Giá vàng trong nước chênh với thế giới gần 18 triệu đồng/lượng
Giá vàng trong nước giảm mạnh trong bối cảnh giá kim loại quý trên thị trường thế giới giảm sâu đầu tuần này. Rạng sáng 4/5 giảm từ 50.000 đến 450.000 đồng.
Rạng sáng ngày 4/5 (giờ Việt Nam) chứng kiến sự phục hồi nhẹ với giá vàng kỳ hạn tháng 6 tăng 7,5 USD lên 1.871,1 USD/ ounce. Vàng giao dịch lần cuối ở mức 1.869,3 USD/ ounce, tăng 6,5 USD so với ngày trước đó.
Trong những tuần gần đây, giá vàng thế giới liên tiếp “lao dốc” vì đồng USD tìm thấy động lực tăng giá mạnh mẽ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, làm suy yếu sức hấp dẫn của kim loại quý.
Giá vàng trong nước giảm mạnh trong bối cảnh giá kim loại quý trên thị trường thế giới giảm sâu đầu tuần này. Rạng sáng 4/5 giảm từ 50.000 đến 450.000 đồng.
Mức giảm mạnh nhất là vàng SJC. Giá vàng SJC ở cả 3 khu vực Hà Nôi, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã giảm 450.000 đồng ở chiều mua và 400.000 đồng ở chiều bán. Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng là 69,2 triệu đồng/ lượng mua vào và 69,97 triệu đồng/ lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Vàng DOJI ở khu vực TP Hồ Chí Minh đang mua vào mức 69,35 triệu đồng/ lượng và bán ra mức 70,15 triệu đồng/ lượng, giảm 150.000 đồng ở chiều mua và 50.000 đồng ở chiều bán. Trong khi đó, vàng thương hiệu này ở khu vực Hà Nội giữ nguyên mức giao dịch của ngày hôm trước là 69,55 triệu đồng/ lượng mua vào và 70,25 triệu đồng/ lượng bán ra.
Vàng thế giới gần đây mất đà khi không chinh phục thành công ngưỡng 2.000 USD/ounce. Ngay sau khi thất bại với ngưỡng này, vàng đã tiếp tục mất ngưỡng 1.900 USD/ounce cho dù chiến sự Ukraine là yếu tố mặt hàng kim loại quý.
Trong 6 tháng cuối năm, vàng được dự báo có cơ hội tăng giá khi cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ diễn ra. Trong ngắn hạn, vàng có thể mất mốc 1.860 USD/ounce và thậm chí có thể về ngưỡng 1.806 USD/ounce.
Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất để chống lạm phát gây áp lực giảm giá đối với vàng. Tuy nhiên, nguồn cung vàng đang ở mức thấp nhất trong 5 năm qua do việc sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu. Nhu cầu phòng thủ trong môi trường lạm phát cao vẫn lớn. Do vậy, vàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.
Nếu cuộc họp của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cho thấy các nhà hoạch định chính sách bảo thủ hơn, vàng có thể giảm mạnh. Tuy nhiên, một cuộc họp ôn hoà hoặc leo thang căng thẳng địa chính trị hoặc lo ngại về lạm phát có thể kéo giá vàng trở lại mức 1.900 USD/ounce, các nhà phân tích của Standard Chartered cho biết trong một lưu ý.