Đức Long, người đàn ông hát

NGUYỄN QUANG LONG 09/05/2022 08:28

Biệt danh “người đàn bà/đàn ông hát”, trong quan niệm của tôi, là một thứ cao quý lắm, không phải nghệ sĩ nào cũng có được. Người có được điều đó phải thăng trầm sống chết cùng tiếng hát, toàn bộ con người là âm nhạc chứ không chỉ những lời ca được tuôn trào nơi cửa miệng. Và những lãng mạn âm nhạc cũng chi phối cuộc đời họ không chỉ trên sân khấu, trong ca hát mà cả ở từng giây từng phút họ hiện hữu trong cuộc đời này. Với sự trân trọng của một người cùng hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, tôi dành cho NSƯT Đức Long, một người anh, người thầy biệt danh ấy: Người đàn ông hát!

NSƯT Đức Long trong liveshow kỷ niệm 40 năm ca hát của mình.

Hát như tâm sự cuộc đời

Tôi biết đến tiếng hát nghệ sĩ Đức Long từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, khi tôi mới lớn và bắt đầu cảm nhận được những rung động của tuổi trẻ và cũng là thời điểm tivi bắt đầu trở nên quen thuộc với mọi gia đình. Khi ấy, Đức Long là một trong những giọng hát thường xuyên xuất hiện trong các chương trình ca nhạc của Đài Truyền hình Việt Nam.

Và trong rất nhiều những chương trình ấy, tôi thực sự không thể quên được giọng hát của anh, nhớ nhất là khi anh thể hiện ca khúc “Thời hoa đỏ” (nhạc Nguyễn Đình Bảng, thơ Thanh Tùng). Qua những gì anh thể hiện tôi cảm thấy tiếng hát không chỉ đơn thuần là tiếng hát, nó ở trên cả mức của sự trữ tình sâu lắng, nó như sự khắc khoải, sự hoài niệm, tiếc nuối, người hát như rút từng khúc tâm hồn ra để chia sẻ với người nghe.

Mà kể cũng lạ, kể cả khi xuất hiện trên tivi thì lúc Đức Long hát dường như chẳng cần quan tâm đến người xem xem gì, anh hát như thể đối thoại với chính anh, mỗi lần hát như thể anh được thêm một lần đối diện với những tâm sự của chính mình. Không quá thuận về ngoại hình, không quá hấp dẫn về phong cách biểu diễn nhưng những gì Đức Long toát lên khi hòa mình vào âm nhạc đủ để người nghe bị cuốn vào thế giới của anh. Và vì thế, Đức Long như thể phá vỡ quy luật muôn thuở của nghệ thuật giải trí vốn luôn tồn tại song song những thành tố tạo nên cặp phạm trù kiểu như nghe luôn đi đôi với nhìn.

Với Đức Long, khán giả của anh chỉ cần nghe đã thấy đủ. Và cái nhu cầu nghe Đức Long mượn âm nhạc để chia sẻ những tâm sự đã luôn tồn tại trong không ít người yêu nhạc ở Hà Nội cũng như nhiều nơi. Điều này tôi đã trực tiếp chứng kiến trong một giai đoạn chừng hơn hai năm khi nhận lời làm người dẫn chuyện cho một phòng trà ca nhạc chuyên về nhạc xưa, nhạc trữ tình, tiền chiến tại Hà Nội của một người bạn, còn anh cũng xuất hiện ở đó trong tư cách một nghệ sĩ hát.

Đương nhiên, là một nghệ sĩ lại hoạt động ở khu vực phía Bắc, Đức Long thường xuyên xuất hiện trên nhiều sân khấu lớn nhỏ nhưng cá nhân tôi thấy dường như anh hợp với không gian ấm cúng, mang tính chất thính phòng hơn. Chỉ cần một không gian nhỏ, một cây dương cầm là anh có thể đốt cháy cả khán phòng trong suốt một đêm nhạc kéo dài vài tiếng đồng hồ.

