Xử lý nghiêm hành vi mua bán bằng lái xe giả
Chỉ cần gõ cụm từ “thi bằng lái xe” trên Facebook, hàng chục hội nhóm với số lượng thành viên đông đảo sẽ hiện ra. Bên trong các hội nhóm này, ngoài việc trao đổi thông tin về các gói thi bằng lái xe máy, ô tô thì không ít đối tượng cũng trực chờ tư vấn, rao bán làm giả bằng lái.
Mua bán dưới vỏ bọc những hội nhóm thi bằng lái xe, thậm chí rao bán tràn lan trên mạng - Đó là cách thức những đối tượng làm bằng lái xe giả hoạt động thời gian gần đây.
Muôn hình vạn trạng
Dù lực lượng chức năng đã nhiều lần cảnh báo, thậm chí đã từng xử phạt nhiều trường hợp sử dụng, mua bán bằng lái xe giả, thế nhưng hiện tượng này vẫn ngang nhiên tồn tại trên mạng. Nhiều đối tượng núp bóng nhân viên tư vấn thi bằng lái xe để dễ bề rao bán bằng giả.
Chỉ cần gõ cụm từ “thi bằng lái xe” trên Facebook, hàng chục hội nhóm với số lượng thành viên đông đảo sẽ hiện ra. Bên trong các hội nhóm này, ngoài việc trao đổi thông tin về các gói thi bằng lái xe máy, ô tô thì không ít đối tượng cũng trực chờ tư vấn, rao bán làm giả bằng lái.
Trong vai một người có nhu cầu mua bằng lái xe A1, PV Báo Đại Đoàn Kết tiếp cận với rất nhiều người nhiệt tình tư vấn các gói thi bằng lái xe giá rẻ. Trong đó, không ít người sẵn sàng tư vấn mua bằng với mục tiêu “nhanh - gọn - nhẹ - giá cả phải chăng”.
Ngay khi được đồng ý, đối tượng có tài khoản Zalo tên L.T.H. yêu cầu được kết bạn qua Zalo để dễ trao đổi. Theo đó, để có được một chiếc bằng lái xe A1, người mua phải trả số tiền là 1,2 triệu đồng với cam kết “bằng thật”, “phôi thật”. “Bên em sẽ có người thi hộ chứ không phải bằng giả. Chỉ cần nộp hồ sơ đầy đủ là có luôn cả hồ sơ gốc, ra đường không lo bị công an kiểm tra”, người này cho hay.
Theo đó, để làm được bằng lái xe kiểu này, người mua chỉ cần gửi ảnh chụp 2 mặt căn cước công dân kèm theo 1 ảnh 3x4 cùng giấy khám sức khoẻ là có đủ hồ sơ. Sau 7-10 ngày, các đối tượng này sẽ gửi ảnh chụp bằng lái xe đã làm xong qua Zalo để kiểm tra. Nếu không có vấn đề gì thì chuyển tiền qua số tài khoản ngân hàng và đợi nhận bằng lái tại nhà.
Tiếp cận với một tài khoản Zalo mua bán bằng lái xe khác bằng cách thức tương tự, PV lại nhận được câu trả lời hoàn toàn trái ngược. Cụ thể, đối tượng này quả quyết, hiện nay nếu muốn có bằng lái xe mà không phải thi thì 99% là bằng giả, chỉ cần qua nghiệp vụ của lực lượng chức năng là có thể dễ dàng phát hiện.
“Ngày xưa còn dùng chất liệu cũ thì dễ làm giả hơn, bây giờ bằng lái đổi sang nhựa PET rồi nên nếu bị bắt thì sẽ dễ bị phát hiện. Tuy nhiên, nếu bằng mắt thường thì vẫn trót lọt được. Nếu muốn làm thì bên em vẫn có thể làm phôi thật, có đầy đủ chữ ký, dấu mộc và bao soi rọi. Cái này thì mình cứ cân nhắc”, đối tượng cho hay.
Với dịch vụ này, người mua cần bỏ ra số tiền khoảng hơn 1 triệu đồng với thời gian chờ nhanh hơn, chỉ khoảng 5-7 ngày. Bằng lái sau khi làm xong sẽ được giao về tận nhà miễn phí ship và cũng không cần tiền cọc. Trước khi giao bằng lái, người mua cũng sẽ được gửi ảnh để kiểm tra thông tin, nếu không có sai sót thì có thể chuyển tiền qua số tài khoản hoặc thanh toán với người giao hàng.
Đây là một trong những hình thức mua bán bằng lái xe giả phổ biến đang diễn ra nhộn nhịp trên mạng xã hội. Chỉ cần bỏ ra số tiền từ 1 đến 1,6 triệu đồng, người mua có thể dễ dàng sở hữu cho mình một chiếc bằng lái xe. Với chiêu thức tìm kiếm “con mồi” thông qua việc quảng cáo trên hội nhóm, fanpage, thậm chí cả Google rồi nhắn tin trực tiếp qua Zalo để “chốt đơn”.
Chặn đường mua bán “chợ đen”
Trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết theo quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe bao gồm: Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải tại các địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, do tâm lý chủ quan, e ngại việc thi cử, nhiều người dân chọn mua giấy phép lái xe giả qua mạng thay vì thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Đối với các trường hợp làm giả và sử dụng bằng lái xe giả đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Đối với hành vi làm giả bằng lái xe: người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 13 Nghị định 144/2021 với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng - 10.000.000 đồng đối với cá nhân, 10.000.000 đồng - 20.000.000 đồng đối với cơ quan, tổ chức.
“Cần lưu ý rằng, đối với người có hành vi bán giấy phép lái xe giả qua hình thức trực tiếp hoặc trung gian cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tương tự như hành vi làm giả bằng lái xe hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với vai trò là đồng phạm giúp sức”, Luật sư Tiền cho biết thêm.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người có hành vi sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền căn cứ vào loại phương tiện mà họ điều khiển. Trong đó, đối với xe mô tô, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 4.000.000 đồng (tuỳ từng loại xe). Còn đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô khác sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện sử dụng giấy phép lái xe giả còn bị tịch thu Giấy phép lái xe giả theo quy định tại khoản 9 Điều 21 Nghị định trên.
Bên cạnh đó, việc làm giả hoặc sử dụng bằng lái xe giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức với mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm và bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng.
Vẫn theo Luật sư Tiền, để ngăn chặn hành vi trên, trước hết, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức cho người dân trong việc “thi thật, bằng lái xe thật” để đảm bảo an toàn cho mình và cho người khác khi tham gia giao thông. Đồng thời cần xem xét nâng mức xử phạt vi phạm hành chính lên để đảm bảo đủ tính răn đe với những người vi phạm và có ý định vi phạm; nếu có dấu hiệu của tội phạm, cần điều tra, truy tố và xét xử nghiêm khắc, góp phần làm tăng tính nghiêm minh của pháp luật nói chung cũng như tăng hiệu quả quản lý hành chính trong lĩnh vực cấp giấy phép lái xe.
Luật sư Tiền cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền nhằm kịp thời phát hiện những hành vi sản xuất, mua bán bằng lái xe giả trên thị trường và có phương án xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm. Ngoài ra, để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng trên cần có sự chung tay của cả cộng đồng, xã hội trong việc kiên quyết lên án và kịp thời thông báo tới cơ quan chức năng nếu phát hiện có hành vi sản xuất, mua bán, trao đổi giấy phép lái xe giả của các đối tượng trên các hội nhóm “chợ đen” để lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra và xử lý.