Sự trở lại đầy mới mẻ và hào hứng
Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này cũng như mùa hè năm nay, du lịch trong nước được coi là một dịp bùng nổ mạnh mẽ nhất kể từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện. Những gì đã và đang diễn ra cho thấy du lịch Việt Nam hồi sinh và đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để bùng nổ.
“Hà Nội - Đến để yêu”
Kể từ khi Chính phủ cho phép các hoạt động mở cửa trở lại, ngành du lịch Hà Nội đã có sự chuyển biến tích cực.
Đánh dấu sự khởi sắc chính là chuỗi sự kiện “Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi” do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua với điểm nhấn là Lễ hội khinh khí cầu lần đầu tiên tổ chức tại Thủ đô. Cùng với đó, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, diễn ra từ ngày 31/3 đến 3/4 tại Hà Nội, thu hút hơn 40 nghìn lượt khách, 20.000 doanh nghiệp tham dự, trở thành ngày hội du lịch của cả nước.
Tại đây, nhiều sản phẩm du lịch mới của Thủ đô đã được giới thiệu như Hội Lữ hành Hà Nội giới thiệu bộ sản phẩm tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, tour xe đạp khám phá nhiều cung đường mới trong nội thành và ngoại thành Hà Nội; Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ khai thác trở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” vào tháng 5, sẵn sàng đón khách dịp SEA Games 31.
Tháng 5 tới, nhiều sản phẩm mới khu vực ngoại thành Hà Nội cũng sẽ được đưa vào khai thác. Điểm nhấn là tour “Dấu chân làng cổ Bát Tràng” do UBND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist xây dựng, sẽ có nhiều trải nghiệm khác lạ để khách tự khám phá văn hóa làng cổ qua các trò chơi.
Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, du lịch Hà Nội đang trong giai đoạn phục hồi với mục tiêu quý I và II-2022 sẽ tập trung vào khách nội địa, đến quý III/2022 sẽ đón khách quốc tế. Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ từ 9 đến 10 triệu lượt khách, trong đó có từ 1,2 đến 2 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022.
Được biết, để hoạt động du lịch đạt chất lượng cao, Hà Nội sẽ tập trung triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã. Đặc biệt chú trọng nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch tại 4 tuyến chính từ trung tâm thành phố đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Sơn (Mỹ Đức), Thạch Thất - Quốc Oai và Sơn Tây - Ba Vì...
Cũng theo bà Giang, các sự kiện diễn ra tới đây sẽ tập trung quảng bá tới người dân và du khách, nhất là khách quốc tế về một “Hà Nội - Đến để yêu”, một điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách, chất lượng và hấp dẫn. Vì thế, Hà Nội cần sự chung tay của các địa phương, tổ chức, đơn vị kinh doanh du lịch để có những sản phẩm riêng biệt, níu chân du khách lưu trú dài ngày hơn. Ngoài ra, các đơn vị cần bổ sung nguồn nhân lực để nâng cấp dịch vụ, sẵn sàng đón lượng khách lớn.
Trước đây, Hà Nội vẫn bị coi như là điểm dừng chân, điểm kết nối các điểm du lịch địa phương khác. Nguyên nhân bắt nguồn từ chính những sản phẩm du lịch trước đây không được làm mới, vẫn đi lại những hành trình đã đi.
Để thực sự thu hút được du khách kể cả khách quốc tế và khách nội địa thì trước hết Hà Nội phải làm mới, hoàn thiện sản phẩm. Đặc biệt gần đây, xu hướng của du khách thích những trải nghiệm vùng sâu, vùng xa , vùng ngoại đô… Chính điều đó mở ra cho Hà Nội thêm cơ hội có nhiều sản phẩm du lịch mới.
“Ngắm TP Hồ Chí Minh từ trên cao”
Sau một thời gian dài chống chọi với dịch bệnh, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đang từng bước đứng dậy và sẵn sàng đón khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Ban tiếp thị Công ty Du lịch Lữ hành Saigontourist cho biết, hiện nay khách quốc tế đến TP HCM chưa nhiều so với trước. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế có thể tăng mạnh vào cuối năm. Đây chính là cao điểm đón khách du lịch quốc tế.
Cũng theo bà Trà, công ty sẽ bắt đầu đón du khách quốc tế từ đầu tháng 12 tới với lịch trình mỗi tháng 3 chuyến tàu biển Celebrity của hãng Royal Caribbean Cruise Line. Phần lớn du khách trên tàu có quốc tịch Mỹ, châu Âu.
Tương tự, Công ty Du lịch Vietravel cũng đã thiết kế hành trình riêng dành cho khách du lịch trong và ngoài nước đến các địa điểm du lịch kết hợp hội nghị dựa vào nhu cầu của chính doanh nghiệp, tổ chức hay nhóm gia đình.
