Đề nghị điều tra tội 'giết người' đối với cha ruột bé gái 8 tuổi tử vong
Nhiều ý kiến đề nghị thay đổi quan điểm truy tố đối với cha ruột cháu gái 8 tuổi N.T.V.A. (sinh năm 2013) từ tội ”Hành hạ người khác” sang tội danh “Giết người”.
Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM vừa ban hành cáo trạng, truy tố ra trước Tòa án nhân dân TP để xét xử bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, mẹ kế của nạn nhân) về tội “giết người” và “Hành hạ người khác” và xét xử ông Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, cha ruột nạn nhân) về tội “Hành hạ người khác” và “Che giấu tội phạm”.
Theo cáo trạng này, bà Trang bị cáo buộc trong quá trình sống chung như vợ chồng với ông Thái và ở cùng con riêng của ông Thái là cháu N.T.V.A. (sinh năm 2013) đã liên tục có hành vi bạo hành đối với trẻ em.
Chỉ trong thời gian cháu A. học trực tuyến (từ ngày 7/12/2021 đến 22/12/2021), bà Trang đã dùng tay, chân, cây gỗ, roi, cây kim loại (ống nối của máy hút bụi) đánh đập, hành hạ dã man cháu V.A. bằng nhiều hình thức, trong nhiều giờ, nhiều ngày. Hậu quả là vào tối ngày 22/12/2021, sau cơn hành hạ của bà Trang đã dẫn đến việc cháu V.A. tử vong trước khi vào bệnh viện.
Đối với Thái dù đã chứng kiến bà Trang nhiều lần đánh đập, hành hạ cháu V.A. nhưng không can ngăn, còn tham gia cùng bà Trang đánh đập, hành hạ con ruột.
Đỉnh điểm vào ngày 22/12/2021, sau khi biết bà Trang đánh cháu V.A. tử vong, ông Thái đăng nhập vào ứng dụng quản lý camera và có hành vi xóa toàn bộ dữ liệu 4 camera trong căn hộ nhằm che giấu hành vi phạm tội của nhân tình.
Liên quan đến các hành vi phạm tội của bà Trang và ông Thái đang gây sự bất bình và bức xúc trong dư luận địa phương và sự quan tâm của nhiều tổ chức bảo vệ trẻ em trên cả nước.
Hầu hết các ý kiến yêu cầu cần phải xử lý nghiêm các bị can trên trước pháp luật nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa. Riêng đối với cha ruột cháu bé cần phải làm rõ các hành vi phạm tội, tránh bỏ lọt tội phạm.
Theo ý kiến của một số luật sư, việc xem xét tội danh đúng với tính chất, mức độ hành vi của cha ruột nạn nhân là rất cần thiết để vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật vừa mang tính răn đe và là bài học cho các đối tượng đã và đang có hành vi bạo hành, xâm hại, ngược đãi trẻ em nhưng chưa được đưa ra ánh sáng.
Hiện luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bé V.A. đã gửi đơn đến Viện KSND TP HCM đề nghị thay đổi quan điểm truy tố đối với ông Thái từ tội ”Hành hạ người khác” sang tội danh “Giết người”. Đối với tội danh thứ hai là ”Che giấu tội phạm”, luật sư Nữ không có ý kiến.
“Hành động của Thái là giúp sức, thúc đẩy Trang gây ra tổn thương dẫn đến cái chết của cháu An. Do đó, Thái phải cùng chịu trách nhiệm với Trang về tội Giết người", đơn kiến nghị của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nêu.
Trong dư luận xã hội trước khi vụ án được đưa ra xét xử cũng rất bức xúc về hành vi của cha ruột nạn nhân.
Ông Trương Văn Quân, ngụ khu phố 3, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức góp ý, để hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi bạo hành, ngược đãi, xâm hại trẻ em trong xã hội thì ý thức của từng người dân cần phải được thể hiện rõ hơn, trước hết khi phát hiện vụ việc liên quan đến bạo hành trẻ em cần mạnh dạn liên hệ tố giác tội phạm đến các cơ quan chức năng như: Công an, cơ quan LĐTBXH các cấp, Hội phụ nữ, Hội bảo vệ quyền trẻ em hay Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111),…
Tại văn bản này, đại diện Hội bảo vệ quyền trẻ em TP HCM yêu cầu ngoài vai trò trực tiếp của bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang thì cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của cha ruột của cháu A. để từ đó xử lý đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật.
Theo đại diện Hội bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, gia đình phải là nơi bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất. Đó là dù cha mẹ có thể ly hôn, không sống được với nhau nhưng người lớn vẫn phải có trách nhiệm để đảm bảo lợi ích tốt nhất của trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất tác động và ảnh hưởng đến trẻ em.
“Sự vô trách nhiệm của gia đình đối với trẻ em trong nhiều tình huống chính là tội ác”, đại diện Hội này nêu quan điểm.