Nguyễn Huy Tưởng với văn học Nga
Trong bộ “Nhật ký” 3 tập, 1.700 trang, Nguyễn Huy Tưởng viết gần như liên tục từ năm 1930, ở tuổi 18, đến năm 1960 - trước khi qua đời - thì ngay hai trang đầu, ghi ngày 2/11/1930, là dành trọn cho những nhận xét và cảm tưởng của tác giả đối với tiểu thuyết “Phục sinh” của L.Tônxtôi...
Một thế hệ thanh niên trí thức Việt Nam ở tuổi mười tám, đôi mươi, từ những năm 1930, như Nguyễn Huy Tưởng, đã có thể qua tiếng Pháp mà đến với văn học Nga, với những lĩnh hội thật đầy đủ, và với những xúc động thật sâu, trước nội dung xã hội và ý tưởng nhân văn đặc sắc của L.Tônxtôi.
Chính sự gần gũi về trạng thái xã hội và ý hướng luân lý - đạo đức nằm trong một chủ nghĩa nhân đạo rất gần với phương Đông đã khiến cho L.Tônxtôi có thể đến sớm, gây men và gieo trồng các giá trị nhân văn vào một lớp độc giả thanh niên Việt Nam trong buổi giao thời Đông Tây, giao thoa mới cũ.
Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) thuộc thế hệ Tây học đầu tiên - gồm những Thế Lữ (1907- 1989), Hoài Thanh (1909- 1982), Thạch Lam (1910 - 1942), Nguyễn Tuân (1910 - 1987), Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939)… là thế hệ đã có thể qua tiếng Pháp mà đến với văn học Pháp và văn học phương Tây - như văn học Anh, văn học Nga. Và như vậy, những tác giả lớn, những đỉnh cao của các nền văn học này, không kể Pháp, như Sếchxpia, Đichkenx, Thackeray…, như L.Tônxtôi, Dostoiepski, Sêkhốp… đã có đường vào, để góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa, đưa lại cho văn học Việt Nam một diện mạo mới - diện mạo hiện đại, với những đặc trưng trọn vẹn của nó, trong thời kỳ 1930 - 1945.
Cố nhiên, trước thế hệ Tây học này, còn phải kể đến các thế hệ tiền bối, có cả Nho học và Tây học, như bộ tứ “Vĩnh, Quỳnh, Tố, Tốn”, như Hồ Biểu Chánh, Đặng Trần Phất, Hoàng Ngọc Phách, Hoàng Tích Chu…, những người có khả năng tiếp nhận và truyền bá văn hóa, văn minh phương Tây qua công việc dịch thuật và sáng tác.
Từ hai trang nhật ký ghi ngày 2/11/1930 này của Nguyễn Huy Tưởng, ta được biết những ảnh hưởng của văn học Nga, trong những đóng góp đầu tiên của nó cho văn học Việt Nam, có vai trò lớn của L.Tônxtôi.
Hơn 10 năm sau, trong tập tiểu luận “Theo giòng” (1941) của Thạch Lam, những ảnh hưởng của văn học Nga đối với thế hệ những người viết rường cột của văn học 1930 - 1945, còn được nói kỹ hơn, trong những so sánh với văn học Pháp và văn học phương Tây nói chung.
“Tônxtôi - nhà văn Nga nổi tiếng khắp hoàn cầu, có khi chữa lại bảy lần bản thảo của ông… Ta thử tưởng tượng công việc ông đã làm khi chữa quyển tiểu thuyết “trường giang đại hải” và bất hủ “Chiến tranh và hòa bình”. Gogol, một danh sĩ khác người Nga, sau bảy năm nghiền ngẫm và viết tập thứ nhì của quyển "Những linh hồn chết" đã đốt cháy bản thảo trước khi từ trần. Lòng bất mãn của nghệ sĩ đối với công việc của mình, hay cớ gì khác? Không ai được biết!
Giờ tôi nói đến Dostoiepski, nhà viết tiểu thuyết, cũng người Nga, có lẽ là nhà tiểu thuyết có giá trị nhất của thế kỷ và trên hoàn cầu.
