Trụ sở chính của FLC lại thuộc sở hữu của một ngân hàng
Tòa nhà tại 265 Cầu Giấy, Hà Nội - nơi FLC, Bamboo Airways đặt trụ sở - đã được sử dụng để cấn trừ toàn bộ nghĩa vụ trả nợ.
Ngày 6/5 vừa qua, tại quyết định ngày 24/3/2022, theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tập đoàn FLC đã công bố bổ sung 51 nghị quyết hội đồng quản trị về giao dịch với bên liên quan.
Một trong số những văn bản vừa được công bố là Nghị quyết HĐQT số 61B được ban hành vào ngày 9/11/2020 về việc sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Tập đoàn FLC và Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes để gán nợ thay thế cho nghĩa vụ trả nợ của Tập đoàn FLC, FLCHomes, Công ty CP Xây dựng FLC Faros (ROS), Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) và Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Tòa nhà tại 265 Cầu Giấy, Hà Nội - nơi FLC, Bamboo Airways đặt trụ sở - đã được sử dụng để cấn trừ toàn bộ nghĩa vụ trả nợ, bao gồm toàn bộ dư nợ gốc, lãi, dư nợ quá hạn (nếu có) của FLC, FLC Faros, FLCHomes, Bamboo Airways tại OCB. Tòa nhà này do FLC xây dựng từ năm 2015, tổng vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2019; gồm 38 tầng nổi, 4 tầng hầm, diện tích sử dụng hơn 100.000 m2.
Sau khi gán nợ, FLC thuê lại một phần tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại này từ chính OCB để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của tập đoàn và các bên thứ ba do FLC chỉ định.
Ngày 21/9/2020, HĐQT FLC cũng thông qua việc sử dụng thương phẩm hình thành trong tương lai của 3 tầng hầm, 6 tầng trung tâm thương mại (từ tầng 1 đến 6), khu tháp văn phòng (từ tầng 7 đến 17 và từ tầng 21 đến 38) ở 265 Cầu Giấy để đảm bảo nghĩa vụ tài chính cho Bamboo Airways tại OCB chi nhánh Thăng Long.
Đến 31/3, theo báo cáo tài chính hợp nhất, FLC ghi nhận khoản vay ngắn hạn khoảng 713 tỷ đồng tại OCB và 817 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho nhà băng này. FLC và OCB thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện từ đầu năm 2019.