Đã nghe Đức Long hát nhạc trữ tình của Phú Quang hay những khúc nhạc tình xưa, lãng mạn và đầy tâm tư của Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Nguyễn Ánh 9... hẳn sẽ khó có thể quên được giọng hát này. Chẳng thế mà trong thời gian có duyên làm chung phòng trà với anh, tôi để ý, cứ hễ đêm nào có Đức Long là sẽ xuất hiện những khán giả “chung thân” của anh.

Và cũng vì thế, khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 còn sống, vào một buổi tối muộn tại tư gia nhạc sĩ ông nghe được giọng hát Đức Long thể hiện ca khúc “Cô đơn” trong một chương trình truyền hình, ngay sau đó ông xin bằng được số điện thoại của Đức Long và nửa đêm hôm đó hai người đã có cuộc trò chuyện thật lâu. Cũng kể từ đó, hễ có chương trình nào giới thiệu âm nhạc của Nguyễn Ánh 9 thì cũng đều có sự góp mặt của NSƯT Đức Long. Bản thân người viết cũng từng được nghe nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chia sẻ rằng, qua sự thể hiện của Đức Long ông cảm nhận được đó chính là “Cô đơn” mà ông mong muốn nhất.

Không chỉ là một ca sĩ đơn thuần, không chỉ có cách thể hiện riêng mỗi khi cất tiếng hát, Đức Long còn tựa như một kho tư liệu sống về âm nhạc Việt Nam ở cả khía cạnh tác giả và tác phẩm. Có thể nói, khi nhắc tới bất cứ tác giả nào, tác phẩm nào anh cũng có thể chia sẻ lập tức những thông tin xác đáng, thú vị liên quan đến tác giả đó và hoàn cảnh sáng tác một ca khúc nào đó, rồi cả những thăng trầm của thời cuộc liên quan đến tác giả tác phẩm, hay những giai thoại góp phần cho tác phẩm thêm ý nghĩa.

Không biết anh dành thời gian để tìm hiểu những thông tin quý báu ấy khi nào mà chỉ biết, để có được khối tư liệu ấy nằm lòng thì chắc chắn không phải ngày một ngày hai. Và có lẽ với anh, việc tìm hiểu thông tin liên quan đến những ca khúc mình thể hiện như một trách nhiệm của người làm nghề, nó giúp cho bản thân người nghệ sĩ hiểu hơn về tác phẩm để rồi có cách cảm riêng và truyền tải tới người nghe.

Nhân vật truyền lửa trong giới nhạc

Ca sĩ Phạm Thu Hà (giữa) biểu diễn trong liveshow “Đức Long hát”.

Không phải ngẫu nhiên ngày 15/4 vừa qua, liveshow “Đức Long hát” nhân kỷ niệm 40 năm gắn với sự nghiệp ca hát của NSƯT Đức Long mà những ngày trước và sau thời điểm đó, thông tin, lời chia sẻ, tâm sự liên quan đến chủ nhân liveshow lại “chiếm sóng” gần như toàn bộ các trang cá nhân của giới nghệ sĩ các thế hệ ở Hà Nội. Đặc biệt là những thế hệ đi sau.

Ca sĩ Minh Quân - thành viên Thăng Long Band viết: "Ngày 24/11/2014, khi đang là sinh viên năm hai Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, mấy anh em được thầy gọi hát bè cho liveshow của thầy tại Nhà hát lớn Hà Nội. Cũng từ đó Thăng Long Band ra đời, cái tên cũng là thầy đặt cho. Và từ đó đến nay Thăng Long Band cũng đã được ghi nhận qua những giải thưởng và góp mặt trên rất nhiều những chương trình lớn”. Sau những chia sẻ đầy trân trọng, Minh Quân cho biết nhóm anh cảm thấy vinh dự vì tiếp tục được góp mặt trong liveshow "Đức Long hát”.

