Bìa sách - sứ giả của sản phẩm văn hóa
Chiều 8/5, triển lãm “Nghệ thuật bìa sách Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) giới thiệu 55 tác giả là các họa sĩ 3 miền hội tụ cùng 6 nhà xuất bản lớn tham gia. Nhân dịp này, họa sĩ Ngô Xuân Khôi - người thiết kế bìa sách “ăn khách” hiện nay có bài viết chia sẻ chuyện “bếp núc” về nghệ thuật thiết kế bìa sách.
1. Nếu có hai quyển sách nội dung hoàn toàn giống nhau, nhưng một trong hai cuốn có bìa đẹp hơn chắc chắn độc giả, khách mua sẽ chọn quyển có bìa đẹp. Có một câu chuyện thật là: hai nhà sách cùng làm quyển “Đại Việt sử ký toàn thư”, trong khi nhà sách có mẫu bìa đẹp sách bán tơi tới. Nhà sách có bìa xấu hơn gần như không bán được. Xót khoản vốn lớn đầu tư in bìa cứng hai tập dày, nhà sách có bìa xấu đã chấp nhận bóc bìa cũ, thuê họa sĩ có tay nghề cao làm bộ bìa mới. Kết quả vượt cả mong đợi.
Không nghi ngờ gì nữa, bìa sách ngày càng đóng vai trò quyết định không nhỏ với tư cách như sứ giả của sản phẩm văn hóa. Chúng ta đều biết rằng tín hiệu trên bìa sách đến với độc giả, đến với người xem bằng tốc độ của ánh sáng. Đây được xem là cấp độ đọc đầu tiên, nó có sức lôi cuốn, dẫn dụ độc giả đến với nội dung cuốn sách rất mạnh mẽ.
2. Hàng trăm năm trước, việc sử dụng bìa sách có chức năng như một thiết bị bảo vệ cho các trang in, cũng như liên kết các trang lại với nhau thông qua việc khâu chỉ hay gắn keo. Mục đích thẩm mỹ duy nhất của bìa sách là để trang trí cho sản phẩm tri thức, văn hóa được đú
c kết bằng trang viết, trang in. Ngày ấy, việc thiết kế bìa đã được những người làm sách xem xét, nhưng chúng không được thiết kế để tiếp thị cho nội dung tài liệu bên trong.
Khác xa buổi sơ khai ban đầu, bìa sách ngày nay được sử dụng như một công cụ hữu hiệu trong việc tiếp thị và giới thiệu, khơi mở sâu về nội dung cuốn sách. Ở mức tốt nhất, các trang bìa cung cấp một đoạn giới thiệu hấp dẫn về những gì sẽ xuất hiện trong các trang sách hoặc truyền tải phần cốt lõi, nhát cắt cơ bản của một câu chuyện được đề cập thông qua tín hiệu hình ảnh.
Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng mà người thiết kế nào cũng có khả năng đạt được. Vai trò của bìa sách ngày càng có sự chuyển đổi - chuyển từ một phương diện chỉ đơn thuần bảo vệ các trang bên trong, sang đảm nhiệm chức năng quảng cáo đồng thời truyền đạt nội dung bên trong cuốn sách.
Không nghi ngờ gì nữa, bìa sách ngày càng đóng vai trò quyết định không nhỏ với tư cách như sứ giả của sản phẩm văn hóa. Chúng ta đều biết rằng tín hiệu trên bìa sách đến với độc giả, đến với người xem bằng tốc độ của ánh sáng. Đây được xem là cấp độ đọc đầu tiên, nó có sức lôi cuốn, dẫn dụ độc giả đến với nội dung cuốn sách rất mạnh mẽ.
Trong thời đại hiện nay, ngành công nghiệp sách có cạnh tranh về mặt thương mại. Bìa sách đã được sử dụng như phương tiện thể hiện phong cách, thể loại và chủ đề của một cuốn sách. Và các nhà thiết kế vẫn đang cố gắng đẩy thiết kế đến giới hạn của nó với hy vọng thu hút được doanh số nhiều hơn.
Bìa sách đang đứng giữa ranh giới mong manh của một bên là nghệ thuật, là thẩm mỹ và bên kia là thương mại, là doanh thu. Đòi hỏi sự hài hòa giữa hai yếu tố này cũng là rất chính đáng.
Ngày nay, việc thiết kế bìa sách cũng có sự khác nhau giữa các quốc gia nó bị chi phối bởi thị hiếu, tập quán, phong tục và văn hoá của mỗi nước. Điều này dễ nhận biết nhất khi tới các hội chợ sách quốc tế thường niên tại Frankfurt (Đức). Sự phát triển của công nghệ, của internet, mạng xã hội đang ngày càng thu hẹp thị trường sách truyền thống.
Nhưng thiết kế bìa sách sẽ còn phát triển hơn nữa thông qua sự gia tăng và phát triển của Internet, của sách điện tử - bìa sách vẫn quan trọng như vậy, thiết kế bìa sách bây giờ thậm chí quan trọng hơn bao giờ hết vì một công cụ đa năng có thể bán sách trực tuyến cho một lượng lớn độc giả khắp nơi trên hành tinh.
Với đặc thù khác biệt với các loại hình mỹ thuật khác, bìa sách ngày càng cần có những họa sĩ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản chuyên sâu. Bìa sách là sự tổ hợp hài hoà của các yếu tố: chữ, hình ảnh, màu sắc, bố cục.
