Giải quyết các điểm 'nghẽn' trong đầu tư công
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho rằng việc giải quyết các điểm nghẽn về giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan so với năm 2021 nhưng vẫn chưa phù hợp so với thực tiễn đặt ra.
Ngày 8/5, tại Hội nghị lần thứ 12 Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nhằm cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để gửi tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chia sẻ rằng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đọc báo cáo và tập hợp ý kiến của Đoàn viên, thanh thiếu nhi cả nước cho thấy rất nhiều kiến nghị.
Qua tổng hợp ý kiến thấy nhiều vấn đề như: Việc làm cho thanh niên sau đại dịch, đặc biệt vấn đề bạo lực trẻ em gái, bạo lực trong gia đình và những vấn đề khác liên quan đến các mối quan tâm của thanh niên cũng được Trung ương Đoàn tổng hợp đầy đủ.
Về báo cáo tóm tắt gửi đến Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, việc phân cấp, phân quyền để đẩy mạnh kinh tế tư nhân, về cải cách thủ tục hành chính, cho thấy Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quyết tâm, đã có chương trình hành động cũng như ban hành các văn bản cải cách thủ tục hành chính với những yêu cầu, công việc cụ thể.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên 12,5%. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau Covid-19 và quyết tâm của Chính phủ và chính quyền các cấp khi thực hiện việc này cho thấy vấn đề cải cách thủ tục hành chính đã có những bước tiến mới.
Đề cập đến việc giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Anh Tuấn đề nghị xem lại tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Rõ ràng với việc thúc đẩy nhanh tiến độ của các công trình trọng điểm quốc gia, giải quyết các điểm nghẽn về giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan so với năm 2021 nhưng vẫn chưa phù hợp so với thực tiễn đặt ra.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, hiện nay, các Bộ, ngành đang thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, do đó, các Bộ, ngành cần chủ động hơn trong triển khai thực hiện vì hiện nay đồng bào các dân tộc đang rất mong chờ.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại một cách thận trọng việc dạy và học môn lịch sử và các chương trình giáo dục phổ thông; trong đó có việc đưa môn lịch sử vào làm môn học bắt buộc.
"Nếu xét ở nhiều khía cạnh thì nhiều nội dung chương trình học không đúng với tinh thần giáo dục hội nhập của Việt Nam với quốc tế. Chúng ta cần phải nhấn mạnh vai trò của môn học Lịch sử trong giáo dục", ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.