Lãng phí những không gian ngầm

Hoàng Chiến 07/05/2022 13:53

Sau thời gian dài hoạt động, nhiều không gian ngầm trong thành phố Hà Nội vẫn chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng. Nhiều nơi trở thành quán trà đá, chỗ để tập thể dục, thậm chí một số nơi bị người dân xả rác…

Nhiều hầm đi bộ được tận dụng làm nơi bán trà đá, tụ tập của những tài xế, xe ôm công nghệ.

“Tài nguyên” bị bỏ lỡ

Hiện thành phố Hà Nội có hơn 20 hầm dành cho người đi bộ qua các nút giao thông lớn. Được xây dựng và đi vào hoạt động từ một thập kỷ qua, thế nhưng những hầm bộ hành này dường như chỉ để “cho có” khi mà hiệu quả thực sự vẫn chưa được phát huy xứng tầm với chi phí đầu tư.

Qua thời gian dài hoạt động, một vài hầm bộ hành có dấu hiệu xuống cấp, nhếch nhác. Cá biệt, tại một số nơi còn xảy ra tình trạng người dân đem rác thải, phế liệu xây dựng đổ trộm trên mặt đường hầm. Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, một số hầm bộ hành đã trở thành nơi bán trà đá, bán hàng tự phát của người dân như khu vực gần Bến xe Mỹ Đình, nút giao ngã tư Phạm Hùng - Mễ Trì,…

Nơi đây cũng là địa điểm tập kết của nhiều tài xế, xe ôm công nghệ khiến lối đi gần như bị chặn lại. Không những vậy, nhiều người dân cho hay, buổi trưa nơi đây cũng là chỗ ngả lưng của các tài xế.

Dù được thiết kế dành cho người đi bộ để đảm bảo an toàn giao thông, song những hầm bộ hành này lại không hề phát huy được công năng của nó. Hầu hết người dân khi sang đường đã không đi xuống hầm bộ hành mà lao thẳng qua đường, vượt rào bất chấp nguy hiểm.

Em Nguyễn Thuý Hiền (sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, do di chuyển bằng xe buýt đến trường nên em thường xuyên đi qua hầm bộ hành để sang đường. Tuy nhiên, những hầm đi bộ mà Hiền đi hầu như rất ít người qua lại.

“Ban ngày những hầm đi bộ này cũng đã thiếu sáng chứ chưa nói đến buổi tối. Cộng thêm tình trạng vắng người nên em rất ngại vào hầm đi bộ. Bởi nếu có xảy ra cướp giật hay sự cố gì cũng chẳng biết kêu ai” - Hiền cho biết.

Không những vậy, một vài lần đi qua hầm đi bộ chứng kiến nhiều đối tượng biến thái hoạt động khiến Hiền cũng như nhiều bạn sinh viên cảm thấy e dè khi di chuyển qua đây vào buổi tối.

Sống ở khu vực gần hầm bộ hành trên đường Khuất Duy Tiến, ông Nguyễn Viết Thành (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) cho biết, từ nhiều năm nay, hầm bộ hành nơi đây như một công trình bỏ hoang bởi rất ít người qua lại.

“Hầu hết người dân đi luôn trên mặt đường cho nhanh chứ không đi xuống hầm. Chỉ có buổi sáng nhiều người cùng rủ nhau tập thể dục thì mới dám xuống” - ông Thành cho hay.

Có thể thấy, dù “ngốn” rất nhiều ngân sách nhà nước, song những hầm bộ hành trong lòng Thủ đô Hà Nội nhiều năm nay hoạt động chưa hiệu quả, nhiều nơi sử dụng sai mục đích gây lãng phí rất lớn. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm ở 20 quận, huyện với tổng diện tích trên 700 km2 với độ sâu tối đa 30 m. Trong đó, không gian ngầm bao gồm giao thông, bãi đỗ xe, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công trình công cộng...

Đây được đánh giá là một trong những bản quy hoạch được mong chờ nhất trong suốt hơn 10 năm qua của thành phố khi mà những không gian ngầm hiện nay vẫn còn mang tính nhất thời, cục bộ và chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi.

Một số hầm đi bộ trở thành điểm tập kết rác thải, phế liệu xây dựng.

Quản lý và khai thác ra sao?

Nói về câu chuyện quản lý và khai thác không gian ngầm của thành phố, TS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh, khi duyệt bất cứ công trình nào, cán bộ duyệt đều phải có chuyên môn nhất định, không để tình trạng duyệt trên giấy xong rồi để đó vì những lý do liên quan. Việc mất đến 10 năm để phê duyệt không gian ngầm đô thị đã là rất chậm, chưa tương xứng với tốc độ phát triển của thành phố, tuy nhiên muộn vẫn còn hơn không.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cũng đánh giá: “Rõ ràng, việc xây dựng và hoạt động của những không gian ngầm trong thành phố hiện nay chưa thực sự hiệu quả, chỉ mang tính cục bộ, chưa có sự liên kết nên không tạo được sức hút cho sự phát triển. Như hệ thống hầm đi bộ không được kết nối với hệ thống giao thông công cộng, nơi để xe… tạo nên một “khoảng trống” rất lớn, không phát huy đúng vai trò, công năng so với mức đầu tư hạ tầng”.

Đánh giá về bản quy hoạch xây dựng không gian ngầm của Hà Nội mới đây, ông Nghiêm cho rằng, bản quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm là bước đột phá trong quy hoạch của Hà Nội, có nhiều điểm mới nổi bật mang tính đồng bộ và tầm nhìn. Theo đó, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước có bản quy hoạch không gian ngầm trong toàn thành phố.

Cũng theo ông Nghiêm, việc nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm tại Hà Nội đã diễn ra cả chục năm nay, là một vấn đề hết sức phức tạp. Trong nghiên cứu về giao thông, chúng ta cũng đã tính đến quy hoạch các đường hầm, tổ chức giao thông thoát nước, đồng thời tạo nên các tuyến giao thông công cộng ngầm.

“Riêng trong bản quy hoạch lần này, có thể nói đã có tầm nhìn định hướng về sự phát triển đồng bộ, tổng thể với nhiều điểm mới. Đó là đổi mới ở việc phân chia từng khu vực phát triển. Việc phân loại, phân tầng từng cấp độ ngầm và phát triển hệ thống giao thông, không gian công cộng ngầm cũng được nghiên cứu và thể hiện rõ ràng trong quy hoạch” - ông Nghiêm đánh giá.

Trả lời câu hỏi làm sao để quản lý và khai thác hiệu qủa không gian ngầm, KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu quan điểm: Trước hết cần công bố rộng rãi, lập hồ sơ cụ thể để chuyển giao cho các ngành và nhà đầu tư được biết, qua đó ứng dụng vào các quy hoạch chi tiết. Việc làm này giúp các nhà quản lý, đặc biệt là chính quyền các địa phuơng dễ dàng kiểm soát quy hoạch.

Không những vậy, phải xây đựng đồng bộ những cơ chế, chính sách để khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư có thể thực hiện được. Bởi đây là một “mảnh đất” giàu tiềm năng để khai thác quỹ đất, ví dụ như những trung tâm không gian công cộng sẽ hình thành nên những khu vực ngầm rất lớn.

“Việc xây dựng và hoạt động của những không gian ngầm trong thành phố hiện nay chưa thực sự hiệu quả, chỉ mang tính cục bộ, chưa có sự liên kết nên không tạo được sức hút cho sự phát triển” - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam

Hoàng Chiến