Nam Định: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư từ đòi hỏi của thực tiễn
Nam Định đang nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, đạt được một số kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần được khơi thông…
Tuần qua, có một sự kiện thu hút sự quan tâm rộng rãi đó là việc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, với điểm nhấn số đông DN tư nhân, ND đầu tư nước ngoài đánh giá chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, gây nhiều khó khăn.
Đại Đoàn Kết Online có cuộc trò chuyện với ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định-địa phương vừa thăng 16 bậc trong Bảng xếp hạng, từ nhóm trung bình năm 2020 vươn lên nhóm khá năm 2021-xung quanh nội dung trên…
PV: Thưa ông, các lãnh đạo tỉnh Nam Định có cảm xúc thế nào khi nghe công bố kết PCI năm 2021?
Ông Trần Anh Dũng: Báo cáo xếp hạng PCI hằng năm, như đã biết, do VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện và công bố để ghi nhận nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các nhận định đưa ra trong báo cáo hằng năm thể hiện những phản ánh, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của chính quyền các tỉnh, thành phố; có tính xác thực, khách quan cao.
Năm 2021, qua đánh giá của cộng đồng DN tư nhân, DN đầu tư nước ngoài, chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của chính quyền tỉnh Nam Định được cải thiện đáng kể, đạt 64,99 điểm, cao hơn năm trước 1,89 điểm và tăng 16 bậc; xếp thứ 24/63 tỉnh, thành. Từ nhóm trung bình năm 2020 Nam Định đã vươn lên nhóm khá của cả nước trong năm 2021.
Đặc biệt, năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của tỉnh; hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải “căng mình” “chống đỡ” để vừa đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, chính quyền tỉnh Nam Định được động viên, khích lệ khi theo kết quả công bố, cộng đồng DN đánh giá “tốt” hoặc “rất tốt” về ứng phó của chính quyền tỉnh trước đại dịch. Trong đó nhóm DN tư nhân đồng thuận cao về cách xử lý khủng hoảng do dịch gây ra của chính quyền tỉnh, thể hiện qua mức 9,09 điểm, xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố.
Với kết quả trên, Nam Định đã đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết của Đảng bộ, kế hoạch của chính quyền tỉnh, nghĩa là cải thiện Chỉ số PCI, vào trong nhóm khá của cả nước.
Được cộng đồng DN đánh giá tích cực trong chỉ đạo, điều hành một số lĩnh vực, không chỉ chúng tôi, những người đang tham gia công tác điều hành ở tỉnh mà số đông cán bộ, nhân dân trong tỉnh đều phấn khởi với kết quả này.
PV: Kết quả trên không phải là ngẫu nhiên, thưa ông?
Ông Trần Anh Dũng: Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư từ lâu đã được cấp ủy, chính quyền tỉnh Nam Định xác định là nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Giai đoạn 2016-2020 tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác này, trong đó đã thu hút được 461 dự án đầu tư mới; số lượng DN thành lập mới hằng năm liên tục tăng. Công tác CCHC có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó đã đơn giản hóa được 210 thủ tục, tất cả các thủ tục đều được công khai. Xây dựng chính quyền điện tử đạt nhiều kết quả, được Bộ TT-TT đánh giá là một trong 7 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải quyết TTHC cấp độ 4 cao nhất toàn quốc.
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm vụ, mục tiêu này được cấp ủy, chính quyền tỉnh đề ra với yêu cầu cao hơn, quyết liệt hơn, xem CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của hệ thống chính trị ở tỉnh, là khâu đột phá để tạo động lực phát triển KT-XH.
Theo đó, trong 6 Nghị quyết toàn khóa, BCH Đảng bộ tỉnh khóa 20 đã ban hành riêng một nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025. Tiếp đến, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch thực hiện, trong đó đã ban hành kế hoạch về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025; kế hoạch về nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Tất cả cùng hướng đến mục tiêu phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để xây dựng nền hành chính công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh ở Nam Định thuận lợi, bình đẳng, hấp dẫn NĐT, DN…
PV: Thưa ông, “điểm nhấn” trong quá trình thực hiện các kế hoạch, mục tiêu trên của Nam Định là gì?
