'Sông hứng lửa': Địa danh kỳ lạ quanh năm sống cùng 'Thiên lôi'

Minh Tuấn (National Geographic, Azores) 07/05/2022 09:00

Nơi đang giữ kỷ lục Guinness cho số lần sét đánh tối đa trong một phút là cửa sông Catatumbo đổ vào hồ Maracaibo, thuộc bang Zulia, Tây Bắc Venezuela.

Trong nhiều thế kỷ nay, khu vực cửa sông Catatumbo đổ vào hồ Maracaibo, thuộc bang Zulia, Tây Bắc Venezuela đang giữ kỷ lục Guinness cho số lần sét đánh tối đa trong một phút. Tại đây, mỗi năm có khoảng 160 đêm bị sét đánh và 10 giờ một ngày.

Mỗi giờ sét đánh 280 lần, mỗi phút khoảng 40 lần, tương ứng với 1,2 triệu lần sét đánh trong năm. Hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này có tên là sét Catatumbo.

"Sông lửa trên bầu trời", "dòng sông hứng lửa từ trời" hay "Relámpago del Catatumbo" hoặc "Rib a-ba" là những biệt danh mà người dân địa phương dùng để miêu tả về hồ Maracaibo.

Chính vì chỉ đánh ở một địa điểm duy nhất, nên những tia sét ở hồ Maracaibo còn được xem là ngọn hải đăng tự nhiên trong suốt 1500 năm qua.

Người bản địa xem những tia sét Catatumbo là niềm tự hào của mình, là lá bùa hộ mệnh thiêng liêng. Bên cạnh đó, họ còn tận dụng ánh sáng tự nhiên này để xác định phương hướng khi đi thuyền trong đêm tối.

Hơn thế nữa, mật độ sét dày đặc còn góp phần tái tạo tầng ozon của trái đất, bảo vệ môi trường. Phóng điện do sét cũng là nguồn phân đạm trời cho làm mùa màng tươi tốt.

Thời điểm hồ Maracaibo bị "trời phạt" nhiều nhất trong năm là vào tháng 10. Đó là lúc hàng loạt các cơn bão mang theo mưa lớn cùng sấm chớp đổ xuống. Có những lúc nơi này chịu tới 28 cú sét trong một phút - đủ nguồn năng lượng thắp sáng cho 100 triệu bóng đèn.

Suốt nhiều thế hệ, người dân trong làng bị choáng ngợp bởi sự "cuồng nộ" của tự nhiên với những cơn bão sét hoành hành. Chính vì thế, các chuyên gia cũng cố gắng tìm kiếm lời giải đáp cho hiện tượng đặc biệt này suốt hàng thế kỷ. Trong nhiều thập kỷ trước, các nhà khoa học tin rằng những mỏ uranium ở khu vực hồ là nguyên nhân hút sét, khiến nơi này chịu mật độ sét đánh dày đặc như vậy.

Tuy nhiên, hiện tại, nhiều người nghiêng về giả thuyết sự kết hợp của địa hình và gió của hồ Maracaibo mới là nguyên nhân chính. Theo giải thích của Tiến Sĩ Daniel Cecil, thuộc Trung tâm Thời tiết và Thủy văn toàn cầu (Mỹ), địa hình đóng vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy luồng gió nóng hay lạnh, qua đó hình thành nên những cơn bão.

Sự thiếu ổn định của không khí và độ ẩm là yếu tố then chốt và sét Catatumbo được tăng cường nhờ địa hình độc đáo. Hồ Maracaibo và vùng đồng bằng xung quanh bị chắn ba phía bởi các rặng núi lớn, bao gồm Andes, Perijá và Cordillera de Mérida, để lại một hành lang hẹp hướng về phía bắc vịnh Venezuela, tạo nên các luồng gió lạnh mạnh thường xuyên thổi xuống hồ.

