Họa sĩ Phan Cẩm Thượng: Vẽ là cho chính mình…
Triển lãm cá nhân năm 1996, tại Hà Nội là dấu mốc đưa Phan Cẩm Thượng chính thức bước chân vào con đường hội họa, bên cạnh việc nghiên cứu. Trải qua 26 năm, sau nhiều lần dùng dằng, triển lãm tranh tiếp theo của ông ra mắt công chúng tại 47 Tràng Tiền, Hà Nội, từ ngày 14/4 đến 9/5/2022, với 20 bức tranh, đa số được vẽ trên cùng khổ giấy dó với chủ đề tập tục cung đình thế kỷ 17.
Phan Cẩm Thượng sinh năm 1957, là con út trong gia đình có 9 anh chị em. Nhà ông ở phố Lý Quốc Sư, tuổi thơ trôi qua trong nhọc nhằn, những câu chuyện này tôi đã từng được ông chia sẻ. Phan Cẩm Thượng lớn lên trong môi trường ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng Nho giáo qua mỗi lần đọc sách hay ngâm thơ.
Ông giỏi tiếng Hán và có thể đọc Kinh Phật bằng chữ Hán. Đồng thời, ông rất ham tìm hiểu giáo lý, triết học phương Đông. Năm lên 9 tuổi, như duyên tiền định, ông được dạy vẽ bởi họa sĩ Vũ Đăng Bốn thuộc Trường Mỹ thuật Cao đẳng Đông Dương. Năm 14 tuổi, sau khi cha mẹ chia tay, gia đình kinh tế gặp nhiều khó khăn, ông trải qua những ngày tháng đói khổ và phải tự lo mọi thứ cho mình.
Bức vẽ đầu tiên với ông Thượng, thì khó nhớ. Bởi vốn là trẻ con, ai cũng vẽ và vẽ rất nhiều. Nếu tạm gọi là bức đầu tiên, đó là bức vẽ “Nhà thờ Lớn Hà Nội”, nơi gắn bó với tuổi thơ của ông. Phan Cẩm Thượng vẽ bức tranh đó bằng sơn dầu đen trắng, được đóng khung và treo ở phòng tài vụ đơn vị bộ đội, khi ông còn đang trong quân ngũ.
Đến năm 1973 cơ bản ông Thượng đã vẽ xong lối thủy mặc và thư pháp, đồng thời, ông cũng nhận ra đó là lối vẽ của người Trung Hoa, nên muốn thay đổi, nhưng chưa biết là nên thế nào. “Sau đó đi bộ đội, tôi còn kịp mang theo vài trang giới thiệu họa sĩ của bảo tàng Nga, trong họa báo Liên Xô. Tôi thích lối vẽ phương Tây ở đó”, ông Thượng nhớ lại và chia sẻ: “Trong thời gian ở bộ đội, có hai họa sĩ là Văn Giáo và Đặng Chung đến sáng tác, họ ở cùng ngay nhà tôi, vì tôi làm tài vụ ở sân bay nên chỗ ở khá tốt. Họ nói nhiều chuyện về hội họa, nghệ thuật. Ông Văn Giáo còn nhờ tôi về Hà Nội, lấy ít đồ phục trang để ông sáng tác về đề tài Bác Hồ với không quân.
Sau khi xuất ngũ, tôi cũng không hề có ý nghĩ thi vào trường Mỹ thuật, vì chỉ là thích vẽ, chứ không có trình độ. Nhưng lại một bác hàng xóm làm quản lý bếp ăn của trường Yết Kiêu gợi ý cho tôi thi vào Khoa Lý luận và lịch sử mỹ thuật, chủ yếu là thi văn, sử và một môn viết về mỹ thuật. Đây là bước ngoặt bất ngờ, nên tôi đã vào giới mỹ thuật”.
Về chặng đường hình thành lên phong cách hội họa cùng những dấu mốc đáng nhớ của ông về hội họa, Phan Cẩm Thượng kể: “Quá trình sáng tác của tôi gắn liền với nghiên cứu nhiều hơn là cảm hứng thuần túy, cũng phần nào để kiếm sống. Tôi từng đi vẽ tranh kính ở phố Hàng Quạt, Lương Văn Can, vẽ gốm ở xí nghiệp gốm sứ Bát Tràng, hợp tác xã Hợp Thành như một thợ vẽ. Chính những việc này cũng cần tay nghề nhất định và sự vất vả cho mình hiểu cuộc sống hơn. Trước năm 1993, tôi thường vẽ lối tranh thủy mặc, nhưng cũng chỉ vẽ người và hoa sen.
Từ 1993 đến nay tôi hầu như chỉ vẽ người, với những bối cảnh dày đặc như điêu khắc đình làng, như hội lễ. Năm 1996, có làm triển lãm cá nhân đầu tiên ở Gallery Sông Hồng, phố Nguyễn Du, Hà Nội. Năm 1998, 1999 có làm triển lãm tranh khắc gỗ và lụa ở Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Từ năm 1999, tôi về chùa Bút Tháp sống và nghiên cứu đến tận năm 2012, rồi chuyển lên Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, Hòa Bình từ 2012 - 2015. Mỗi chặng là mỗi cuốn sách nghiên cứu về mỹ thuật và văn hóa, đồng thời cũng vẽ nhiều tranh giấy, tranh khắc gỗ, tranh sơn mài...”.
Họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho biết, ông tự học vẽ thủy mặc và thư pháp từ nhỏ, sau đó làm thợ vẽ ở nhiều nơi để kiếm sống, rồi bắt đầu vẽ giấy dó, làm tranh in khắc gỗ, tranh lụa, tranh sơn mài: “Thực ra mỗi thứ một chút để biết tất các kỹ thuật hội họa, phục vụ cho việc phê bình, sao cho hiểu họa sĩ hơn, rồi từ đó thấy mê vẽ cho mình hơn. Tôi không có nhiều phẩm chất nghệ sĩ, nhưng làm gì thì kiên trì, công phu. Tôi không ưa lý thuyết lắm, mà cần kết hợp với thực hành. Có thể nói tôi có thể thực hành tất cả các kỹ thuật tạo hình truyền thống”.
Năm 1995, ông Tham tán văn hóa Đại sứ quán Cộng hòa Pháp ở Hà Nội đến gặp họa sĩ Phan Cẩm Thượng để hỏi chuyện về nghệ thuật Việt Nam. Ông Tham tán thấy tập tranh ở giường, giở ra ngắm. Sau đó ông về và bảo anh Ciryn - người mở Gallery Sông Hồng, đến xem. Anh Ciryn đến mua vài bức của Phan Cẩm Thượng, đề nghị ông đừng bán nữa, để năm sau, 1996, làm triển lãm cá nhân. Triển lãm cá nhân của Phan Cẩm Thượng được tổ chức vào tháng 8/1996, và thành công. “Sau triển lãm, mọi người mới biết tôi có sáng tác tranh, ngoài nghiên cứu. Đó cũng là cái mốc chính thức đưa tôi vào hội họa”, họa sĩ Phan Cẩm Thượng tâm sự.
Qua 20 bức tranh trong triển lãm cá nhân lần này, họa sĩ Phan Cẩm Thượng dùng màu tự nhiên trên giấy dó, với màu của củ nâu, màu hồng gạch, vàng già, vàng nghệ, màu đen của mực tàu, điểm xuyết màu xanh lam, xanh ngọc... Ban đầu, ông không có ý nghĩ sẽ làm triển lãm, việc chuẩn bị cho triển lãm lại rất khó nhọc, phức tạp. Tính ông vốn tỉ mỉ cẩn thận, nên lại càng không thể tất cho xong. Cho đến khi có nhóm bạn trẻ, với cách làm mới mẻ, từng được ông dạy kiến thức hội họa, mong muốn đưa các sáng tác mới nhất của ông đến với công chúng 20 bức tranh được trưng bày, một con số quá nhỏ nhoi trong hành trình vẽ không ngừng nghỉ của Phan Cẩm Thượng. Ông vẽ nhiều thể loại, phong phú đề tài, sử dụng nhiều chất liệu khác nhau: giấy dó, trên toan, trên lụa, trên gỗ, trên gốm, trên đá, trên thuyền, thúng, trên mái chèo... Bất kể điều gì bỗng nhiên gặp giữa nhiều khoảnh khắc đời, cũng dễ dàng tạo cho ông cảm hứng.
Cứ như thể, họa sĩ Phan Cẩm Thượng vẽ là cho chính mình, từ tâm trạng, từ tính cách, từ thói quen đến nội tâm. Vẽ tranh để bày tỏ nỗi niềm, vì thế, mỗi nét vẽ trong tranh Phan Cẩm Thượng luôn tràn đầy năng lượng, khi u uẩn, lúc bừng nở ánh sáng, khi mềm mại, lúc cứng cỏi, khi ảm đạm, lúc rực rỡ muôn sắc màu, khi vướng niềm đau nơi góc tối, lúc hân hoan tràn khắp tình yêu thương từ bi. Có cơ hội là ông vẽ ngay. Ngồi xuống nghỉ ngơi thì lại lấy giấy bút ra hí hoáy kí họa. Nhưng rồi, nhiều người vẫn ưa nhắc đến tranh vẽ trên giấy dó và lụa của ông... “Đã vẽ giấy và lụa nhiều năm thì cái khó là quen tay, chứ không còn phụ thuộc vào vật liệu nữa. Nên cần thay đổi ý tưởng để tìm kỹ thuật mới thể hiện”.
Họa sĩ Phan Cẩm Thượng trò chuyện với tôi về cách sử dụng kỹ thuật, màu sắc, chất liệu thông qua đề tài ông hướng tới, khi triển lãm đang diễn ra: “Trước tôi hay vẽ về hội lễ, tôn giáo, sinh hoạt dân dã. Lần này tập trung hoàn toàn vào sinh hoạt cung đình, thông qua phục trang, ăn mặc, quần áo, hoa văn, đầu tóc, mũ mão, giầy dép, và các quan hệ tình cảm thông thường trong cung đình Lê Trịnh, trong khả năng tôi nghiên cứu.
Tôi đã nghiên cứu trang phục và tập tục này rất lâu, với nhiều ghi chép tỉ mỉ, tham gia làm thành phim về phục trang cổ Việt Nam, đặc biệt là bộ phim “Đi tìm vẻ đẹp của trang phục Việt” của đạo diễn Hải Anh, 24 tập. Chúng tôi (Hải Anh, họa sĩ Trịnh Quang Vũ, và tôi) đã đi tới nhiều đền chùa có tượng mang phục trang cổ, đến nhiều sưu tập và bảo tàng lưu giữ các bộ phục trang thật.
Tôi sử dụng những thu lượm được để vẽ bộ tranh này, tất nhiên, không hoàn toàn là vẽ nghiên cứu, mà có hư cấu, thêm thắt vào đó, phối hợp nhiều biểu tượng motif thế kỷ 17, ở những nơi khác nhau. Vì đây là sáng tác chứ không phải là ghi chép nữa. Một dịp nào đó, tôi sẽ trưng bày các ghi chép, thì đó là tư liệu từ thực tế. Vốn liếng của cha ông rất giàu có, nhưng không hiển hiện như bảo tàng, sách vở phương Tây, mà muốn khai thác thì phải cất công tìm hiểu”.