Trên một phạm vi hẹp chỉ vài trăm centimet vuông làm thế nào để chuyển tải nội dung, vừa hấp dẫn, tạo ấn tượng, vừa có sự khác biệt mà vẫn đảm bảo những giới hạn khắt khe vô hình của các định chế pháp luật, thuần phong mỹ tục là bài toán khó với những người làm thiết kế bìa.
Có một thực tế là nhiều họa sĩ ở ta hoặc là biết vẽ hình nhưng lại không làm chủ được công cụ máy tính để trình bày chữ. Hoặc ngược lại nhiều họa sĩ trẻ rất giỏi công nghệ, tài làm chữ nhưng khả năng tự chủ động làm hình lại kém. Có họa sĩ nổi tiếng làm nhiều bìa sách nhưng chủ yếu trốn hình hoặc chỉ sử dụng các hiệu ứng có sẵn trên phần mềm máy tính.
Theo quan sát của tôi, số họa sĩ vừa có khả năng tạo hình, vẽ trên máy tính vừa có thể trình bày chữ đẹp hoàn chỉnh một cái bìa là không nhiều. Từ ngày gia nhập sân chơi quốc tế thị trường sách của ta càng thử thách nghiệt ngã hơn. Đó cũng gần như là thời điểm chấm hết cho việc làm bìa bằng cách cắt dán họa báo rồi gắn chữ vào.
3. Để tìm câu trả lời cho câu hỏi: Thế nào là một bìa sách đẹp? Không có câu nào thỏa đáng cả. Người đọc thông thường sẽ nói: Trông ưng mắt là đẹp. Biên tập viên thì bảo: Phù hợp nội dung và trông hấp dẫn. Tác giả thì đòi hỏi: Phải phán ánh được tinh thần cuốn sách.
Có câu chuyện vui thế này: một họa sĩ cộng tác viên gửi file bìa đến nhà xuất bản. Khi mở file các chữ tên sách bị nhảy font. Biên tập viên reo lên: “Ôi, hay quá, rất sáng tạo, rất đặc biệt, bất ngờ”. Bìa ấy được duyệt, họa sĩ có giải thích thế nào cũng không xong. Nghệ thuật không có đáp án. Ranh giới giữa sự sáng tạo và “lỗi font” nhiều khi mảnh đến mức khó nhìn thấy.
Ngó ra bìa sách của các nước phát triển ta thấy vẫn kinh điển, chỉn chu, sang trọng và chủ yếu đẹp nơi chất liệu, cách gia công với công nghệ cao, chuẩn xác, tinh tế.
Ở ta hiện nay, các cơ sở đào tạo họa sĩ đồ họa nhiều nhưng chuyên sâu về thiết kế bìa sách hầu như chưa có. Ngay cả các nơi đào tạo này thì giáo trình, giáo án cũng không có, hoặc có cũng khá sơ sài. Bản thân các giảng viên cũng chỉ dạy về thẩm mỹ, bố cục, màu sắc chứ không phải là người có trải nghiệm thực tế của các công đoạn thiết kế, in ấn một bìa sách cụ thể.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành đồ họa ở các cơ đào tạo các sinh viên vẫn phải đào tạo lại mới có thể làm việc được. Các bài học và thực tế vẫn còn một khoảng cách khá xa. Đó chính là những yêu cầu tối thiểu về các tiêu chuẩn của một file thiết kế để có thể chuyển in, gồm: độ phân giải của hình ảnh, chế độ màu, kích thước phù hợp cho in và công nghệ sau in, là định lượng giấy, là khuôn khổ phù hợp cho máy in…
Trong thời gian học tập tại các trường thay vì đi thực tế ký họa nên có thời lượng nhất định để sinh viên đến thực tập tại các nhà xuất bản, các cơ sở in ấn để có những trải nghiệm trong chuỗi quy trình sáng tạo, biên tập, chế bản, in ấn, phát hành các sản phẩm.
Một thực tế đáng buồn ở ta là nhuận bút và thù lao cho họa sĩ thiết kế bìa vẫn ở mức quá thấp. Tôi vào mạng tìm hiểu thì các họa sĩ thiết kế bìa quốc tế có mức giá dao động từ 600, 700 đến 2.000, 3.000 USD/ bìa sách. Ngay nhà xuất bản nơi tôi công tác, có tác giả cũng đã chi trả cho họa sĩ người nước ngoài thiết kế bìa 1.000USD/1 bìa.
Sự nở rộ các nhà sách tư nhân thời gian gần đây làm cho thị trường sách ngày càng sôi động, đa dạng, phong phú nhưng cũng có sự cạnh tranh không kém phần khốc liệt. Việc tạo dựng diện mạo, bản sắc, phong cách riêng giữa các nhà xuất bản, các nhà sách cũng tự nhiên hình thành. Sẽ có sự sàng lọc, đào thải, sẽ có người rời cuộc chơi nhưng bìa sách chắc chắn đồng hành cùng văn hóa đọc dù ở hình thức nào.
Do đó, sự kiện lần đầu tiên Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Nghệ thuật bìa sách 2022” là một sáng kiến hay của Chi hội Đồ họa. Tin chắc rằng sau cuộc triển lãm này sự quan tâm của giới chuyên môn, của xã hội với đội ngũ họa sĩ, với công việc làm đẹp, làm hấp dẫn cho sản phẩm văn hóa, tri thức nhân loại được nâng lên tầm cao mới.