Ông Trần Anh Dũng: Là tinh thần đồng hành của chính quyền với DN, NĐT; là việc xác định rõ vai trò trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong việc thực hiện các giải pháp cải thiện 10 chỉ số thành phần. Mỗi chỉ số thành phần đều có một cơ quan chủ trì và các cơ quan liên quan phối hợp thực hiện; là nỗ lực chuẩn bị những điều kiện cần thiết, tốt nhất để đón nhận các NĐT…
Một trong những yếu tố quan trọng giúp Nam Định tăng điểm, tăng hạng PCI là thời gian qua tỉnh đã tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, triển khai các bước đầu tư xây dựng nhiều dự án giao thông quan trọng, có tính kết nối liên vùng như tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh. Cùng với đó, tỉnh đã và đang đầu tư xây xựng hạ tầng nhiều KCN, CCN trên địa bàn nhằm tạo quỹ đất thu hút các NĐT thứ cấp về đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh…
Điểm chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh tiếp tục cải thiện tích cực với kết quả đạt 6,73 điểm, tăng 0,81 điểm so với năm 2020. Trong đó, nhiều DN cho biết chính quyền tỉnh có thái độ tích cực đối với việc hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đã gia tăng các giải pháp hỗ trợ, gỡ khó cho khu vực kinh tế tư nhân và trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây nhiều tác động tiêu cực.
Phần lớn các giải pháp DN quan tâm, cần thực hiện để nhanh chóng phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh an toàn đã được tỉnh hỗ trợ thực hiện hiệu quả đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước thông qua các chương trình: trợ cấp trực tiếp, cho vay có bảo đảm và hỗ trợ người lao động, hỗ trợ miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, hỗ trợ tái cơ cấu để mở rộng thị trường, chuyển đổi số... Nhờ đó, chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2021 của tỉnh đạt 6,44 điểm, tăng 1,04 điểm so với năm 2020.
Tiếp cận đất đai là chỉ số phức tạp, khó cải thiện nhất ở nhiều địa phương vì mặt bằng sản xuất, kinh doanh rất quan trọng với các DN; việc giải quyết của chính quyền phải kết hợp liên ngành, liên cấp. Tuy nhiên, năm 2021 tỷ lệ DN đánh giá không gặp khó khăn với các TTHC về đất đai tăng lên do tỉnh quyết liệt chỉ đạo cụ thể chỉ số này qua hàng loạt biện pháp: xây dựng quy hoạch đất đai hợp lý, chuẩn bị sẵn sàng các quỹ đất sạch cho nhà đầu tư; minh bạch cung cấp thông tin về quy hoạch tới các DN. Nhờ đó, chỉ số Tiếp cận đất đai năm 2021 của tỉnh đạt 7,85 điểm, tăng 1,27 điểm so với năm 2020.
Công tác cải cách TTHC tiếp tục được thực hiện có hiệu quả trên mọi lĩnh vực, nhất là các TTHC liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh như cấp phép đầu tư, đất đai, xây dựng, đê điều, bảo vệ môi trường; tích cực rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, công khai; phát huy hiệu quả đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về hành vi gây phiền hà của cán bộ, công chức khi giải quyết TTHC.
Đến nay, tỉnh đang triển khai mạnh mẽ, đưa dịch vụ công trực tuyến dần trở nên phổ biến trong giải quyết TTHC ở các cấp. Ngày càng nhiều DN đánh giá lợi ích của việc giải quyết TTHC trực tuyến; bước đầu một số DN khẳng định không gặp khó khăn khi sử dụng dịch vụ này. Nhờ đó, chỉ số chi phí thời gian năm 2021 của tỉnh đạt 8,14 điểm, tăng 1,34 điểm so với năm 2020.
PV: Năng lực cạnh tranh thăng hạng đồng nghĩa với môi trường đầu tư của tỉnh cũng được cải thiện. Vậy kết quả thu hút đầu tư của Nam Định năm qua ra sao, thưa ông?
Ông Trần Anh Dũng: Trong năm 2021, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 85 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 74.850,6 tỷ đồng và 62,3 triệu USD.
Trong đó, như đã biết tỉnh đã chấp thuận cho Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư 3 dự án lớn, gồm dự án Nhà máy thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng, Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định, tổng mức đầu tư ban đầu là 70.000 tỷ đồng. Đến tháng 3/2022, sau khi được tỉnh chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, 2/3 dự án trên đã được bổ sung thêm 29.000 tỷ đồng vốn đầu tư.