Lúc 50 tuổi - ông viết: “Cái tiểu thuyết tôi sắp viết (ấy là quyển "Anh em Karamazov", mà chín năm sau ông mới bắt đầu viết), đã làm tôi băn khoăn từ ba năm nay nhưng tôi chưa muốn viết vội, vì tôi muốn viết thong thả như Tônxtôi” (Cảm hứng và làm việc)".
Cần lưu ý các đánh giá trên đây của Thạch Lam (L.Tônxtôi: “nhà văn Nga nổi tiếng khắp hoàn cầu”, và Dostoiepski: “Có lẽ là nhà viết tiểu thuyết có giá trị nhất của thế kỷ và trên hoàn cầu”) - một người viết chịu ảnh hưởng sâu sắc văn học Pháp, là nền văn học của người thống trị, và cũng là người đem lại nguồn sáng cho công cuộc hiện đại hóa văn học Việt Nam.
Thời Thạch Lam nêu các nhận xét này cũng là thời Vũ Ngọc Phan tiến hành việc dịch An-na Kha-lệ-ninh của L.Tônxtôi.
Cũng như Thạch Lam và Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân cũng thuộc số người đọc sớm đến với L. Tônxtôi (trong văn bản tiếng Pháp), để sau này, khi có dịp ông sẽ viết Tônxtôi, cùng với Dotxtôi là hai đại thụ của văn học Nga, với sự tôn vinh ở vị trí “một đỉnh Thái Sơn”, một “cái tháp nguy nga”, với một “nghệ thuật tiểu thuyết cao siêu” trong di sản tiểu thuyết nhân loại.
Vậy là, trong các “đại gia”, đại văn hào Nga, đến với văn học Việt Nam, nếu đã có L.Tônxtôi, sẽ không thiếu F.Dostoiepski – là hai người cùng thời, và là người đồng thời với Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) và Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) trong văn học Việt Nam, mà đóng góp của các vị không chỉ là những tác phẩm lớn - có tầm nhân loại, mà còn là một cách thức làm việc hết sức nghiêm khắc và một sức làm việc thật khổng lồ. Từ những nhìn nhận và tiếp nhận như thế, ta sẽ thấy - thời 1930 - 1945, qua một thế hệ từ Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng… đến Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài – một kiểu nhà văn mới đã xuất hiện, trong tính chuyên nghiệp của nó, như một yêu cầu cốt thiết của hiện đại hóa, để tương xứng và thích ứng với thời hiện đại.
Trong nhận xét về Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Khuyến như là người đồng thời với L.Tônxtôi và F.Dostoiepski ở trên, tôi muốn nói đến một gia tốc phát triển rất mau lẹ trên quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. Chỉ 30 năm sau khi “Phục sinh” ra đời, và 20 năm sau ngày L.Tônxtôi qua đời, người đọc văn và người viết văn ở Việt Nam đã có thể dứt bỏ mọi lối quen của truyền thống văn chương trung đại, để tiếp cận và tiếp nhận văn học phương Tây, ở những đỉnh cao nhất của nó, với một quan niệm mới – quan niệm hiện đại về bản chất, đặc trưng, chức năng, cùng phương thức thể hiện và truyền bá của văn chương.
Trở lại với nhật ký Nguyễn Huy Tưởng. Nếu tiếp xúc đầu tiên với L.Tônxtôi là “Phục sinh”, thì ấn tượng trở thành áp lực đối với sự nghiệp viết của tác giả lại là “Chiến tranh và hòa bình”. Trong nhật ký ngày 6/12/1947, ông ghi: “Đêm trằn trọc: lo còn bao nhiêu tác phẩm. Mà mình đã già rồi. Những tác phẩm đồ sộ. Dày như “Chiến tranh và hòa bình”.
