Những đứa trẻ tại Ethiopia: Từ hạn hán đến nạn tảo hôn

Mai Nguyễn (Theo The Guardian) 04/05/2022 10:28

Với nạn đói trên khắp vùng Sừng châu Phi cùng 600.000 trẻ em không được đi học, nhiều gia đình 'tuyệt vọng' đẩy nhiều trẻ em gái vào nạn tảo hôn.

Những tháng ngày "không mưa"

Ethiopia đã thất bại trong ba mùa mưa liên tiếp. Nếu tháng 4 mưa tới, cuộc sống người dân sẽ dần tốt hơn. Nhưng, nếu ngược lại, quốc gia này sẽ có thêm dữ liệu để so sánh với những gì đã diễn ra vào năm 1999 hoặc trong khoảng thời gian từ 1993 đến 1994.

Những năm tháng đó đã mang đến cuộc khủng hoảng kinh hoàng do hạn hán gây ra cho Ethiopia, khiến hàng triệu người chết vì đói.

Với ước tính khoảng 4,4 triệu người hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng, các vùng đất thấp ở phía đông nam Somali thuộc Ethiopia và các vùng của Oromia được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận hạn hán kéo dài.

Những người sống ở làng Gebiass, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Ethiopia. Ảnh: UNICEF.
Những người sống ở làng Gebiass, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Ethiopia. Ảnh: UNICEF.

Zainab Wolie, một bà mẹ có 7 đứa con sinh sống ở làng Saglo, vùng Somali, cho biết, gia đình cô đã bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng thiếu mưa liên tiếp. Cô đã từng bán dê gia đình nuôi để kiếm thêm thu nhập, nhưng hiện đàn dê đã mất gần một nửa vì hạn hán.

“Chúng tôi sống phụ thuộc vào đàn gia súc của mình, nhưng đàn gia súc đã mất rất nhiều. Biết đâu, đến chính chúng tôi cũng có thể là đối tượng tiếp theo sẽ chết? Tôi chưa từng thấy những đợt hạn hán như vậy bao giờ… 5 năm trước, đã từng có hạn hán ở khu vực của chúng tôi, nhưng ít nhất chúng tôi cũng có lương thực. Nhưng bây giờ, thức ăn là một điều gì đó quá xa xỉ”, cô tuyệt vọng.

Đương nhiên, gia đình Wolie không phải là nạn nhân duy nhất. Vùng đất Saglo ngổn ngang xác động vật chết vì hạn hán.

Bò, cừu, dê, lạc đà và lừa liên tiếp bỏ mạng, đẩy chủ nhân vào cảnh vật lộn để tồn tại khi thiếu vắng nguồn kinh tế duy nhất của gia đình.

Nhiều người dân trong vùng phụ thuộc vào gia súc của họ để sinh tồn. Ảnh: UNICEF.
Nhiều người dân trong vùng phụ thuộc vào gia súc của họ để sinh tồn. Ảnh: UNICEF.

Nạn tảo hôn "khó tránh"

Theo thông tin từ người đứng đầu tổ chức UNICEF, các khu vực bị hạn hán ở Ethiopia đang chứng kiến ​​tình trạng tảo hôn gia tăng "đáng kể" vì tình trạng khẩn cấp tồi tệ nhất do khí hậu gây ra trong 40 năm đã đẩy cuộc sống của người dân nơi đây đến bờ vực.

Ba mùa mưa "thất bại" liên tiếp đã trực tiếp kéo theo nạn đói, bệnh suy dinh dưỡng cùng làn sóng di cư hàng loạt cho hàng triệu người ở vùng Sừng châu Phi, bao gồm cả các khu vực thuộc Ethiopia, Somalia, Kenya và Djibouti.

Bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành tổ chức UNICEF cảnh báo, nhiều cô gái ở Ethiopia hiện đang phải đối mặt với nạn tảo hôn, đặc biệt khi các gia đình thường tìm cách kiếm thêm "kinh tế" thông qua của hồi môn từ gia đình nhà chồng, đồng thời hy vọng con gái của họ sẽ được nuôi dưỡng và bảo vệ bởi những gia đình giàu có hơn.

Những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng ở Ethiopia. Ảnh: UNICEF.
Những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng ở Ethiopia. Ảnh: UNICEF.

Cơ quan trẻ em của Liên Hợp Quốc khẳng định, tại một số khu vực của vùng Oromia rộng lớn, đã có ​​sự gia tăng mạnh mẽ trước vấn nạn tảo hôn ở trẻ em gái, trích dẫn dữ liệu của chính quyền địa phương.