Nói về phân khúc khách du lịch quốc tế, ông Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Viet Excursions cho hay, Công ty đón khách đến Việt Nam bằng tàu biển. Theo lịch hãng tàu báo, số chuyến vào các cảng của Việt Nam sẽ bắt đầu từ tháng 11 năm nay. Trong đó, trung bình mỗi tháng có 5 chuyến với số khách từ 450 đến 2.000 khách, mỗi chuyến tùy sức chứa của mỗi con tàu.
“Dự báo, lượng khách du lịch quốc tế năm nay mà chúng tôi chào đón cũng bằng thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra. Sau dịch bệnh mà lượng khách như vậy cũng an tâm phần nào vì đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều nước, tất cả các ngành nghề” - ông Xuân Anh kỳ vọng về lượng khách du lịch nước ngoài.
Liên quan đến việc mở cửa cho thị trường khách du lịch quốc tế, trước đó du lịch TP HCM đón 130 khách đến từ Hoa Kỳ. Đoàn khách này đa phần là doanh nhân, thương gia, hiệp hội của Hoa Kỳ và những người lần đầu tiên đến Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, ngay sau khi mở cửa du lịch quốc tế mà đón được một đoàn khách đến từ Hoa Kỳ là niềm vui lớn cho ngành du lịch. Du lịch quốc tế của thành phố sẽ thật sự khởi sắc trong thời gian tới.
Để thu hút khách du lịch quốc tế sau dịch bệnh, các công ty du lịch nói riêng và ngành du lịch TP HCM nói chung đã không ngừng cải thiện, chào đón khách bằng những sản phẩm mới, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch quốc tế. Vẫn theo ông Xuân Anh, xu hướng du lịch của khách quốc tế có thay đổi, khách hướng đến du lịch xanh, không gian mở. Doanh nghiệp cũng phải thiết kế những tour theo xu hướng của khách, tour xanh sau dịch Covid-19.
Đặc biệt, Sở Du lịch TP HCM đã phối hợp cùng các bên tổ chức chuyến bay khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch “Ngắm TP Hồ Chí Minh từ trên cao” bằng máy bay trực thăng.
Đây là sản phẩm đầu tiên trong chuỗi các sản phẩm mới, độc đáo mà ngành du lịch thành phố đang triển khai xây dựng tạo lực mới thu hút khách du lịch, đón đầu thị trường khách quốc tế trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời, hướng đến mục tiêu phát triển thành phố trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á.
Sản phẩm “Ngắm TP Hồ Chí Minh từ trên cao” có tầm ngắn và tầm trung. Trong đó, sản phẩm tầm ngắn với thời gian bay từ 30 đến 45 phút gồm 2 lộ trình bay: bay ngắm trung tâm thành phố và ngắm trung tâm thành phố - Cần Giờ.
Sản phẩm tầm trung thời gian bay khoảng 60 phút với lộ trình bay kết nối thành phố và Long An theo tuyến: trung tâm thành phố - Khu du lịch Cánh đồng bất tận (tỉnh Long An) hoặc Cần Giờ - Khu du lịch Cánh đồng bất tận.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM kỳ vọng, ngành du lịch thành phố tiếp tục khẳng định vị trí là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu trong ngành du lịch Việt Nam. Thành phố cũng đang nỗ lực xây dựng các sản phẩm đặc trưng để du khách đến TP HCM khám phá được một đô thị phương Đông đang trên con đường hiện đại hóa và hội nhập nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mình.
Ông Đức nhấn mạnh, thành phố xây dựng môi trường thuận lợi, an toàn cho du khách. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu đưa TP HCM thành một đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á.
Quảng Nam đã đông vui trở lại
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, Quảng Nam ngày nay không chỉ nổi tiếng với hai Di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn hay Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm hoặc những món ăn đậm đà Xứ Quảng, mà còn được biết đến với nhiều sản phẩm OCOP chan chứa tình quê, nhiều khu du lịch quyến rũ, nhiều làng du lịch cộng đồng đặc sắc đã và đang hình thành dọc theo chiều dài của hơn 100 km bãi biển cát trắng, nước trong xinh đẹp; men theo những dòng sông thơ mộng hay thấp thoáng ở vùng trung du, miền núi gắn với văn hóa bản địa đồng bào dân tộc thiểu số giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ...
Nhờ phát huy các tiềm năng, thế mạnh về di sản văn hóa và tự nhiên, du lịch Quảng Nam những năm gần đây phát triển mạnh mẽ. Các chỉ tiêu về số lượng khách và doanh thu từ du lịch đều tăng cao.