Điều này là dễ hiểu vì khuynh hướng nghệ thuật mà Nguyễn Huy Tưởng theo đuổi suốt đời, kể từ “Vũ Như Tô”, “Đêm hội Long Trì”… qua “Bắc Sơn”, “Những người ở lại”… đến “Lũy hoa”, “Sống mãi với Thủ đô” là khuynh hướng khai thác tối ưu những kịch tính trong cả hai chiều vĩ mô và vi mô; trong cả hai âm hưởng trầm hùng và bi tráng. Một sự theo đuổi và một dấu ấn ảnh hưởng gần như thường trực của L.Tônxtôi, khiến cho nhiều đồng nghiệp của ông đều đồng tình với Nguyên Hồng mà gọi Nguyễn Huy Tưởng là “ông Tônxtôi của Việt Nam”.
Có thể giấc mơ về tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng là giấc mơ về “Chiến tranh và hòa bình”. Một nung nấu rất lâu dài, có thể là được bắt đầu từ “Vũ Như Tô” (1941) hoặc “Bắc Sơn” (1946) rồi được thực hiện triệt để (và kết thúc) ở "Sống mãi với Thủ đô" (1960), mà tập I hơn 600 trang mới chỉ là sự đặc tả ba ngày trong sáu mươi ngày đêm chiến đấu của quân dân Thủ đô “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, vào mùa đông 1946. Một so sánh, đối chiếu để tìm dấu ấn ảnh hưởng của “Chiến tranh và hòa bình” đối với “Sống mãi với Thủ đô” tôi nghĩ là thuận, và chắc chắn sẽ có được những ý hay cho khoa so sánh văn học ở Việt Nam.
Từ Nguyễn Huy Tưởng có thể nghĩ đến Nguyễn Đình Thi trong “Vỡ bờ” (2 tập), và Nguyên Hồng trong “Cửa biển” (4 tập), vào những năm 1960. Và nghĩ đến các tiểu thuyết nhiều tập hoặc có quy mô lớn về số trang trong dòng viết về chiến tranh, vào thời kỳ chống Mỹ trên cả hai miền Bắc và Nam của một thế hệ trẻ hơn như Hữu Mai, Hồ Phương, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều… khi “Chiến tranh và hòa bình” cùng nhiều tiểu thuyết khác của L.Tônxtôi đã được dịch ra tiếng Việt.
Với số đông, nếu không nói là hầu hết các nhà văn viết về chiến tranh ở Việt Nam, theo tôi biết, có hai kiểu mẫu lớn để học tập và noi gương – đó là L.Tônxtôi với “Chiến tranh và hòa bình” và M. Solokhov với “Số phận một con người”.
Trở lên là một ít ghi chép về ảnh hưởng của L.Tônxtôi đối với văn học Việt Nam qua một tác giả tiêu biểu là Nguyễn Huy Tưởng. Rộng ra khỏi đời sống văn học trong nước, và lùi sâu hơn vào lịch sử thì phải nói đến một tên tuổi đặc biệt – đó là Nguyễn Ái Quốc vào những năm 1920 ở Paris – đã là người đọc và là người chịu ảnh hưởng đầu tiên của L. Tônxtôi. Việc học tập L.Tônxtôi còn được Bác kể lại một lần nữa, tỉ mỉ hơn, trong một bài viết cho báo Văn học (Liên Xô), số ra ngày 19/11/1960 nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của L.Tônxtôi. Những hồi nhớ như thế là rất quý giá, bởi nó giúp cho ta hiểu con đường Nguyễn Ái Quốc đi vào một sự nghiệp viết, trong đó có văn chương, để trở thành người mở đầu, người sáng lập nền văn học cách mạng và hiện đại Việt Nam thế kỷ XX.
Từ mấy ghi chép như trên tôi muốn đi tới kết luận: L.Tônxtôi không chỉ có ảnh hưởng đối với lớp người viết thuộc thế hệ Tây học đầu tiên, là lực lượng chủ công trong xây dựng nền văn học Việt Nam hiện đại, mà còn đối với cả người khai sinh ra thời hiện đại cho dân tộc và văn học dân tộc.