Những con người chống chọi giữa đợt nắng nóng tồi tệ nhất thế giới
Khoảng 99 triệu người dân trên khắp thế giới đang phải gồng mình chống chọi giữa cái nóng kỷ lục "dường như không thể sống sót".
Một mùa hè "tận thế"
Mùa hè ở thành phố Jacobabad của Pakistan hàng năm đưa gần 200.000 cư dân rơi vào cuộc chiến cân bằng cuộc sống.
Giữa những đợt cắt điện không báo trước, mức nhiệt độ tăng vọt lên 49 độ C, thành phố này hiện đang là địa điểm nóng nhất trên thế giới, và theo quan điểm từ các chuyên gia, cái nóng thiêu đốt này đang thử thách sự sống còn của con người.
Haji Mashooq Kharani, một lao động tại một nhà máy xay gạo, nằm trong số hàng trăm con người thuộc tầng lớp lao động của thành phố phải làm việc ngoài trời để kiếm sống cho biết: “Cái nóng này hoàn toàn vượt quá sức chịu đựng của con người, nhưng đối với những người lao động như chúng tôi, không còn bất cứ lựa chọn nào khác”.
Kharani thường làm việc khoảng 14-15 giờ mỗi ngày, công việc chính là khuân vác những chiếc bao tải nặng tới 100 kg. Chính vì thế, đầu óc anh luôn quay cuồng với ý nghĩ tìm bóng râm để trú tạm hoặc nước lạnh để uống.
“Cái nóng này chính là một lời nguyền đối với chúng tôi”, anh nhấn mạnh. “Các công nhân ở đây thường xuyên ngất xỉu vì nắng nóng và trong một số trường hợp, họ sẽ tử vong”.
Trong vòng hai tháng qua, các đợt nắng nóng trải rộng khắp Nam Á đã ảnh hưởng đến khoảng 99 triệu người dân, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong khu vực, trực tiếp gây ra những lo lắng về tương lai.
Các chuyên gia nói rằng nhiệt độ tại khu vực Nam Á đang vượt quá "nhiệt độ bầu ướt", trong đó cơ thể người sẽ bắt đầu ngừng tiết mồ hôi và nóng lên theo cấp số nhân. Năm 2022, Ấn Độ đã chạm ngưỡng tháng 3 nóng nhất trong hơn 122 năm, trong khi đó, tháng 3 đối với Pakistan cũng là tháng nóng nhất trong hơn 60 năm.
Trong quá khứ, đợt nắng nóng hằng năm ở Pakistan đã khiến hàng trăm người thiệt mạng ở Karachi, thành phố cùng tỉnh với Jacobabad.
Theo Đại tá Ahmed Soomro, một cư dân của Jacobabad và là người đứng đầu khu vực của Viện chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận, mỗi một mùa hè tới tại quốc gia này, đã có rất nhiều người, đặc biệt là người nghèo - đổ bệnh và chết vì nắng nóng. Hiện tại, có nhiều hơn những cơn đột quỵ xảy ra do nắng nóng kéo dài trong khu vực.
Hệ quả từ biến đổi khí hậu
Tại Ấn Độ, nơi mức nhiệt độ đã lên tới 47 độ C, ít nhất 25 người đã thiệt mạng kể từ tháng 3 do nghi ngờ mắc các bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng.
Dữ liệu tương tự từ Pakistan hiện chưa có con số cụ thể. Nhưng khi cái giá phải trả của con người đối với "những đợt nắng nóng chưa từng có" xảy ra ngày một nhiều hơn, các chuyên gia đang liên kết thực tế này với hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Roxy Mathew Koll, một nhà khoa học khí hậu tại Viện Khí tượng Nhiệt đới Ấn Độ, nằm trong số nhiều chuyên gia đang kêu gọi sự chú ý của thế giới đến tác động nghiêm trọng từ khí thải carbon do con người tạo ra đối với các nước đang phát triển.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các nền kinh tế phía Nam toàn cầu hiện đang gánh chịu hậu quả "không tương xứng" từ lượng khí thải carbon chủ yếu đến từ các nước giàu nhất thế giới. Và ở những quốc gia này, những nhóm dân số dễ bị tổn thương phải đối mặt với những điều tồi tệ nhất.
Tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, ở các phần của nhánh sông dài nhất quốc gia, sông Yamuna, mọi thứ đã bắt đầu khô cạn, để lộ rác thải và bề mặt nứt nẻ trong khoảng thời gian gần đây. Những cư dân sống dọc theo các con sông nói rằng, họ lo lắng về cuộc sống trong những ngày tháng sắp tới.
“Trong hai tháng qua, chúng tôi cũng không có nước sinh hoạt và điện. Làm thế nào chúng tôi có thể đối phó với nắng nóng? Chúng tôi luôn phải đi bộ hàng trăm cây số chỉ để lấy nước cho các nhu cầu sinh hoạt cơ bản của con người như tắm và nấu ăn”.
Ít nhất 17.000 người dân tại Ấn Độ đã chết vì thực trạng nắng nóng khắc nghiệt trong suốt 50 năm qua. Nhưng con số thực tế có thể sẽ lớn hơn nhiều.
Cùng với nhau, Ấn Độ và Pakistan sở hữu lực lượng lao động lên tới gần 600 triệu người, và tất cả đều đang hằng ngày đối diện với nguy hiểm vì nắng nóng. Nhà khoa học Koll khẳng định, các đợt nắng nóng kéo dài sẽ làm giảm hiệu suất làm việc và tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến khí hậu.
Ông nhấn mạnh: “Hiệu suất công việc được dự báo sẽ giảm từ 30-40% ở Ấn Độ vào cuối thế kỷ này do mức độ căng thẳng nhiệt tăng cao”.
Theo lẽ, khi dân số tăng lên, áp lực về điện cũng sẽ tăng lên, dẫn đến tình trạng quá tải điện năng. Ấn Độ cũng đã báo cáo về tình trạng cắt điện trên toàn quốc trong đợt nắng nóng lịch sử tại quốc gia này.
“Một trong những tác động của cái nóng khắc nghiệt đó là nhu cầu sử dụng nhiều điện hơn và nhiên liệu hóa thạch để điều hòa không khí, dẫn đến nhiều khí thải hơn vào bầu khí quyển”, Koll cảnh báo. “Đây có thể là một vòng luẩn quẩn mà con người phải đối diện khi nhiệt độ chỉ ngày càng tăng cao”.
Trong khi đó, những người dân sinh sống tại khu vực Nam Á như Kharani lại phải chứng kiến cái nóng "như ngày tận thế" với mức nhiệt độ lên tới gần 50 độ C.
Ông lo ngại: “Con người sẽ không thể chịu được cái nóng này nhưng thực tế, chúng ta buộc phải thích nghi với khí hậu do chính con người bóp méo. Chúng tôi phải làm việc bất chấp điều đó vì sự sống còn của chúng tôi, để nuôi lớn những đứa trẻ của chúng tôi”.