Biển Caribe chảy vào cung cấp nguồn nước ấm trong khi khí hậu nhiệt đới nóng bức khiến nước bốc hơi mạnh, tạo ra không khí nóng ẩm. Những cơn gió mạnh bốc không khí nóng ẩm lên cao, tạo thành mây vũ tích. Khi các giọt nước trong không khí nóng ẩm va chạm với các tinh thể băng từ không khí lạnh, nó tạo ra điện tích, sinh ra sét quanh năm.

Ban ngày, ở khu vực Tây Bắc Venezuela, hồ Maracaibo chảy qua thành phố cùng tên vào biển Caribbean. Hơi nước từ mặt hồ được mặt trời sưởi ấm bốc lên cao. Về đêm, gió mậu dịch từ biển thổi tới đẩy khối không khí ấm áp này vào tầng không khí lạnh thổi ra từ các ngọn núi, tạo nên những "đám mây bão" phát ra tia lửa điện gọi là sét.

Một yếu tố đáng ngạc nhiên của những tia sét nhất quán này là chúng không có sấm đi kèm. Một số người tin rằng sét Catatumbo không gây ra sấm và đây thực sự là một bí ẩn.

Lý do đằng sau sự vắng mặt của âm thanh là do một thực tế những cơn bão sét xảy ra cách các nhân chứng từ 50-100 km.

Khoa học nói rằng bạn sẽ gần như không thể nghe được tiếng sấm nếu bạn ở cách xa những tia chớp từ 25 km trở nên. Vì vậy, điều này được dùng để lý giải cho bí ẩn nói trên.

Hiện tượng tự nhiên này còn liên quan tới một câu chuyện thú vị trong lịch sử. Một buổi tối năm 1595, những chiếc tàu chiến do thủy thủ người Anh Francis Drake chỉ huy, đang trên đường đánh úp thành phố Maracaibo (thuộc sở hữu của Tây Ban Nha lúc bấy giờ).

Khi đi qua khu vực này, những vệt sáng trên bầu trời đã khiến họ bị lộ diện, cuộc tấn công vì thế mà bị hủy bỏ. Câu chuyện này cũng đã được ghi lại trong bài thơ sử thi 16 La Dragontea.

Bên cạnh đó, sét Catatumbo cũng gắn liền với nền độc lập của đất nước Venezuela. Năm 1823, những đợt sấm chớp này đã giúp quân đội Venezuela phát hiện tàu chiến của quân Tây Ban Nha và giành chiến thắng trước kẻ thù. Chính vì thế, hình ảnh tia chớp xuất hiện cả trên lá cờ và quốc ca của bang Zulia.

Vào năm 2014, Tổ chức Guinness đã trao chứng nhận để công nhận sét Catatumbo là hiện tượng khí tượng độc đáo.

Do những tiềm năng độc đáo vốn có, chính phủ Venezuela đang cố gắng để sét Catatumbo được xếp hạng Di sản Thế giới của UNESCO. Điều này sẽ khiến loại sét này trở thành hiện tượng thiên nhiên đầu tiên được đưa vào danh sách.

Đến khu vực hồ, bạn có dịp chứng kiến những màn trình diễn sấm sét vô cùng độc đáo và ngoạn mục mà không nơi nào có, thậm chí vẫn có thể nhìn rõ ở khoảng cách hơn 40 km.

Ngoài ra, khu rừng nhiệt đới bao quanh hồ Maracaibo còn là nơi cư trú của các loài báo, cá sấu, trăn Nam Mỹ, bướm và vô số loài động thực vật khác. Sẽ không lãng phí nếu bạn dành thời gian để khám phá thế giới tự nhiên hoang dã nơi đây.

Đêm xuống khá nhanh đồng nghĩa với việc màn trình diễn sẽ sớm bắt đầu. Bầu trời ngày càng sáng rực và đường chân trời như đang bắn ra tia lửa điện liên hồi. Đặc biệt hơn nữa là những tia sét này đôi lúc có màu trắng, màu đỏ, thậm chí cả màu tím.

Không thể tin được là những người người dân làng chài lại tận dụng những "ngọn hải đăng thiên nhiên" này để đánh bắt cá vào buổi tối. Họ quả thật dũng cảm.

Minh Tuấn (National Geographic, Azores)