Tập trung giải quyết vùng 'lõi nghèo'

Lê Bảo 07/05/2022 14:00

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH), việc triển khai giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 sẽ tập trung hỗ trợ người nghèo giải quyết những vấn đề quan trọng nhất như sinh kế, học nghề, chuyển giao công nghệ, việc làm, có thu nhập ổn định; đồng thời khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân.

Người dân xã Húc Động (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) từng bước thoát nghèo bền vững nhờ làm miến dong. Ảnh: La Lành.

Giảm nghèo đa chiều, bao trùm

Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025, ước tính tại thời điểm tháng 1/2022, cả nước có khoảng 14% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng với khoảng 3,8 triệu hộ; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 8% (2,2 triệu hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 6% (1,6 triệu hộ).

Với thực tế này, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được thiết kế với 7 dự án có tổng nguồn lực tối thiểu 75.000 tỷ đồng để tập trung thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1-1,5%/năm; giảm ít nhất 1/2 tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Trong số đó có 3 dự án tập trung giải quyết vùng “lõi nghèo”, gồm: hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa như hạ tầng giao thông, điện, dịch vụ viễn thông; phát triển giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các dự án còn lại thực hiện trên phạm vi cả nước, trong đó ưu tiên hỗ trợ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Chia sẻ về phương thức triển khai, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong đó, triển khai các mô hình, dự án giảm nghèo vùng lõi nghèo nhằm phát triển các vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; tạo sinh kế, việc làm, thu nhập cho người dân.

Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối với thị trường, với doanh nghiệp tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm đầu ra; ứng phó với dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Tập trung hỗ trợ người nghèo sinh sống trên địa bàn nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát…

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 mới đây, nhiều đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố khẳng định việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thay đổi căn bản diện mạo vùng nông thôn, nhất là những địa bàn khó khăn.

Các địa phương kiến nghị Trung ương sớm phân bổ nguồn vốn, các bộ, ngành sớm có văn bản hướng dẫn, tiêu chí cụ thể trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng, miền.

Hỗ trợ có điều kiện

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Quốc Phương, trong giai đoạn tới, địa phương, nhất là cấp cơ sở được phân cấp, trao quyền chủ động nhiều hơn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Các nguồn vốn thực hiện được lồng ghép thông qua việc sử dụng vốn của nhiều chương trình, dự án, hoạt động có cùng mục tiêu trên cùng địa bàn; khắc phục tình trạng đầu tư trùng lặp, dàn trải, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp được áp dụng quy chế đặc thù với quy trình đơn giản, thủ tục rút gọn.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ có điều kiện, một phần, người dân, các tổ chức cùng chia sẻ trách nhiệm trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xóa bỏ tư tưởng “trông chờ, ỷ lại”. Theo đánh giá với việc phân cấp, trao quyền tự chủ cho các địa phương quyết định phương thức triển khai sẽ là đòn bẩy để triển khai hiệu quả các chương trình, dự án để góp phần giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên theo các chuyên gia, muốn thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cần xác định rõ nguyên nhân gây nghèo đa chiều.

Thực tế nguyên nhân làm cho nghèo đa chiều thì nhiều, nhưng nguyên nhân khiến giảm nghèo khó bền vững do người dân thiếu sinh kế, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm dẫn đến thu nhập thiếu bền vững. Trong khi đó hiệu quả kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị kém, chưa giải quyết được vấn đề thiếu đất sản xuất, nhà ở…

Để triển khai giảm nghèo hiệu quả trong giai đoạn tới, ông Tô Đức - Chánh Văn phòng quốc gia giảm nghèo, Bộ LĐTB&XH cho rằng, cần phải xem đầu tư giảm nghèo là vấn đề kinh tế chuyển từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu. Theo đó phương thức hỗ trợ người nghèo phải chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo thông qua việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo.

Lê Bảo