Bưu điện lạ đời và câu chuyện của những lá thư

BẢO THƯ 08/05/2022 11:37

Khá nhiều người trên khắp thế giới nộp đơn xin vào bưu điện ở Port Lockroy nằm trên đảo Goudier (Nam Cực) dù biết rằng sẽ chỉ làm một việc lạ đời là hàng ngày đếm chim cánh cụt. Nhưng, chỉ có 4 ứng viên được lựa chọn để đảm nhận công việc tại bưu điện xa xôi nhất thế giới này: “Bưu điện chim cánh cụt”.

“Bưu điện chim cánh cụt” ở Port Lockroy.

Bưu điện được xây dựng cách đây hơn 80 năm, do tổ chức Ủy ban Di sản Nam Cực (UKAHT, Anh) quản lý. Mỗi năm, UKAHT thuê 4 người làm việc tại đây từ tháng 11 đến tháng 3 với nhiệm vụ duy trì địa điểm lịch sử này và phục vụ số du khách ít ỏi đến bằng tàu/thuyền. Cùng đó họ còn có nhiệm vụ giám sát động vật hoang dã (chủ yếu là chim cánh cụt) và thu thập dữ liệu môi trường.

Người làm việc ở đây sẽ không có nước máy để sử dụng, không mạng internet và không điện thoại di động suốt 5 tháng. Họ cùng sống trong một ngôi nhà nhỏ, ngủ giường tầng, chung phòng tắm, nhà vệ sinh. Giám đốc điều hành UKAHT, bà Camilla Nichol, cho biết sống ở đây là điều khó khăn bởi phải túc trực 12 giờ mỗi ngày, không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn. Tuy rằng trên thực tế thì họ cũng không biết thư giãn ra sao ở Nam Cực lạnh lẽo.

Bà Nichol chia sẻ, dù vậy thì bưu điện ở Port Lockroy vẫn thu hút hàng trăm ứng viên nộp đơn xin việc hằng năm vào 4 vị trí tuyển dụng, bao gồm trưởng nhóm, quản lý và 2 trợ lý. Những người được chọn sẽ trải qua khóa đào tạo kéo dài 1 tuần ở thành phố Cambridge, sau đó tới Nam Cực vào tháng 10 và ở lại cho đến tháng 3 năm sau. Mức lương của họ dao động từ khoảng 1.600-2.300 USD/tháng. Hợp đồng kéo dài 6 tháng, bao gồm 1 tháng đào tạo.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát cuối năm 2019, “Bưu điện chim cánh cụt” đóng cửa đối với du khách và dự kiến mở cửa vào cuối tháng 5 này sau khi tuyển dụng đủ nhân viên.

Được biết, “Bưu điện chim cánh cụt” xử lý trung bình 80.000 thư mỗi năm, tất cả đều do du khách viết. Mỗi năm, nơi đây đón khoảng 18.000 du khách. Bà Lucy Dorman, từng làm trưởng nhóm tại Bưu điện Port Lockroy năm 2019-2020, chia sẻ bản thân bà cảm thấy rất “khác biệt” khi sống tại vùng đất băng giá.

Bà cho biết, tại đây không phải toàn bộ đều là tuyết và chim cánh cụt. Những trải nghiệm tổng thể sẽ mang lại một góc nhìn khác về thế giới và một góc nhìn mới về vai trò của chúng ta trên hành tinh này.

Tuy nhiên, trên Trái đất này không chỉ có “Bưu điện chim cánh cụt” ở Nam Cực là độc đáo khi mà cứ đến dịp lễ Tình nhân (ngày 14/2) hằng năm, khá nhiều người già lại tập trung tại bưu điện ở thị trấn Loveland (bang Colorado, Mỹ) để dán “tem tình yêu” lên thư.

Họ là những người tình nguyện và suốt trong 2 tuần liền tất bật với công việc trang trí lại hàng trăm ngàn lá thư tình yêu được gửi về từ khắp nơi trên thế giới. Nhờ vậy, rất nhiều người sẽ nhận được lá thư đóng dấu bưu điện rất đặc biệt. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã từng nhận được một lá thư có dấu tình yêu của bưu điện thị trấn Loveland.

Việc làm này bắt đầu cách đây khoảng 70 năm và được duy trì thường xuyên. Dù không được trả thù lao nhưng danh sách tình nguyện viên chờ làm công việc “yêu thương” này thường có 70 người, đều là những cụ ông, cụ bà tuổi đã cao.

Nhân câu chuyện này, người ta nhớ lại chuyện một cậu bé ở khu làng thuộc vùng Tomsk (Nga) đã viết thư gửi cho chị của mình. Tuy nhiên, bức thư này phải qua 40 năm mới đến được tay người nhận. Bức thư được gửi từ năm 1975, khi cậu bé còn là một cậu học sinh 8 tuổi. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, bức thư này mới được chuyển đến tay người chị sau hơn 40 năm.

Trong thư, cậu bé 8 tuổi đã kể với chị mình, 23 tuổi đang theo học tại thành phố Tomsk về việc học hành. Cậu xin chị gửi cho mình một chiếc compass (loại đồ dùng học tập) cậu rất cần nhưng không được bán tại ngôi làng cậu sinh sống.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên trên thế giới của việc thất lạc thư từ. Nhưng lá thư “trôi dạt” tới 40 năm mà vẫn không bị mất thì quả là hi hữu. Ngày nay, người ta ít gửi cho nhau những lá thư viết tay qua bưu điện nên câu chuyện trên lại càng trở nên đặc biệt.

BẢO THƯ