Tuyển sinh đại học 2022: Chọn ngành trước, chọn trường sau
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các đơn vị phối hợp tổ chức diễn ra trong khuôn viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 8/5, PGS. TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT khẳng định cùng với các phương thức xét tuyển khác, năm nay các trường đại học (ĐH) vẫn dành chỉ tiêu chủ yếu cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp và xét học bạ. Do đó, cơ hội của thí sinh vẫn rất lớn.
Lo giảm chỉ tiêu với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT
Có mặt tại gian hàng tư vấn của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, em Bùi Mạnh Cường (học sinh lớp 12 Trường THPT Tiên Du, Bắc Ninh) cho biết, em muốn đăng ký vào ngành Kinh tế đầu tư của trường với học bạ 5 học kỳ đều là học sinh giỏi thì có được xét tuyển hay không? Cán bộ tư vấn tuyển sinh cho biết, năm 2022 nhà trường không có phương thức xét tuyển bằng học bạ, em có thể tham khảo các phương thức xét tuyển kết hợp khác như điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, kỳ thi riêng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chứng chỉ tiếng Anh… bên cạnh kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022. Tuy nhiên, để không bỏ lỡ cơ hội vào ĐH, em có thể cân nhắc nộp hồ vào nhiều trường có sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ ở các khối ngành tương tự.
Tại Ngày hội, vấn đề được nhiều thí sinh băn khoăn đặt câu hỏi đó là với hơn 20 phương thức xét tuyển, các trường dành rất ít chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều này khiến các thí sinh ở vùng nông thôn, những đối tượng chỉ có thể tiếp cận dễ dàng nhất với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp sẽ bị thiệt thòi.
Trả lời câu hỏi này, PGS. TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, những lo ngại về giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT là chưa chính xác. Đối với mùa tuyển sinh năm nay phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ vẫn là phương thức cơ bản, chủ yếu ở nhiều trường. Ông Điền cũng lưu ý các thí sinh ở khu vực nông thôn đã được cộng điểm ưu tiên khu vực do điều kiện học tập khó khăn hơn ở khu vực đô thị. Nếu các em mong muốn đăng ký vào các ngành “hot” sẽ phải chấp nhận sức cạnh tranh lớn hơn.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng cho biết, hầu hết các cơ sở giáo dục ĐH vẫn dành một tỷ lệ chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Số lượng chỉ tiêu dành cho phương thức này có thể giảm đi nhưng hầu hết chỉ dịch chuyển giữa 2 phương thức là sử dụng kết quả học bạ và điểm thi tốt nghiệp. Việc này sẽ không ảnh hưởng lớn đến những thí sinh ở khu vực nông thôn, khó khăn. Theo bà Thủy, các thí sinh ở thời điểm này cần giữ tâm thế thật tốt để sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng trước mắt. Với những thí sinh muốn thi vào trường top đầu thì mức độ cạnh tranh sẽ cao hơn, dù bằng phương thức nào đi chăng nữa.
Bám sát xu hướng ngành nghề, thị trường lao động
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Thế Hùng - Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, năm nay nhà trường bổ sung thêm việc xét tuyển dựa trên những chứng chỉ quốc tế như ITP, Alevel, iBT… Bên cạnh đó, Học viện bổ sung thêm 2 phương thức tuyển sinh mới đó là sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và kỳ thi đánh giá năng lực tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Ông Nguyễn Viết Thái - Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông, Trường ĐH Thương mại cho biết, năm nay nhà trường mở thêm 9 ngành mới mang định hướng nghề nghiệp và chuyển đổi số giúp sinh viên đáp ứng tốt nhu cầu việc làm của thị trường lao động. Bao gồm: Quản trị kinh doanh, Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; Quản trị khách sạn; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Marketing số…
Với việc đa dạng các phương thức xét tuyển cũng như rất nhiều chương trình học tập tiên tiến, chất lượng cao được các trường đưa ra, thí sinh cần cân nhắc việc chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân cũng như cơ hội việc làm trong tương lai.
TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đưa ra lời khuyên: Đầu tiên thí sinh phải xác định được bản thân mình mong muốn điều gì, năng lực của mình mạnh ở đâu. Sau đó, suy nghĩ về tương lai, hãy mạnh dạn mơ về việc sau này mình muốn làm tại một cơ quan, doanh nghiệp theo tính chất và mô hình như thế nào; đâu là nghề mình yêu thích nhất, từ đó mới đưa ra lựa chọn ngành học phù hợp.
“Xác định kỹ đâu là điểm mạnh và hạn chế của bản thân sẽ giúp các em lựa chọn được ngành nghề phù hợp. Ví dụ, em nào sợ độ cao không nên chọn ngành nghề phải làm ở trên cao; hay em nào sợ máu không nên chọn ngành nghề phải tiếp xúc nhiều với máu như nhóm ngành y; hoặc em nào bị dị ứng xăng dầu thì đừng chọn những ngành liên quan đến hóa chất xăng dầu, ví dụ như kỹ thuật ô tô. Một điểm quan trọng, các em nên chọn ngành trước khi chọn trường. Bởi lẽ, giờ đây các trường hầu hết đều đào tạo đa ngành, đa nghề. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể chọn được ngành nghề yêu thích tại một ngôi trường tốt nhất có thể và phù hợp với năng lực của bản thân” - TS Ngọc nói.