Năm 2019, Quảng Nam đón gần 7,8 triệu lượt khách, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 21,3% mỗi năm; năm 2020, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Quảng Nam vẫn đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, trong đó có trên 764.000 lượt khách quốc tế. Khách du lịch đến Quảng Nam đứng thứ 2/8 tỉnh, thành phố trong vùng du lịch Duyên hải Nam Trung bộ.
Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng đã nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng do các tổ chức uy tín trên thế giới chứng nhận và trao tặng như Hội An đã nhận hàng chục danh hiệu được bình chọn từ các Tạp chí danh tiếng trong nước và quốc tế, nổi bật là Hội An nằm ở tốp 3 thành phố tuyệt vời nhất thế giới năm 2020 do tạp chí Travel and Leisure bình chọn, The Nam Hải là khu nghỉ dưỡng và spa tốt nhất do Tạp chí Conde Nast Traveller (Vương quốc Anh) bình chọn, Sân golf Montgomerie Links (Điện Bàn) là một trong những sân golf tốt nhất Châu Á do Tạp chí Forbes bình chọn, nhiều điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã nhận được giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN (điểm du lịch cộng đồng Triêm Tây, Điện Bàn năm 2017, Làng du lịch cộng đồng Cơ Tu, Nam Giang năm 2019)...
Vực dậy sau đại dịch
Từ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, lượng du khách đến Quảng Nam đông trở lại. Mới đây, Quảng Nam vinh dự được chọn là “Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022”. Là nơi diễn ra Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 với hàng nghìn du khách trong và ngoài nước tham dự.
Trong những ngày nghỉ lễ, hầu hết các khu du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam đều chật kín du khách, nhất là tại Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Chỉ 6 ngày Tết, Quảng Nam đón gần 60.000 lượt du khách đến tham quan và lưu trú.
Mới nhất, theo thống kê của Sở VHTTDL Quảng Nam, trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, tỉnh Quảng Nam đã đón khoảng 60.000 lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Hầu hết các khách sạn đều đạt công suất sử dụng buồng, phòng từ 70% trở lên, nhiều khách sạn lên đến 90%.
Ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam cho rằng, đối với khách du lịch quốc tế thì Hà Nội vẫn là điểm đến mong chờ. Khách quốc tế đến với Hà Nội để trải nghiệm giá trị văn hóa và những điểm tham quan nổi tiếng.
“Ở Hà Nội, vùng ven đô có Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đây là điểm đến rất ý nghĩa đối với du khách nước ngoài. Trước khi đến với các làng, các bản ở cá địa phương thì du khách có thể trải nghiệm, tham quan những giá trị tại chính Làng Văn hóa để từ đó có sự lựa chọn trước khi đến với các tỉnh thành, địa phương khác. Chúng ta cố gắng đưa những hành trình, điểm đến giới thiệu với khách hàng sâu hơn” - ông Quỳnh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho rằng, với thị trường quốc tế, du lịch TP HCM sẽ đổi mới hoạt động xúc tiến nước ngoài phù hợp với xu hướng phát triển của du lịch thế giới.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh truyền thông quốc tế và đầu tư nâng chất sự kiện xúc tiến nước ngoài trên cơ sở lựa chọn thị trường, tăng cường hợp tác quốc tế trong xúc tiến du lịch. Sở Du lịch TP HCM đã ký thỏa thuận với EuroCham trong nhằm thúc đẩy phát triển loại hình du lịch MICE và du lịch ẩm thực. Sự hợp tác này giúp mở rộng các kênh quảng bá hình ảnh của TP HCM du khách nước ngoài.
Mới đây, TP HCM cũng mời diễn giả quốc tế Ý, Nga, Singapore, Hàn Quốc... tham gia diễn đàn kinh tế TP HCM năm 2022 đi tour trải nghiệm tại Cần Giờ, Củ Chi.
Tại Cần Giờ- lá phổi xanh của TP HCM, nơi được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, các vị khách tham quan được cảm nhận những điểm đặc sắc của Khu du lịch sinh thái Vàm Sát, đảo khỉ, căn cứ Rừng Sác, khu bảo tồn chim… Du khách cũng trải nghiệm câu cua, câu cá sấu, đi ca nô len lỏi trong rừng đước. Tại Củ Chi, du khách tham quan Địa đạo Bến Dược, khu tái hiện vùng giải phóng, chợ quê…
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam để chuẩn bị tốt cho Năm Du lịch quốc gia, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cấp cơ sở vật chất ngành du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và nguồn nhân lực phục vụ, cùng với đó thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn về an ninh trật tự, xã hội, giao thông, vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch Covid-19...
Quảng Nam sẽ phát huy tiềm năng lợi thế về tài nguyên du lịch, phát triển mạnh các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, lữ hành và các dịch vụ phục vụ khách du lịch đã tạo nên thương hiệu du lịch Quảng Nam.