Đường cứu hộ hơn 200 tỷ, 10 năm chưa xong

Điền Bắc 06/05/2022 14:00

Dự án được triển khai với mục tiêu kết nối đồng bộ hệ thống giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đồng thời cũng là tuyến đường phục vụ cứu nạn, cứu hộ cho nhân dân vùng tả ngạn sông Con khi có thiên tai xảy ra. Vậy nhưng, đến nay tuyến đường ý nghĩa này vẫn đang còn dang dở, chậm tiến độ… cả chục năm.

Hiện trạng tuyến đường cứu hộ, cứu nạn sau 10 năm triển khai.

Mòn mỏi đợi chờ

Năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định 5619 phê duyệt xây dựng công trình và Quyết định 937 phê duyệt điều chỉnh dự án “Đường giao thông cứu hộ, cứu nạn tả ngạn sông Con” với tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là gần 217 tỷ đồng, do UBND huyện Anh Sơn làm chủ đầu tư.

Dự án được xây dựng có chiều dài hơn 13,7 km đường giao thông, theo tiêu chuẩn cấp V miền núi, thiết kế vĩnh cửu từ điểm đầu thuộc xóm 7, xã Đỉnh Sơn (nối đường tả ngạn sông Lam) đến điểm cuối thuộc xóm 6, xã Bình Sơn. Theo phê duyệt, dự án được thi công trong thời gian 24 tháng, được chia thành 2 giai đoạn.

Tuy nhiên, đến nay sau hơn 10 năm thi công, dự án vẫn chưa thể hoàn thành. Tiến độ dở dang mặc dù người dân trên tuyến đường rất ủng hộ, thậm chí mong mỏi dự án được hoàn thành để phát triển kinh tế.

Thực tế tại dự án vào những ngày đầu tháng 5/2022 chúng tôi ghi nhận những phản ánh của cử tri là có cơ sở. Ngay từ đầu tuyến (đoạn qua xã Bình Sơn) một con đường đất lởm chởm ổ gà trải khắp con đường.

“10 năm trước, chúng tôi vui mừng vì tuyến đường được khởi công. Vậy nhưng, sau một thời gian đầu san ủi, dự án đã dừng hơn 8 năm nay, khiến người dân chúng tôi bị ảnh hưởng trong việc lưu thông, vì đường quá xấu, nhất là về mùa mưa lũ” - bà Lương Thị Diệu, người dân xóm Tân Hợp, xã Bình Sơn cho biết.

Cũng theo bà Diệu, ngay cả việc giải phóng mặt bằng (GPMB) đền bù cho người dân vẫn chưa hoàn thành. Đơn cử như gia đình bà, được đền bù 9 triệu đồng để dự án cắt một phần đất vườn, nhưng đến nay mới nhận được một nửa số tiền trên.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Trí (65 tuổi) thôn Tân Long, xã Bình Sơn ngán ngẩm, con đường này chỉ thuận lợi khi mùa nắng, còn sang mùa mưa không ai dám đi. Họ nói tuyến đường sẽ hoàn thành sau hơn 2 năm khởi công, nhưng đến nay đã 10 năm trôi qua, nó vẫn vậy. Chúng tôi kiến nghị nhiều lần nhưng không có kết quả. Mong muốn của người dân chúng tôi là tuyến đường được hoàn thành, không những phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn mà còn là cơ hội để người dân phát triển kinh tế, lưu thông các loại sản phẩm nông nghiệp.

Đi sâu vào phía trong, chúng tôi bắt gặp nhiều chiếc cầu bê tông bắc qua các đập tràn, khe suối…nhưng không thể đi qua do 2 đầu mố cầu chưa được đấu nối.

Nguyên nhân vì thiếu vốn

Không những chưa hoàn thành các hạng mục của dự án, mà ngay cả việc đền bù GPMB vẫn chưa xong vì thiếu vốn. Bởi theo báo cáo của UBND huyện Anh Sơn, toàn bộ chi phí GPMB của dự án là hơn 31 tỷ đồng, nhưng đến nay mới đạt khoảng 60%.

Ông Dương Công Ngọc - Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết, là xã vùng sâu của huyện, khi có dự án người dân rất vui mừng, nhưng đến nay sau nhiều năm dự án chậm tiến độ, đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là phát triển vùng nguyên liệu như mía, keo. Không những vậy, đến nay công tác GPMB, đền bù hỗ trợ cho người dân cũng chậm. Tổng số tiền đền bù toàn xã khoảng hơn 2 tỷ đồng, nhưng cũng rất nhỏ giọt.

“Hiện, chúng tôi đang niêm yết, thông báo đền bù cho 31 hộ thuộc 2 gói thầu của dự án. Người dân rất đồng tình ủng hộ, và mong chờ dự án hoàn thành” - ông Ngọc cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Võ Hồng Hiếu - Giám đốc Ban QLDA huyện Anh Sơn (đại diện chủ đầu tư) cho biết, dự án “Đường cứu hộ, cứu nạn tả ngạn sông Con” được chia thành 2 giai đoạn. Tuy nhiên đến nay, do nguồn vốn hạn hẹp nên dự án chưa thể hoàn thành.

“Theo hợp đồng với các nhà thầu, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành vào tháng 6/2014 và giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào tháng 3/2015. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên khối lượng hoàn thành của 2 giai đoạn chỉ đạt 39,4% và 26,4%. Đồng nghĩa với việc nguồn vốn chỉ mới bố trí được 66,3 tỷ đồng (tương đương với 30%). Chúng tôi vẫn mong muốn có đủ vốn để hoàn thành tuyến đường, bởi không chỉ mục tiêu dự án mà cũng là sự mong mỏi của người dân 3 xã khó khăn nhất của huyện”- ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, trong thời gian qua, khi có vốn, một số nhà thầu đã tiến hành làm phần nền, cầu và đường 2 đầu cầu. Riêng huyện cũng huy động nhiều nguồn vốn để triển khai, trong đó có cả tiền GPMB, nhằm tháo gỡ từng điểm, tránh tình trạng dang dở, gây ách tắc giao thông. Huyện cũng đã đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện số cầu theo phê duyệt nhằm giải quyết vấn đề thông suốt giao thông, bởi lâu nay đang sử dụng đường tránh.

Được biết, dự án này có 6 gói thầu chia đều cho 6 nhà thầu thi công. Đến nay, sau 10 năm gói thầu có khối lượng thi công nhiều nhất chỉ đạt trên 35%. Còn lại, chỉ đạt dưới 25%, thậm chí có gói thầu chưa triển khai thi công.

Dự án “Đường giao thông cứu nạn, cứu hộ tả ngạn sông Con” là tuyến đường chủ yếu phục vụ vận chuyển nguyên liệu cho người dân các xã Đỉnh Sơn, Thành Sơn và Bình Sơn. Bởi vậy, việc công trình này chậm tiến độ hơn cả chục năm khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong đời sống dân sinh cũng như đối phó với thiên tai. Liệu dự án này còn dở dang đến bao giờ?

Điền Bắc