Cũng trong năm 2021, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký DN cho 920 DN, 72 chi nhánh, văn phòng đại diện, với tổng vốn đăng ký hơn 23.590 tỷ đồng, nâng tổng số DN đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 10.380 DN, 829 chi nhánh, văn phòng đại diện, với tổng vốn đăng ký hơn 94.934 tỷ đồng.
Việc có những NĐT như Tập đoàn Xuân Thiện cam kết đầu tư số vốn lớn như trên để đầu tư các dự án ở Nam Định là minh chứng, thể hiện rõ nhất môi trường đầu tư ở Nam Định đang ngày càng hấp dẫn, được DN tin tưởng…
PV: Nhìn lại kết quả PCI những năm qua, “soi” lại mình, chính quyền Nam Định thấy còn những tồn tại, hạn chế gì trong công tác chỉ đạo, điều hành?
Ông Trần Anh Dũng: Kết quả chỉ số CPI của Nam Định năm 2021 tuy có được cải thiện, tăng điểm, tăng hặng nhưng nhìn chung Nam Định cũng mới nhỉ nằm trong nhóm khá của cả nước; năm 2020 vẫn nằm ở nhóm trung bình. Nhìn thẳng vào sự thật, soi lại chính mình, chính quyền tỉnh nhận thấy vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành dù đã rất nỗ lực.
Tong đó, công tác cải cách hành chính tuy đã đạt được nhiều kết quả nhưng so với yêu cầu và mong muốn của người dân, DN thì vẫn chưa đáp ứng được.
Sự phối hợp giữa các đơn vị trong việc hỗ trợ nhà đầu tư, DN thực hiện các thủ tục đầu tư có thời điểm còn chưa tốt.
Một bộ phận cán bộ, công chức tại một số Sở, ngành và địa phương còn thiếu trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, năng lực công tác trong thực thi nhiệm vụ. Việc phát hiện và xử lý vi phạm trong thực thi công vụ đôi lúc còn chưa kịp thời, triệt để.
Tỉnh chưa có nhiều quỹ đất sạch đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của các nhà đầu tư. Tiến độ triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN, CCN còn chậm.
Công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, chưa đảm bảo, thiếu tính đồng bộ giữa các quy hoạch, vì vậy chưa tạo điều kiện thuận lợi phục vụ công tác xúc tiến và thu hút đầu tư.
PV: Để phá vỡ các “điểm nghẽn” trên, tạo dựng được môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, hấp dẫn, chính quyền tỉnh Nam Định đã, đang và sẽ làm gì, ưu tiên làm gì, thưa ông? Thuật ngữ “văn hóa đồng hành” đang ngày càng phổ biến. Đây có phải là vấn đề chính quyền tỉnh hướng đến để cải thiện môi trường đầu tư không?
Ông Trần Anh Dũng: Những việc làm cụ thể hệ thống chính trị ở Nam Định đã và đang làm nhằm cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư suy cho cùng chính là nỗ lực của tỉnh trong việc xây dựng “văn hóa đồng hành” với NĐT, DN. Tất nhiên, như tôi đã chia sẻ, dù đã được cải thiện nhưng để duy trì, nâng cao chỉ số PCI, để môi trường đầu tư của tỉnh thực sự hấp dẫn Nam Định vẫn còn rất nhiều việc phải làm, phải vượt qua. Hơn thế, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư thì có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc vì thực tiễn cuộc sống luôn đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn.
Để khơi thông các điểm nghẽn, loại bỏ bất cập, gia tăng thuận lợi, thì như các nghị quyết, kế hoạch, mục tiêu, giải pháp Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã đề ra, cả trước mắt và lâu dài, hệ thống chính trị của tỉnh, trong đó có chính quyền tỉnh sẽ tập trung, kiên trì thực hiện nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tính năng động, tiên phong của lãnh đạo các cấp, các ngành trong thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư
Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.
Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội.
Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả cải cách hành chính.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh và Chỉ số cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đẩy mạnh các hoạt động hộ trợ DN sản xuất, kinh doanh, thực hiện công khai các tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý theo quy định, đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng, triển khai chương trình xúc tiến đầu tư trọng điểm…
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác cải cách hành chính, xúc tiến và thu hút đầu tư; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chính quyền tỉnh cũng sẽ nghiên cứu, tiếp thu các khuyến cáo của nhóm nghiên cứu của VCCI liên quan đến vấn đề giải quyết TTHC trực tuyến, cải cách các lĩnh vực thuế, đất đai, bảo hiểm, môi trường, xây dựng và quản lý thị trường; thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện; thiết kế chính sách trợ giúp DN phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid-19 sát nhu cầu. Cải cách hơn nữa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục triển khai dự án đầu tư, cấp phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường...
