớn nhất tại TP HCM thực hiện bằng vốn ODA Nhật Bản. Tuyến đường này dài 22km xuyên qua nhiều quận, giải quyết hữu hiệu một lượng lớn xe lưu thông của thành phố, hạn chế kẹt xe. Đặc biệt, trong dự án này, hạng mục quan trọng nhất chính là hầm vượt sông Sài Gòn, nối quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức). Công trình này không chỉ là biểu tượng của TP HCM mà còn mang tầm quốc tế khi được thiết kế hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Thành phố còn quy hoạch, triển khai xây dựng nhiều tuyến metro nội đô và tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chuẩn bị đi vào hoạt động…
Hiện TP HCM cũng đẩy mạnh triển khai đường Vành đai 3 - TP HCM có chiều dài khoảng 76,34 km đi qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Theo UBND TP HCM, dự án này có ý nghĩa quan trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, giảm thiểu quá tải cửa ngõ thành phố, góp phần hoàn thiện các trục giao thông kết nối liên vùng, tăng khả năng kết nối đô thị vệ tinh, phát huy lợi thế các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng.
Tiềm lực và sức sống mãnh liệt sau đại dịch
Trải qua một thời gian dài phát triển vượt bậc, TP HCM xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước, thúc đẩy các tỉnh, thành khác cùng phát triển. Đáng chú ý, từ năm 2017, thành phố áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội và có những thành công nhất định bước đầu. Hiện thành phố đề nghị được tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết giai đoạn 2023 - 2025, hoặc Quốc hội ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển TP HCM phù hợp với vị trí vai trò của đặc thù của thành phố.
TP HCM phát triển vượt bậc là vậy, tuy nhiên đến năm 2021 thành phố phải căng mình hứng chịu sự hoành hành của đại dịch Covid-19. Đợt dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và đời sống người dân. Thống kê, tại TP HCM, dịch Covid-19 bùng phát, lây nhiễm trên 550.000 người, trên 20.000 người tử vong, 2.800 trẻ em mồ côi cha, mẹ,... Nhiều ngành nghề, doanh nghiệp điêu đứng vì dịch bệnh.
Tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP HCM cho biết: “Đại dịch Covid-19 lần thứ 4 tác động nặng nề đến nhiều mặt của thành phố, đất nước. Đó là kinh tế tăng trưởng âm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thiếu hụt lao động. Dịch bệnh ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân,... Đáng lưu ý, ước tính thiệt hại kinh tế của thành phố trong năm 2020 và 2021 vào khoảng 273 ngìn tỷ đồng”.
Để vực dậy kinh tế, UBND TP HCM có nhiều hướng đi, bắt tay thực hiện nhiều giải pháp. Sau 3 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng đạt mức dương, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) quý I/2022 ước tính tăng 1,88% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách đạt 31,31% dự toán và tăng 9,41% so với cùng kỳ. Bà Lệ nhận định, kinh tế TP HCM hồi phục sau đại dịch Covid-19 và có nhiều “điểm sáng” báo hiệu sự khởi sắc. Điều này cũng cho thấy, dư địa, tiềm lực và sức sống của doanh nghiệp kinh tế thành phố khá tốt.
“Kết quả của quý I đầu năm thể hiện sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân. Chúng ta đã bắt đầu bắt nhịp trở lại, đừng để TP HCM - đầu tàu kinh tế của nước bị chậm lại. Năm 2022, phải hoàn thành được các mục tiêu đề ra, mới có cơ sở vững chắc để hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025” - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nói.
Với những kết quả đạt được, lãnh đạo TP HCM yêu cầu các sở, ngành tiếp tục tháo gỡ các “điểm nghẽn” khác. Trong đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo khối liên kết hợp tác để thành phố phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Với truyền thống năng động, sáng tạo, nghĩa tình, sau 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022), thành phố mang tên Bác mang một diện mạo hoàn toàn mới, tiếp tục giữ vững vai trò “đầu tàu kinh tế” của cả nước.
“Đi đầu về giao thông thông minh, y tế thông minh, TP HCM được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp số 1 trong 10 thành phố năng động nhất thế giới” - ông Trương Gia Bình cho biết.