Cùng góp mặt trong liveshow “Đức Long hát”, ca sĩ Phạm Thu Hà xúc động chia sẻ, “đó là một đêm nhạc thành công, ấm áp và đong đầy cảm xúc”. Cô cũng cho rằng: “Tất cả những yêu thương của khán giả, đồng nghiệp và học sinh cũng đủ nói lên tất cả, về tài năng, trí tuệ, từ bi của chú”. Ca sĩ Phan Thu Lan thì viết: “Chú đã và mãi là người chú yêu thương, người đàn ông hát và là thần tượng hát nhạc tình tuyệt vời nhất trong lòng cháu”.

“Tối nay đa phần khán giả là đồng nghiệp, là những người bạn yêu quý giọng hát và con người của chú là đủ để hiểu tình yêu của khán giả dành cho chú”, nam ca sĩ Vũ Thắng Lợi dành sự trân trọng cho NSƯT Đức Long. Anh cho biết thêm, NSƯT Đức Long là tấm gương để cho nhiều nghệ sĩ trẻ noi theo. Ngay cả những ca sĩ thuộc thế hệ trẻ, giống như tôi, không phải học trò nhưng luôn dành cho NSƯT Đức Long một sự trân trọng như một người anh, người thầy đáng kính. Như nam ca sĩ Thanh Cường, sau khi biết liveshow Đức Long hát thành công, anh đã viết trên trang cá nhân của mình: “Chú, một người thầy, một người nghệ sĩ cháu rất hâm mộ”.

Đam mê, là một phẩm chất dường như nó đã thành “mặc định” ở Đức Long. Nhưng anh không chỉ có đam mê cất lên tiếng hát, mà anh còn là người truyền ngọn lửa ấy cho các nghệ sĩ đi sau. Nhiều nghệ sĩ có duyên gặp Đức Long từ khi mới bước chân vào nghề, có người là học trò của anh ở trường nhạc, cũng có người hâm mộ tài năng và phương pháp truyền lửa của anh, lại có những người lấy anh làm điểm tựa, làm chỗ dựa để vững tin đi theo con đường ca hát vốn đầy những chông gai.

Có một điều càng khiến người ta trân trọng khi nhắc tới Đức Long là bởi, hầu hết những người trong số đó, sau này đã rất vững vàng trên con đường nghệ thuật nhưng vẫn gắn kết chặt chẽ với anh, thậm chí vẫn đều đặn duy trì thời gian luyện tập với thầy mà trong bài viết này người viết chỉ nhắc tới hai trong số rất nhiều cái tên, đó là NSƯT Minh Thu và NSƯT Ánh Tuyết.

Không chỉ tận tâm với những thế hệ đi sau, Đức Long còn là một trong những sứ giả gắn kết âm nhạc giữa trong nước với cộng đồng kiều bào ở châu Âu. Khi chưa bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dường như mỗi năm có 12 tháng thì có tới 1/3 thời gian Đức Long có mặt ở châu Âu, mang tiếng hát phục vụ bà con kiều bào. Anh còn là cầu nối đưa các nghệ sĩ trẻ Việt sang giao lưu với bà con, đồng thời không ngần ngại nhận lời giảng dạy những lớp thanh nhạc đáp ứng nhu cầu ca hát, sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng kiều bào tại châu Âu.

Có thể nói, Đức Long là một con người tận hiến hết mình cho âm nhạc. Ở đó, không chỉ là lời ca, không chỉ là những đêm diễn mà còn là người thắp lên những ngọn lửa đam mê cho các nghệ sĩ thế hệ sau vững vàng tiếp bước. Trọn vẹn những gì Đức Long có, chỉ có thể gói gọn trong hai từ “âm nhạc”. Và đó là sứ mệnh để Đức Long, “người đàn ông hát” hiện hữu và dâng hiến cho cuộc đời này.

NGUYỄN QUANG LONG