Nhiều nước có nguy cơ vỡ nợ trước sự thắt chặt chính sách của Fed
Giá dầu và thực phẩm tăng cao cùng xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed có thể đẩy các nước ở thế giới thứ ba vào cảnh vỡ nợ và phải bán các tài sản công cho các nhà đầu tư Mỹ.
Xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ hiện tại của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cũng như tình hình giá dầu và thực phẩm tăng cao, có thể đẩy các nước ở thế giới thứ ba vào cảnh vỡ nợ và phải bán các tài sản công cho các nhà đầu tư Mỹ.
Đó là nhận định của ông Michael Hudson, giáo sư kinh tế học của đại học University of Missouri ở Thành phố Kansas (Mỹ), đồng thời là Chủ tịch Viện nghiên cứu các xu hướng dài hạn (ISLET), trong cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin Tân Hoa xã.
Ông Hudson cho biết cán cân thanh toán của các nước châu Phi và Mỹ Latinh sắp rơi vào trạng thái thâm hụt do các dòng vốn đầu tư tháo chạy, cũng như giá dầu, thực phẩm tăng cao và nợ nước ngoài ngày càng nhiều.
Theo chuyên gia này, các nước đang phát triển có cán cân thanh toán ngày càng xấu đi có thể buộc phải bán lại các tài sản ở khu vực công, như cơ sở hạ tầng, các nguồn tài nguyên khoáng sản, đất đai… để có được các khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Bên cạnh đó, ông Hudson còn nhấn mạnh sự chênh lệch giàu nghèo đang gia tăng tại Mỹ.
Ông cho biết kể từ năm 2008, tiêu chuẩn sống tại Mỹ đã đi xuống và gần như toàn bộ sự tăng trưởng trong Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) và tài sản đều “đổ” về 1% dân số, và tình hình này sẽ còn gia tăng.
Theo ông, chương trình kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD từ khi dịch COVID-19 bùng phát đã đem lại lợi ích nhiều hơn cho 1% dân số Mỹ, các công ty độc quyền, ngành bất động sản và các công ty vốn tư nhân.