Có tiền nhưng không biết tiêu
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 548/QĐ-TTg thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đến ngày 30/4/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4/2022 dưới mức trung bình của cả nước (18,48%).
Các Tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng (Kế hoạch-Đầu tư; Tài chính) làm Tổ trưởng.
Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đồng thời hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công; Đánh giá việc chấp hành quy định về lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; Đánh giá việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Xem xét trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công tại từng bộ ngành, địa phương; xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu.
Đáng chú ý, các Tổ công tác phải báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gửi Thủ tướng Chính phủ trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Vốn đầu tư công là nguồn vốn lớn, cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đất nước khôi phục, phát triển sản xuất sau khi đã kiểm soát được dịch Covid-19. Về nguyên tắc, dòng vốn chỉ phát huy giá trị khi được đưa vào lưu thông, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với Việt Nam, khi nguồn vốn chưa dồi dào thì việc ưu tiên cho đầu tư công là nỗ lực to lớn của Chính phủ. Vì thế, dòng vốn này cần phải được triển khai sớm và hiệu quả, cùng đó là giám sát chặt chẽ để tránh thất thoát, lãng phí.
Tuy nhiên, việc triển khai lại chưa khả quan, nhiều địa phương, bộ, ngành vẫn rất chậm chạp.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2021 (18,65%).
Trong đó, vốn trong nước đạt 19,57%, vốn nước ngoài đạt chỉ 3,25%. Đáng chú ý có 12/51 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Mới có 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%.
Nếu như năm 2020 và 2021, một số nơi lấy lý do vì dịch Covid-19 bùng phát mạnh nên khó khăn trong việc đầu tư phát triển thì các tháng đầu năm nay không thể vin vào lý do đó, vì rằng từ ngày 12/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Ngày 8/4/2022 Thủ tướng Chính phủ lại có Công điện số 307 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng quan hệ mật thiết với Nghị quyết 11 của Chính phủ ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chính vì vậy, việc “tổng kiểm tra” những nơi chậm giải ngân vốn đầu tư công là rất cần thiết. Trên cơ sở đó, cần có biện pháp xử lý cụ thể. Thiết nghĩ, hai điểm quan trọng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 của những nơi chưa phân bổ hết cho những nơi khác đã có dự án và có nhu cầu bổ sung vốn.
Chỉ có quyết liệt xử lý thì dòng chảy vốn đầu tư công mới được khơi thông. Vì rằng, đây cũng chính là vấn đề tồn đọng vô lý suốt nhiều năm qua, khi mà “có tiền nhưng không biết tiêu”.