Hỗ trợ trường mầm non: Mong chính sách sớm được triển khai
Thời gian qua, nhiều cơ sở mầm non cũng như giáo viên, cán bộ quản lý trường ngoài công lập đã không “trụ” được đến ngày mở cửa trường học. Hiện các trường đang mong chờ những chính sách hỗ trợ sớm được triển khai trong thực tế để có thêm nguồn lực hoạt động trở lại.
Thiếu cả thầy và trò
Không giống các cấp học khác, đặc thù cấp học mầm non không thể tổ chức học trực tuyến, vì vậy cơ sở giáo dục, giáo viên mầm non ngoài công lập hầu như không có bất cứ khoản thu nhập nào trong thời gian nghỉ dịch.
Cô giáo Nguyễn Thị Linh, quản lý nhóm lớp tư thục Mầm non Doremi (khu đô thị Hồng Hà Eco City, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết tháng đầu tiên khi mở cửa trở lại, gần như trường phải rục rịch tuyển sinh lại từ đầu do học sinh cũ nhiều cháu đã ra trường, một số đã đi gửi chỗ khác do trường không mở cửa, một số cháu vẫn ở quê… Giáo viên cũng phải tuyển mới do một số cô không chờ nổi, đã về quê. Dù nhận được khoản hỗ trợ 3 triệu đồng từ Nhà nước, chủ nhà cũng giảm tiền thuê nhưng do quá nhiều tháng không hoạt động nên số tiền này cũng như muối bỏ bể. Cô Linh đã quyết định trả lại mặt bằng một nửa số phòng học vì không cầm cự nổi.
Trong khi đó, cô giáo Trần Ngọc Dung (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết vì áp lực tiền thuê mặt bằng quá lớn, thêm đồ đạc hư hỏng nhiều do lâu không sử dụng nên cuối tháng 2 vừa qua cô đã quyết định giải thể nhóm lớp mầm non tư thục đã hoạt động được hơn 3 năm với gần 60 học sinh.
Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GDĐT Hà Nội) Hoàng Thanh Hương cho biết, các cơ sở giáo dục ngoài công lập rất khó khăn khi phải tạm dừng hoạt động. Nhiều trường đã làm mọi cách để giữ chân giáo viên như: Tặng gạo, hỗ trợ một số tiền nhỏ hằng tháng theo khả năng của trường; Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, Phòng GDĐT cũng có chính sách thăm hỏi, hỗ trợ giáo viên đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, sự hỗ trợ đó chỉ giảm bớt phần nào khó khăn do phải nghỉ việc vì dịch Covid-19. Vì vậy, để đảm bảo cuộc sống hàng ngày, nhiều giáo viên đã xoay sang làm các công việc khác. Đến nay, khi nhà trường mở cửa trở lại, một số giáo viên đã bỏ nghề, không trở lại trường khiến các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, ngoài công lập không chỉ chật vật vì không có học sinh mà đến giáo viên, nhân viên cũng thiếu.
Tiếp sức mạnh mẽ
Kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục- Đào tạo cho thấy 95,2% cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần là 6 tháng trở lên), 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên, nhân viên. Đứng trước tình cảnh khó khăn này, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp hỗ trợ.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký quyết định về tín dụng cho các trường mầm non, tiểu học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay vốn. Theo đó, mức vốn cho vay tối đa là 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục và tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng, với lãi suất cho vay 3,3%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn. Nguồn vốn cho vay theo quyết định này tối đa 1.400 tỉ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng Chính sách xã hội. Dự kiến, sẽ có trên 3.200 trường mầm non, tiểu học và trên 12.300 cơ sở giáo dục mầm non độc lập trong diện được hưởng thụ chính sách.
Đồng thời,Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình nêu rõ sẽ “hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi” trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo.
“Cùng với chính sách về nguồn vốn vay ưu đãi để hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thêm chính sách hỗ trợ cho giáo viên đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập chưa được hưởng chính sách hỗ trợ. Dự kiến mức hỗ trợ này là 3,7 triệu đồng/giáo viên”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết.
Bên cạnh hỗ trợ từ trung ương, nhiều địa phương cũng đã chủ động tìm cách “trợ lực” cho giáo viên mầm non. Tại Hà Nội, cuối năm 2021, tại kỳ họp thứ 3 HĐND khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026, thành phố đã quyết định chi 25,7 tỷ đồng hỗ trợ cho 9.535 giáo viên ngoài công lập các cấp, trong đó có giáo viên mầm non thuộc đối tượng có ký hợp đồng với các cơ sở giáo dục, nhưng đang phải nghỉ việc không lương vì các trường đóng cửa chống dịch.
TPHCM và Vĩnh Phúc đã triển khai áp dụng chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp. Theo đó, giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp nhận hỗ trợ 800.000 đồng/tháng.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo, có khoảng 103.896 giáo viên thuộc cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Riêng bậc mầm non là 101.845 giáo viên.