Tại khu vực Đông Hararghe, nơi sinh sống của 2,7 triệu người dân, các trường hợp tảo hôn đã tăng 51%, từ 70 trường hợp được ghi nhận trong giai đoạn 6 tháng vào năm 2020-2021, lên 106 trong cùng kỳ một năm sau đó.

UNICEF ​​cho biết đây chỉ là một trong sáu khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán tại Oromia, và chứng kiến ​​sự gia tăng mạnh mẽ ở nạn tảo hôn. Trên khắp các khu vực đó, các trường hợp đã tăng gần như tăng gấp bốn lần.

Theo dữ liệu mà UNICEF ​​nhận được mới đây, 672 trường hợp tảo hôn đã được ghi nhận từ tháng 2 đến tháng 8/2021, trong khi suốt 6 tháng, từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022, con số này đã tăng vọt lên 2.282, số liệu của chính quyền địa phương nêu rõ.

Người dân xếp hàng nhận viện trợ lương thực tại trại Higlo ở Gode, một thị trấn ở vùng Somali của Ethiopia. Ảnh: The Guardian.
Người dân xếp hàng nhận viện trợ lương thực tại trại Higlo ở Gode, một thị trấn ở vùng Somali của Ethiopia. Ảnh: The Guardian.

Bà Russell nhấn mạnh: “Chúng ta đang chứng kiến ​​sự gia tăng nạn chóng mặt từ nạn tảo hôn, và đặc biệt đã có hơn 600.000 trẻ em được cho là bỏ học do hạn hán”.

Đồng thời nhấn mạnh rằng, khi trẻ em gái không được học hành và buộc phải rời khỏi nhà, nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới và nạn tảo hôn hầu như luôn tăng lên.

“Nhiều gia đình đẩy con gái vào nạn tảo hôn bởi vì họ đã tuyệt vọng vì lý do này hay lý do khác: họ sợ bạo lực; họ lo sợ cho sự an toàn của các cô gái; họ cần kinh tế để tiếp tục duy trì cuộc sống; và một lý do đơn giản hơn, họ không còn đủ khả năng để nuôi con”, bà Russell nói.

Tác động này là một "sự suy thoái" về lâu dài đối với các cô gái. Tảo hôn thực sự cắt đứt tất cả các cơ hội của họ và dẫn đến tình trạng có nhiều khả năng bắt đầu có con sớm hơn; nhiều khả năng có con gần nhau hơn.

Những cô gái này đều còn rất trẻ, chính vì vậy họ không có đủ tư cách để đàm phán về vấn đề an toàn tình dục đối với bạn đời của mình. Và đây cũng chỉ là một vấn đề chồng chất lên nhiều vấn đề khác trong cuộc đời của họ.

Hạn hán đe dọa đã khiến Ethiopia quay trở lại nỗ lực hạ thấp tỷ lệ tảo hôn, vốn là một trong những nước có tỷ lệ tảo hôn cao nhất trên thế giới. Theo số liệu nhân khẩu học năm 2016, 40% trẻ em gái ở các quốc gia Đông Phi kết hôn trước 18 tuổi và 14% kết hôn trước sinh nhật 15 tuổi.

Một thợ rèn đeo vòng vào mắt cá chân cho một cô gái trước đám cưới ở Metahara, quận Oramia. Ảnh: The Guardian.
Một thợ rèn đeo vòng vào mắt cá chân cho một cô gái trước đám cưới ở Metahara, quận Oramia. Ảnh: The Guardian.

Hạn hán cũng đang đẩy tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính trầm trọng ở các khu vực bị ảnh hưởng, với tỷ lệ nhập học của trẻ em dưới 5 tuổi vào tháng 2/2022 cao hơn 15% so với tháng 2/2021.

Tại các địa điểm điều trị cho trẻ em suy dinh dưỡng, nguồn nước cũng bị ô nhiễm, khiến cho những đứa trẻ có thêm nguy cơ mắc nhiều bệnh khác nhau, bao gồm cả bệnh tả.

“Chúng tôi vẫn chưa thấy sự xuất hiện của bệnh tả”, bà nói, “Nhưng mọi người đều rất lo lắng về bệnh dịch này”.

Tương tự như bệnh tả, do tỷ lệ tiêm chủng thấp, bệnh sởi đã quay trở lại, với hơn 1.000 trường hợp mắc ở vùng Somali của Ethiopia và 16 trường hợp tử vong đã được xác nhận.

Mai Nguyễn (Theo The Guardian)