Du lịch Việt: Cất cánh bay cao và xa
Dù chính thức mở cửa du lịch từ ngày 15/3, nhưng việc đón khách quốc tế đến nay vẫn đang ở bước chạy đà khởi động do các yếu tố chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, với những chính sách thông thoáng cùng với sự ra quân đồng bộ của toàn ngành du lịch, việc đón khách du lịch quốc tế đang được kỳ vọng sẽ có một “mùa vàng” bội thu.
Lộ trình đúng hướng
Sau hơn 1 tháng mở cửa trở lại, mới đây Tổng Cục thống kê đã có báo cáo về lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo đó, trong tháng 3, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 42 nghìn lượt người, tăng 41,4% so với tháng trước và gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 91 nghìn lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ. Cũng theo dữ liệu từ công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights, từ đầu năm đến cuối tháng 3 vừa qua, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam (đối với hàng không và cơ sở lưu trú) đang tăng rất nhanh, được xếp vào nhóm tăng cao nhất trên thế giới, đạt trên 75%.
Chỉ số của Google Destination Insights cho thấy, lượng khách đến từ các quốc gia thể hiện sự quan tâm đối với Việt Nam trong giai đoạn khởi đầu mở cửa trở lại vẫn là các nước tiềm năng đối với ngành du lịch nước ta như Mỹ, Australia, Pháp, Canada, Nhật Bản, Đức, Singapore, Anh, Ấn Độ, Thái Lan… Đáng chú ý lượng tìm kiếm của khách quốc tế đến từ Mỹ tăng nhanh bắt đầu từ tháng 2 với khoảng 480%, hay Pháp tăng 376% so với cùng kỳ năm 2021. Còn Đức tăng khoảng 350% vào đầu tháng 2/2022.
Dù những chỉ số trên chưa thật sự đạt được như kỳ vọng của ngành du lịch sau khi mở cửa trở lại, song cũng đang tạo ra một lộ trình đúng hướng cho mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022. Với việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về Ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Nghị quyết 11/NQ-CP về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và đặc biệt là Quyết định của Chính phủ mở cửa toàn diện ngành du lịch từ ngày 15/3/2022 cùng nhiều quy định thông thoáng, ngành du lịch chắc chắn có đà để bứt tốc. Đặc biệt, tháng 5/2022, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức SEA Games 31 là cơ hội tốt để thu hút du khách quốc tế.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, để du lịch có thể phục hồi và đặt biệt là đón du khách nước ngoài như thời kỳ chưa xảy ra đại dịch thì không thể trong một sớm, một chiều. Thời điểm này, ngành du lịch phải chuyển đổi rất nhiều từ tư duy đến hành động và không thể bằng những phương thức thông thường. “Cần phải xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, các cấp, các ngành, các địa phương và thậm chí cả các quốc gia thống nhất hành động” – ông Bình nhấn mạnh.
Khai thông điểm nghẽn
Thực tế cho thấy, câu chuyện đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giờ đây không hẳn là những chỉ số tăng trưởng, “báo cáo thành tích” mà quan trọng là làm sao để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Lâu nay, Việt Nam vốn được xem là mạnh về chất lượng điểm đến, nhưng yếu về tính chuyên nghiệp, thái độ phục vụ. Chưa kể đến các thủ tục như cấp visa, thị thực… vẫn còn khá rườm rà, trong khi các nước như Thái Lan, Singapore đã áp dụng quy trình cấp thị thực với chi phí thấp, công khai thủ tục trên website... Chưa dừng lại ở đó, việc giới hạn thời gian tạm trú cũng khiến ngành du lịch đánh mất cơ hội thu hút du khách tới Việt Nam.
Không những vậy, việc đón khách du lịch quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn khi có một thực tế là, nhiều đơn vị du lịch đang phải rất đau đầu với vấn đề tuyển dụng lao động, không ít công ty phải tìm cách kéo trở lại lực lượng lao động cũ và tuyển dụng nhân sự mới.
Chủ tịch Tập đoàn LuxGroup Phạm Hà cho rằng, với ngành du lịch thời kỳ hậu Covid-19, cơ hội cho các quốc gia là như nhau, các tỉnh, thành trong một nước là như nhau nên địa phương nào nhanh chóng thích ứng sẽ sớm phục hồi và phát triển. Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn nhìn nhận, đối với thị trường khách quốc tế, các địa phương cần tập trung điều chỉnh thị phần. Đây là thời điểm tốt nhất để định hình, điều chỉnh lại thị trường khách quốc tế, hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường khách quốc tế nhất định dẫn đến bị động khi thị trường khách đó sụt giảm bởi các yếu tố khó đoán định. Ông Tuấn cũng cho rằng, việc định hướng điều chỉnh lại thị trường khách quốc tế sẽ phải tập trung vào một số thị trường nhất định và duy trì ở mức vừa phải. Bên cạnh đó, cần phải xúc tiến các thị trường mới tiềm năng hoặc còn đang chiếm thị phần nhỏ nhưng có cơ hội mở rộng thị phần. “Mục tiêu cuối cùng là để tạo thế tương đối cân bằng và ổn định giữa các thị trường khách, không phụ thuộc và dựa hoàn toàn vào bất kỳ thị trường khách quốc tế nào” - ông Tuấn bày tỏ.
Giới chuyên gia nhận định, sự phục hồi trở lại của thị trường du khách quốc tế đang đặt ra hàng loạt vấn đề cần giải quyết, như tuyển dụng và đào tạo lại nguồn nhân lực, chuẩn bị cho sản phẩm mới, hoạt động quảng bá và xúc tiến điểm đến hay cải thiện chất lượng dịch vụ… Ở đó, ngoài những chính sách thì yếu tố quan trọng mang tính quyết định vẫn phải là sự nỗ lực, chủ động của các doanh nghiệp ngành du lịch. Chính sự nỗ lực, chủ động của các doanh nghiệp mới là “chìa khoá” để du lịch Việt Nam có cơ hội “cất cánh”, mở cửa bầu trời.
Muốn chiến lược mở cửa thành công, ngành du lịch nên có tư duy chia nhỏ thị trường, chọn những khu vực có khả năng phục hồi nhanh, mạnh và bền vững để dồn lực vào xúc tiến và tạo hiệu ứng tốt. Quan trọng nhất là làm sao phải có khách ngay trong hè năm nay từ tháng 5, tháng 6 trở đi và chuẩn bị tốt cho mùa du lịch quốc tế bắt đầu từ tháng 10 tới.