Một số công việc cụ thể đã và đang được tỉnh thực hiện quyết liệt đó là, tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tiếp xúc với DN; cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa.
Thực hiện nghiêm quy chế làm việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, kiên quyết thay thế những người không đủ năng lực, trình độ và phẩm chất.
Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử; đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh và phát triển Trung tâm công nghiệp, dịch vụ TP Nam Định.
Riêng nhiệm vụ phát triển kết cấu-hạ tầng, như đã thấy, tỉnh đã và đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh. Phối hợp với Bộ GT-VT thực hiện dự án Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ. Đặc biệt, ngày 25/4 vừa qua tỉnh đã khởi công giai đoạn 2 tuyến đường trục nối vùng kinh tế biển của tỉnh với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, trong đó có cầu Đống Cao bắc qua sông Đào, nối hai huyện Ý Yên-Nghĩa Hưng.
Các dự án giao thông trọng điểm khác như cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng (Nam Định được chính phủ giao lập dự án đầu tư), dự án tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-Đường bộ ven biển; cầu bắc qua sông Đào, đường nối TP Nam Định với QL 21…cũng đã và đang được tỉnh triển khai các bước quy trình đầu tư.
Nhằm tạo quỹ đất sạch lớn cho DN, NĐT, từ cuối năm 2021 đến nay, như đã biết tỉnh đã lần lượt khởi công xây dựng hạ tầng KCN Mỹ Thuận (huyện Mỹ Lộc, rộng 150 ha), CCN Thanh Côi (huyện Vụ Bản, rộng 50 ha), CCN Yên Bằng (huyện Ý Yên, rộng 50ha); đã và đang triển khai quy trình xây dựng nhiều Khu, CCN ở nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB các dự án trọng điểm, phức tạp, ngày 11/2/2022, Tỉnh ủy Nam Định đã thành lập riêng một Ban chỉ đạo, với hầu hết lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và các địa phương trong tỉnh tham gia.
UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất công, trong đó có đất công ích do cấp xã quản lý; ngăn chặn tình trạng mua bán đất nông nghiệp ngay khi khu đất chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm mục đích đẩy tiền đền bù GPMB của các dự án lên cao, dẫn đến khó khăn trong triển khai các dự án, gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng này ở địa phương…
Đi liền với đó, thời gian qua tỉnh đã triển khai một số hoạt động xúc tiến đầu tư trọng điểm, bước đầu thu được những kết quả tích cực. Trong đó, ngay tại Nam Định, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã lần lượt có các cuộc làm việc với Tập đoàn FPT để bàn thảo hợp tác trong hai lĩnh vực chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực; việc khảo sát xây dựng trường học của FPT tại Nam Định đã và đang được thực hiện; làm việc với lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội về việc hợp tác, hỗ trợ tỉnh về phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ, xây dựng cơ sở đào tạo của Đại học Quốc gia trên địa bàn tỉnh Nam Định; làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, các DN lĩnh vực dược về việc xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực vốn có thế mạnh này của Nam Định.
Cùng với đó là các cuộc làm việc với Đoàn Đại sứ Việt Nam tại các nước Nhật Bản, Singapore và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong; làm việc với Đại sứ quán, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp Singapore, Hàn Quốc tại Việt Nam nhằm giới thiệu, xúc tiến, thu hút đầu tư về tỉnh…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Văn Kiểm, Tổng Giám đốc Công ty CP hạ tầng KCN Bảo Minh (Nam Định):
Công ty CP hạ tầng KCN Bảo Minh được Tập đoàn Dệt may Việt Nam thành lập năm 2007 trên cơ sở hợp tác giữa Tập đoàn và tỉnh Nam Định nhằm phát triển Nam Định thành trung tâm của ngành dệt may Việt Nam, vì Nam Định là “cái nôi” của ngành. Cũng trong năm 2007, Công ty được UBND tỉnh Nam Định giao làm chủ đầu tư dự án kinh doanh và khai thác thuê hạ tầng KCN Bảo Minh tại huyện Vụ Bản, quy mô hơn 150 ha, nằm ven Quốc lộ 10.
