Lại tăng giá sách giáo khoa
Theo công bố mới đây từ Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, giá 2 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo lớp 3 năm học 2022-2023 có giá từ 177.000 đồng/bộ đến 183.000 đồng/bộ. Giá của bộ Cánh diều cao hơn, là 220.000 đồng/bộ. Mức giá trên chưa bao gồm giá sách Tiếng Anh.
Nhiều chi phí tăng khiến giá sách bị “đội” lên
Cụ thể, từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 3 sẽ học theo sách giáo khoa (SGK) của chương trình GDPT mới. Điều này đồng nghĩa tất cả phụ huynh có con học lớp 3 (trừ một số đối tượng được hỗ trợ) sẽ phải mua sách mới. Trong khi đó, giá SGK mới tăng đột biến so với bộ hiện hành (58.000 đồng/bộ). Theo đó, dù học sinh học theo bộ sách nào, phụ huynh cũng cần bỏ ra số tiền cao gấp từ 3 đến gần 4 lần để mua sách mới. Ngoài ra, phụ huynh còn phải bỏ thêm nhiều khoản để mua sách Tiếng Anh (bắt buộc từ lớp 3), sách tham khảo, bổ trợ đi kèm. Như vậy, cả 3 bộ SGK mới lớp 3 đều có giá tăng mạnh so với bộ hiện hành.
Trên thực tế, giá SGK chương trình GDPT mới đều cao hơn sách theo chương trình cũ. Điều đáng nói, không chỉ SGK mới được áp dụng từ năm học 2022-2023 (với các lớp 3, lớp 7, lớp 10) tăng vọt, mà giá SGK mới lớp 1, lớp 2, lớp 6 đều cao hơn so với bộ cũ. Đơn cử, giá SGK lớp 1 mới dao động trong 179.000-194.000 đồng/bộ, cao gấp từ 3 đến gần 4 lần bộ cũ (54.000 đồng/bộ). SGK mới lớp 2 có giá 176.000-203.000 đồng/bộ (giá bộ sách cũ chưa đến 1/3, chỉ 53.000 đồng/bộ). Với SGK lớp 6, bộ mới có giá 234.000-259.000 đồng còn bộ cũ giá 99.000 đồng.
Vậy nguyên nhân nào khiến giá SGK tăng cao? Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, theo chương trình GDPT mới, SGK sẽ do nhiều đơn vị tham gia biên soạn, xuất bản, nhiều yếu tố phải tham chiếu để xây dựng SGK nên giá sách cao hơn. Tiếp đó, giá SGK được xây dựng trên các yếu tố: Số lượng cuốn trong bộ SGK mới (theo chương trình mới tăng so với chương trình hiện hành); chi phí tổ chức bản thảo (gồm chi phí nhuận bút, biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm…); chi phí vật tư, công in; chi phí marketing. Khi thực hiện biên soạn sách theo chương trình mới, các đơn vị xuất bản phải đáp ứng nhiều yêu cầu cao hơn so với trước đây, các chi phí tổ chức bản thảo phân bổ cho mỗi bản SGK sẽ cao hơn. Về chi phí vật tư công in, để chuyển tải những yêu cầu đổi mới về nội dung theo định hướng phát triển năng lực, SGK mới được in nhiều màu hơn, khổ sách lớn hơn (19cm x 26,5cm, lớn hơn 1,23 lần khổ SGK hiện hành 17cm x 24cm).
Theo tính toán của NXB Giáo dục Việt Nam, chi phí tổ chức bản thảo SGK hiện hành chỉ bằng khoảng 1/10 chi phí tổ chức bản thảo SGK mới.
Bao giờ được bình ổn?
Trước thông tin tăng giá SGK, nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn. Bởi trên thực tế, nếu gia đình có 2 con cùng học ở các lớp theo chương trình GDPT mới, tiền chi cho SGK năm học tới cũng là một khoản đáng kể. Nhất là những gia đình thuộc khu vực nông thôn, hay “vùng lõm” của đô thị.
Nhiều ý kiến cho rằng dù giải trình về chi phí tác động đến giá bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, bộ Chân trời sáng tạo và bộ Cánh diều là hợp lý, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét và có điều chỉnh, bổ sung quy định về mặt chuyên môn để giảm chi phí không cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh 2 năm qua kinh tế kiệt quệ do dịch Covid-19.
Từ năm học 2021-2022, trước những ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid-19 tác động tới việc vận chuyển SGK, NXB Giáo dục Việt Nam, Cục Xuất bản, in và phát hành đã đề nghị đưa SGK vào danh mục mặt hàng thiết yếu để được tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông, cung ứng đến học sinh trước năm học mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề nghị các địa phương tạo điều kiện để sách đến nhà trường, học sinh trước năm học mới.
Hiện nay, SGK không thuộc danh mục mặt hàng do nhà nước định giá, bình ổn giá, mà thuộc danh mục mặt hàng do doanh nghiệp kê khai giá theo quy định của Luật giá. Theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã đánh giá việc thi hành Luật giá và đang trình Chính phủ dự kiến các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật giá, trong đó đưa thêm SGK vào danh mục hàng hóa do nhà nước định giá. Bộ Tài chính cũng cho biết, trong thời gian chờ đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, mặt hàng này vẫn được áp dụng biện pháp kê khai giá như hiện hành.
GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nếu SGK chỉ phục vụ giáo dục thì không đến nỗi chênh giá như vậy. Vấn đề hiện nay, SGK mang yếu tố thị trường. Người ngoài nhìn vào cứ tưởng người học cần tất cả số SGK này. Thực tế người học chỉ cần một số cuốn căn bản, song người bán SGK vẫn đưa vào và bán được cả bộ nên rất lợi.
Ông Dong phân tích, hiện chúng ta chưa quản lý được thị trường SGK và đang bị thương mại hóa quá nặng. Nên chăng cần một bộ SGK chính thống để quản lý chặt. Còn lại, phụ huynh học sinh có thể tham khảo tất cả các bộ SGK khác.
Câu chuyện cũ với việc tăng giá các bộ sách lớp 1, 2, 6 của năm học trước, giờ tiếp tục lặp lại với SGK lớp 3, 7, 10 và các bộ SGK khác nữa. Giá sách tăng cao gấp đôi, gấp 3 - 4 lần, và nếu năm nào cũng tăng, tăng dần đều, thử hỏi phụ huynh không bất bình sao được?
Chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần chỉ đạo quyết liệt hơn để sớm có giá thành hợp lý cho SGK mới, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Giá thành SGK hợp lý, cân đối hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp và mục đích phục vụ xã hội, sẽ làm giảm sức ép đáng kể lên gia đình và xã hội, nhất là trong điều kiện chúng ta đang phải khắc phục những hậu quả của đại dịch Covid-19.