Luận án tiến sĩ phát triển môn cầu lông: Làm nghiên cứu sinh dễ hơn đi học nghề?
Đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh không những chưa xứng tầm với học vị tiến sĩ mà còn có vấn đề trong khâu kiểm duyệt.
Nội dung tổng quan không chuẩn
Đánh giá về đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La", giới chuyên gia đều cho rằng, đề tài này chưa xứng tầm luận án tiến sĩ.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, luận án này giống với báo cáo tham luận hoặc cùng lắm là luận văn thạc sĩ.
Theo ông Tuấn, mục đích của nghiên cứu là chỉ ra được thực trạng, hạn chế và đưa ra giải pháp nhằm cải tiến mang tính vi mô và vĩ mô, có tác động lớn đến cộng đồng hoặc cả xã hội. Trong khi đó, đề tài trên nói đến việc phát triển môn cầu lông cho cán bộ công chức, viên chức thành phố Sơn La là quá nhỏ, không có tính đóng góp cho xã hội hay cộng đồng khoa học.
Cho rằng đề tài chưa đạt yêu cầu, ông Tuấn đặt câu hỏi: “Không biết lý do vì sao mà người hướng dẫn nghiên cứu lại đồng ý và hội đồng thẩm định lại thông qua đề tài như vậy?”.
Trao đổi với phóng viên, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho biết, ông đã đọc xong luận án tiến sĩ này.
Ông Vinh nhận định, đề tài này không giống luận án tiến sĩ không chỉ ở tên gọi mà quan trọng nội hàm, hướng xác định vấn đề của tác giả không phù hợp, dẫn tới phương pháp, nội dung tổng quan không chuẩn.
Theo ông Vinh, đề tài này không ra nghiên cứu về giáo dục hay chính sách, cũng không ra công tác phong trào. Các vấn đề không mạch lạc. Một số điểm trong luận án có dấu hiệu đạo văn, như: kỹ thuật đánh cầu lông được viết trong các giáo trình song lại được chép vào luận văn. Có điểm nghiên cứu sinh đang cố gắng gán ghép các nội dung gượng ép.
Ông Vinh cho hay: “Đề tài này thể hiện khả năng đọc viết, trình độ học vấn cũng như tư duy của nghiên cứu sinh”.
Nhiều luận án tiến sĩ rất dở cả tên gọi lẫn nội dung
Đáng chú ý, đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh không những chưa xứng tầm với học vị tiến sĩ mà còn có vấn đề trong khâu kiểm duyệt.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, qua đề tài này cho thấy người hướng dẫn cũng không ổn. Bên cạnh đó, khâu kiểm duyệt và thẩm định đề tài ở Viện Khoa học Thể dục Thể thao đang có vấn đề.
Chuyên gia này cũng nhìn nhận, không chỉ riêng đề tài trên mà hiện nay, nhiều đề tài nghiên cứu tương tự như vậy. Trong đó, có nhiều đề tài không được công khai rộng rãi.
Từ khi giao quyền tự chủ cho một số trường, cơ sở nghiên cứu được tự chủ hướng dẫn nghiên cứu sinh thì có không ít cơ sở lợi dụng tính tự chủ, dễ dãi, buông lỏng chất lượng, vì lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm. Thế nên mới có chuyện làm nghiên cứu khoa học dễ hơn đi học nghề.
“Không phải riêng các cơ sở giáo dục đại học mà kể cả những tổ chức chính trị xã hội khác hiện nay cũng có luận án tiến sĩ rất dở cả tên gọi, nội dung, cả những kết quả đóng góp cho nền khoa học nước nhà.
Đào tạo người học thành nghiên cứu sinh là tốt nhưng phải là tiến sĩ thật, người học thật, người thầy hướng dẫn cũng phải thật. Nếu không giải quyết vấn đề giáo sư giả, tiến sĩ "fake" thì nền học thuật của Việt Nam sẽ mãi không phát triển”, ông Vinh bày tỏ quan điểm.
Như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin, luận án tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Đề tài thuộc chuyên ngành giáo dục học được công bố ngày 23/12/2021 tại Viện Khoa học thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).
Luận án được công bố trên luanvan.moet.edu.vn - một website chính thức của Bộ GDĐT đăng tải thông tin luận văn tốt nghiệp và luận án tiến sĩ của các cơ sở đào tạo.
Cán bộ hướng dẫn khoa học là GS.TS Lưu Quang Hiệp và PGS.TS Đặng Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh.
Được biết tác giả Đặng Hoàng Anh hiện công tác ở 1 trường đại học phía Bắc.