Hỗ trợ công nhân thuê nhà ở
Giá nhà ở liên tục tăng cao, trong khi thu nhập ở mức thấp khiến đa phần công nhân không đủ khả năng mua nhà ở thành phố. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, bài toán nhà ở cho công nhân, người lao động sẽ được giải quyết nhanh nếu thực hiện bằng chính sách cho thuê giá rẻ…
Mong được thuê nhà giá rẻ
Hiện nay, rất nhiều công nhân tại TP HCM đang phải thuê nhà, phòng trọ để an cư lập nghiệp. Đáng lưu ý, vài năm trở lại đây giá nhà cho thuê, phòng trọ cũng tăng khá cao. Ghi nhận tại các quận nội thành giá phòng cho thuê dao động từ 3 - 6 triệu đồng/tháng, tùy diện tích phòng. Ở các quận, huyện ngoại thành giá nhà cho thuê có rẻ hơn nhưng cũng ở mức từ 1,5 - 4 triệu đồng/tháng.
Một số công nhân cho hay, thời gian gần đây giá cả hàng hóa tăng cao, nhiều chủ nhà trọ cũng liên tục thông báo tăng giá thuê nhà. Thu nhập thấp, tiền thuê nhà lại tăng vì vậy công nhân đã khó lại càng khó.
Bà Nguyễn Thị Hoa, công nhân khu Công nghệ cao (thành phố Thủ Đức) phân trần: “Lâu rồi lương công nhân không tăng, vật giá liên tục leo thang nên mua được nhà ở TP HCM, Đồng Nai hay Bình Dương thật sự không đơn giản chút nào”.
Bà Hoa cho biết thêm, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thu nhập giảm nhiều, không đủ cho sinh hoạt hàng ngày và nuôi các con nhỏ nên rất mong TP HCM có chính sách cho thuê nhà giá rẻ.
Nữ công nhân này cho biết thêm, nếu có nhà lưu trú cho công nhân thuê giá rẻ ở các khu công nghiệp sẽ giảm bớt nhiều các chi phí phát sinh khác, trong đó có tiền xăng xe.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Phương, xe ôm công nghệ (Nghiệp đoàn xe ôm Quận 7) tâm sự: “Tôi có một đứa con trai. Hiện hai mẹ con đang ở phòng trọ, thu nhập của tôi khoảng 7 triệu đồng/tháng nên chỉ đủ để hai mẹ con thuê một phòng trọ nhỏ với mức 1,5 triệu đồng/tháng, số tiền còn lại trang trải tiền ăn, tiền học cho con. Co kéo lắm mới đủ nên tiền dành dụm gần như không có, vì vậy tôi chưa bao giờ tính đến chuyện mua nhà. Rất mong TP HCM quan tâm chính sách nhà ở cho lao động nhập cư như chúng tôi”.
Về vấn đề này, bà Đoàn Thị Minh Diệp, giảng viên Đại học Kinh tế Luật TP HCM nêu quan điểm: “Bài toán nhà ở cho công nhân, người lao động sẽ được giải quyết nhanh nếu thực hiện bằng chính sách cho thuê với giá rẻ”.
Bà Diệp lý giải, có hai loại nhà ở dành cho người thu nhập thấp: chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; 20% nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại. Tuy nhiên, nhà ở cho người thu nhập thấp bị khống chế lợi nhuận nên chủ đầu tư không mặn mà tham gia. Doanh nghiệp cần và muốn giữ chân người lao động thì phải đầu tư nhà ở để công nhân thuê với giá rẻ, hợp lý.
Cải tạo nhà trọ, đẩy nhanh xây nhà ở xã hội, nhà lưu trú
Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM cho hay, nhu cầu về nhà ở của công nhân tại thành phố rất lớn. Qua khảo sát cho thấy, có khoảng 1,3 triệu lao động đang làm việc ở thành phố có nhu cầu nhà ở. Trong số này, có gần 40.000 công nhân ở các khu lưu trú. Hiện hầu hết người lao động thuê trọ với giá trung bình 1,6 triệu đồng/tháng. Diện tích trung bình khoảng 14m2, có từ 3-4 người ở cùng.
“Nhà thuê là một chính sách đặc biệt cần phải tính tới trong phương án phát triển nhà ở cho công nhân. Do người lao động không thể đủ tiền để mua nhà”, bà Thúy nhấn mạnh. Theo đại diện Liên đoàn Lao động TP HCM, giải quyết nhà ở cho công nhân, người lao động thì việc xây nhà cho thuê dễ hơn mua nhà ở xã hội. Đồng quan điểm này, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu có chính sách thuê nhà ở sẽ đảm bảo chỗ ở an toàn, sạch đẹp cùng các tiện ích đi kèm như: Trường học, bệnh viện, khu vui chơi, làm việc,...
Nhằm giải quyết bài toán nhà ở cho công nhân, người lao động, UBND TP HCM đang đẩy mạnh phát triển các dự án. Đồng thời TP HCM cũng có chính sách cải tạo nhà trọ trên địa bàn thành phố. Theo thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, toàn thành phố có khoảng 60.470 nhà trọ. Trong đó, nhóm dãy phòng cho thuê độc lập tập trung chủ yếu ở các quận, huyện như: 7, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh với khoảng 34.800 công trình, ở tối đa hơn 940.000 người. Nhóm nhà ở riêng lẻ ngăn chia từng phòng cho thuê có hơn 25.000 công trình với gần 490.000 người ở.
Sở Xây dựng đang đề xuất ban hành gói hỗ trợ lãi suất khoảng 100 tỷ đồng đối với chủ nhà trọ vay vốn ngân hàng để nâng cấp, sửa chữa, cải tạo nhà trọ với thời gian áp dụng khoảng 3 năm.
Chia sẻ kế hoạch phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho hay, từ năm 2021 đến 2025, thành phố dự kiến sẽ phát triển 47 dự án nhà ở xã hội, tương đương 35.000 căn hộ. Các dự án này tập trung tại quận Bình Tân, 7, thành phố Thủ Đức.
Trước đó, giai đoạn 2016 - 2020, có 19 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng với 15.000 căn hộ. Theo ông Khiết, thời gian tới Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các bên liên quan để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội theo đúng kế hoạch đề ra.
Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh, việc phát triển nhà lưu trú công nhân trong tình hình hiện nay và lâu dài nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, hỗ trợ công nhân cải thiện và nâng cao chất lượng chỗ ở là rất cần thiết.