Nhiều luận án 'tiến sĩ cầu lông': Ấm ớ sao vẫn được duyệt?
Từ đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức TP Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh, các chuyên gia chỉ ra nhiều đề tài nghiên chưa xứng tầm, thậm chí là… ấm ớ.
“Luận án tiến sĩ trở thành hoạt động showbiz”
Đó là câu nói vui nhưng rất đáng suy ngẫm của GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam trước những ồn ào liên quan tới luận án tiến sĩ về đề tài “Nghiên cứu phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức TP Sơn La” những ngày vừa qua.
Nhận xét về đề tài này của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh, GS.TS Phạm Tất Dong thẳng thắn cho rằng, đây là một đề tài ấm ớ.
Từ luận án tiến sĩ trên, GS.TS Phạm Tất Dong chỉ ra hàng loạt các luận án tiến sĩ khác mà theo chuyên gia này là chưa đạt.
Chỉ trong một cuộc trao đổi ngắn với phóng viên, GS.TS Phạm Tất Dong chỉ ra có khoảng trên 30 đề tài nghiên cứu tương tự như những đề tài kể trên.
Đáng chú ý những đề tài này có tên gọi và cách thức, nội dung na ná nhau. GS.TS Phạm Tất Dong nhận định, những đề tài như thế này không thể gọi là công trình khoa học mà chỉ như một báo cáo tổng kết của một ngành, một địa phương.
Theo tìm hiểu, ngoài luận án “tiến sĩ cầu lông” của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh, tại chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GDĐT có tới gần 10 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ liên quan đến môn cầu lông ở các cơ sở đào tạo trên cả nước.
Trong đó, có một số đề tài có tiêu đề gần giống nhau như: “Nghiên cứu xây dựng chương trình và tổ chức tập luyện ngoại khóa môn cầu lông cho học sinh trung học phổ thông thành phố Tuyên Quang" của tác giả Nguyễn Mỹ Việt; đề tài “Nghiên cứu xây dựng chương trình tập luyện ngoại khóa môn cầu lông cho sinh viên Đại học khối các trường kỹ thuật thành phố Thái Nguyên" của tác giả Nguyễn Trường Giang...
Không phải đến nay những luận án như luận án “tiến sĩ cầu lông” mới khiến dư luận xôn xao. Nhiều năm nay, xã hội đã râm ran về các luận án tiến sĩ không giúp ích gì cho cuộc sống.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho hay, ông đã tìm đọc nhiều luận án tiến sĩ và phát hiện không ít đề tài giống nhau không chỉ ở tên gọi mà hướng xác định vấn đề cũng không phù hợp. Trong đó, nhiều luận án có dấu hiệu đạo văn.
“Không phải riêng các cơ sở giáo dục đại học mà kể cả những tổ chức chính trị xã hội khác hiện nay cũng có luận án tiến sĩ rất dở cả tên gọi, nội dung, cả những kết quả đóng góp cho nền khoa học nước nhà. Những đề tài nghiên cứu kiểu công nghiệp, sao chép, copy-paste cần được loại bỏ ngay lập tức”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Nỗi lo "tiến sĩ giấy"
Câu chuyện về những đề tài khoa học ấm ớ và gây cười đã tồn tại trong nhiều năm qua. Một phó giáo sư cho hay, nếu dành thời gian tìm hiểu, nhiều người sẽ rất bất ngờ đến “ngã ngửa” bởi những đề tài nghiên cứu có hàm lượng tri thức quá thấp.
Chuyên gia này cũng nhìn nhận, khi xu hướng đào tạo tiến sĩ trở nên “đại trà” thì đề tài nghiên cứu sẽ khan hiếm hơn, dẫn đến hiện tượng… gắn tên mới cho sản phẩm cũ. Vì thế mà xuất hiện nhiều đề tài dễ dãi, vô thưởng vô phạt.
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao những đề tài ấm ớ, có hàm lượng tri thức thấp lại được thông qua? Vấn đề ở đây không chỉ nằm ở nghiên cứu sinh mà là người hướng dẫn và cơ sở đào tạo.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân xuất hiện các đề tài chưa xứng tầm là do Quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2021 chỉ yêu cầu nghiên cứu sinh có công bố trong nước. Trước đó, khi thực hiện theo quy chế năm 2017, không có nhiều nghiên cứu sinh bảo vệ được luận án tiến sĩ do yêu cầu công bố quốc tế. Vì vậy, trước khi quy chế năm 2021 được thông qua, các chuyên gia đã cảnh báo nhiều đến hệ lụy lâu dài.
Là một giáo sư nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, đọc những đề tài như trên, GS.TS Phạm Tất Dong cho biết ông “vừa buồn cười vừa tức giận”, càng tức giận hơn khi những đề tài này dù ấm ớ, vớ vẩn nhưng vẫn được kiểm duyệt.
GS.TS Phạm Tất Dong chỉ ra 3 nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng này. Thứ nhất là do người làm nghiên cứu sinh hiểu sai lệch khái niệm thế nào là khoa học. Thứ 2 là trình độ của nghiên cứu sinh và người hướng dẫn đều có vấn đề, không phân biệt được thế nào là đề tài nghiên cứu khoa học, thế nào là báo cáo thường niên. Thứ 3 là bệnh thành tích trong cán bộ, công chức.
GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng: “Phong tiến sĩ như hiện nay sẽ làm hỏng cán bộ. Điều gì sẽ xảy ra khi những người này có thể giữ các vị trí lãnh đạo. Việc dễ dãi trong đào tạo tiến sĩ sẽ để lại hậu quả khủng khiếp”.
Thực tế, tỉ lệ giữa số lượng tiến sĩ và các phát minh, phát hiện khoa học cho thấy phần nào về chất lượng tiến sĩ hiện nay. Nói như TS Hoàng Ngọc Vinh, đào tạo người học thành nghiên cứu sinh là tốt nhưng phải là tiến sĩ thật, người học thật, người thầy hướng dẫn cũng phải thật. Nếu không giải quyết vấn đề giáo sư giả, tiến sĩ "fake" thì nền học thuật của Việt Nam sẽ mãi không phát triển.
Câu hỏi đặt ra, với nhiều vị trí việc làm, việc đòi hỏi cán bộ có trình độ tiến sĩ có lãng phí thời gian và tiền bạc hay không? Tại sao nhiều người bằng mọi cách trở thành tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư? Đại Đoàn Kết Online sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề này ở bài viết tiếp theo.
Tác giả Đặng Hoàng Anh đang công tác tại Trường Đại học Tây Bắc. Ngoài luận án tiến sĩ phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức TP Sơn La, TS Đặng Hoàng Anh còn sở hữu 2 công bố khác liên quan môn thể thao này.
Năm 2019, tác giả Đặng Hoàng Anh từng công bố nghiên cứu “Thực trạng phong trào cầu lông công nhân viên chức lao động” tại Hội thảo quốc tế Thái Bình Dương trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hội thảo này do Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh tổ chức.
Năm 2020, tác giả tiếp tục công bố nghiên cứu “Thực trạng nhu cầu, động cơ và hứng thú tập luyện cầu lông của đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La" trên Tạp chí Khoa học Đào tạo và Huấn luyện thể thao, (số 3). Tạp chí này do Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh biên soạn và phát hành.