Với sự đồng hành, ủng hộ cao của tỉnh, Công ty đã huy động nguồn lực xây dựng KCN Bảo Minh thành một KCN có hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhất của tỉnh Nam Định tính đến thời điểm hiện nay. Ngoài nhà máy xử lý nước thải công suất 7.000 m3/ngày đêm; nhà máy cấp nước sạch công suất 20 nghìn m3/ngày đêm, KCN Bảo Minh còn có khu nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của trên 2.000 lao động và khu nhà ở cao cấp dành cho các chuyên gia.
Ngay sau khi đi vào hoạt động (năm 2010), KCN Bảo Minh đã lần lượt thu hút được 13 nhà đầu tư thứ cấp trong và ngoài nước, nhanh chóng “lấp đầy” 100% diện tích. Trong đó có các tên tuổi như Sumi Wirings (Tập đoàn Sumitomo, Nhật Bản), Sunrise Smart Shirts (Hồng Kông), Luentai, YulunTextile (Trung Quốc), Padmac (Đức), Junzhen (Đài Loan), với các sản phẩm chủ lực, xuất khẩu như vải, sợi, quần áo may sẵn các loại; đồ gỗ nội thất; dây dẫn điện phục vụ lắp ráp ô tô, xe gắn máy; hiện đang tạo việc làm cho khoảng 14 nghìn lao động.
Với những lợi thế và hiệu quả thực tế sau 12 năm hoạt động, ngày 23/12/2021 vừa qua, chúng tôi rất vui mừng khi được UBND tỉnh Nam Định ra quyết định mở rộng KCN Bảo Minh thêm gần 50 ha, nâng tổng số diện tích của KCN lên gần 200 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để chúng tôi tiếp tục thu hút được thêm các nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường về đầu tư, góp phần thúc đẩy mọi mặt kinh tế-xã hội ở tỉnh Nam Định.
Ông Vũ Xuân Lưu, Công ty CP xây dựng nội thất Phúc Tấn (TP Hồ Chí Minh):
Việc thu hút đầu tư của các địa phương có thể xem giống như việc “bán hàng”. Muốn “bán được”, nghĩa là thu hút được nhiều nhà đầu tư về địa phương thì địa phương phải có cách tiếp thị tốt, vận hành cùng DN tốt, hậu mãi tốt.
Trong đó, chính quyền địa phương cần phải chuẩn bị quy hoạch tốt, công khai quy hoạch, giới thiệu, quảng bá quy hoạch để cho DN biết định hướng chính quyền; thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư để vừa giúp DN biết chủ trương, chính sách của địa phương vừa biết được những mong muốn của DN, qua đó thể hiện tính cầu thị.
Ngoài ra, phải có giải pháp kích cầu phù hợp (như ưu đãi đầu tư, "khuyến mại" tiền thuê đất, phí môi trường...). Các chính sách cần phải có “độ bền”, có tính kế thừa qua các nhiệm kỳ vì việc đầu tư có chu kỳ dài mấy chục năm trong khi nhiệm kỳ của chính quyền chỉ có 5 năm.
Muốn việc vận hành tốt thì giữa chính quyền và DN phải xây dựng được mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lợi ích cốt lõi của hai bên. Theo đó, đối với DN thì lợi ích cốt lõi là lợi nhuận, đối với chính quyền thì là nguồn thu cho ngân sách, công ăn việc làm cho người dân, phúc lợi xã hội. Hệ thống giúp việc của chính quyền địa phương phải làm việc chuyên nghiệp, đồng hành cùng DN trong việc giải quyết các thủ tục và trong quá trình vận hành sản xuất, kinh doanh…
Chính sách thuế phải hướng đến việc nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện để DN phát triển thì sẽ quay lại đóng góp nhiều cho ngân sách. Vì vậy, việc chính quyền giúp đỡ DN được xem là đang giúp đỡ chính mình.
Trong sản xuất, kinh doanh phải xử lý rất nhiều tình huống, rất khó tránh các sai phạm nên cần nhìn nhận rõ khi xử lý. Nếu là các sai phạm không nghiêm trọng, không cố ý thì không nên hình sự hoá…
Cuối cùng, nhà nước, chính quyền các địa phương cần có nhiều hơn các chính sách, hình thức khen thưởng, động viên, tôn vinh đối với những DN có đóng góp lớn…
PV ghi