Người trẻ tìm về với nghệ thuật truyền thống

Ngọc Trang 09/05/2022 09:00

Sau một thời gian dài khó khăn chật vật trong thời kỳ hội nhập, các loại hình nghệ thuật truyền thống đang dần tìm lại chỗ đứng của mình nhờ vào sự “làm mới” của thế hệ người trẻ.

Niềm trăn trở giữa nhịp sống hiện đại

Văn hoá nghệ thuật truyền thống là tinh hoa của các giá trị dân tộc, cội nguồn từ bao đời nay. Đó là những hình thức nghệ thuật thị giác gắn liền với nền văn hoá nông nghiệp lúa nước, tái hiện và bám sát từng bối cảnh cuộc sống thường nhật của ông cha ta năm xưa. Ở Việt Nam, mỗi nơi đều có cho mình một loại hình nghệ thuật đặc sắc mang đậm dấu ấn vùng miền và bản sắc quê hương: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Nhã nhạc cung đình Huế hay ca trù, hát xẩm, trầu văn,… ở các tỉnh Bắc Bộ. Dù diễn ra dưới hình thức nào, những loại hình nghệ thuật dân gian này đã thực sự trở thành cầu nối giữa các thế hệ cha anh đi trước và thế hệ tương lai sau này - là lời thầm thì thủ thỉ để dù có quen với cuộc sống phồn vinh hiện đại thì các thế hệ sau này vẫn luôn nhớ về cuộc sống bần nông lam lũ nhưng chịu thương chịu khó, tảo tần nhưng thắm đượm tình người.

Nhìn vào thực tế, thời hoàng kim của nghệ thuật sân khấu truyền thống đã không còn nữa. Những sân khấu chèo kín người xem, những kép ca trù, hát ả đào với hàng trăm ánh mắt si mê của những người mộ điệu,… dường như chỉ là giấc mơ của quá khứ. Sự hội nhập và giao thoa trong bối cảnh “thế giới phẳng” và toàn cầu văn hoá đã thổi những làn gió mới vào đời sống người Việt, thay đổi phong cách ăn mặc, giải trí, quan tâm. Thập kỉ vừa qua chứng kiến sự khó khăn chật vật của nghệ thuật truyền thống khi cố gắng tìm lại tiếng nói cho riêng mình: bắt kịp với thời đại hơn, ứng dụng công nghệ và đẩy mạnh truyền thông,… và may mắn thay, sau những nỗ lực đó, lời ca của những kép hát, những sân khấu truyền thống đang dần trở lại, đi sâu vào lòng công chúng, đặc biệt là thế hệ người trẻ tuổi.

Phải nói rằng, sự trở mình đầy ngoạn mục của nghệ thuật truyền thống không phải chỉ có sự cố gắng từ các nhà hát và đơn vị nghệ thuật mà thành. Ấy là còn nhờ sự đón đợi và giang tay của các thế hệ người trẻ, khi họ chủ động tìm hiểu, yêu thích và dùng những cách rất mới lạ và năng động của mình để quảng bá và làm giàu trở lại vốn tinh hoa của cha ông xưa.

“Phá cách”, hiện đại để lan rộng cái truyền thống, lâu đời

Là thế hệ năng động, sáng tạo và tràn đầy ý chí học hỏi tìm tòi, người trẻ không những không ngó lơ những giá trị truyền thống mà dần càng trở nên mặn mà và hứng thú hơn với các nghệ thuật sân khấu như chèo, tuồng hay quan họ,… Từ sự thích thú đó, họ “làm mới” lại và thổi một làn gió mới của tuổi trẻ vào quảng bá và phổ rộng nghệ thuật dân tộc và “Trường Ca Kịch Viện” là một dự án trẻ như thế. Dự án là tâm huyết của các bạn học sinh THPT, sinh viên các trường đại học trong nước và quốc tế nhằm tạo ra một “bảo tàng” online lưu trữ những thông tin giá trị và đáng tin cậy về các loại hình văn hoá nghệ thuật dân tộc, về lịch sử, văn hoá, ẩm thực nước nhà. Dự án cũng thường xuyên tổ chức các triển lãm tranh ảnh trực tuyến, các sự kiện âm nhạc truyền thống và dân ca đương đại để người trẻ dễ dàng tiếp cận và yêu thích các loại hình văn hoá dân gian.

Bên cạnh “Trường Ca Kịch Viện”, dự án sách ảnh nghệ thuật “Gánh hát lưu diễn muôn phương” là một dự án vô cùng ý nghĩa được thực hiện bởi nhóm bạn trẻ, dẫn dắt bởi Hồ Phương Thảo – người con Vĩnh Long mang trong mình đam mê say đắm với văn hoá nghệ thuật dân tộc vào giữa năm 2021. Dự án nhằm giới thiệu 30 loại hình diễn xướng và lễ hội dân gian đặc sắc trên mọi miền đất nước qua lăng kính của những người trẻ tuổi, với góc nhìn mới mẻ và mang tính gợi hình cao. Cuốn sách có sự định hướng từ các nhà nghiên cứu, những người có chuyên môn và các nghệ sĩ tên tuổi, từ đó đảm bảo tính chính thống và thành công nhận được sự chào đón, yêu mến của công chúng khi ra đời.

Ngoài những dự án lớn trên, các loại hình nghệ thuật dân tộc cũng đã bắt rễ và len lỏi sâu vào các ngóc ngách của đời sống người trẻ. Nhiều quán cafe, cửa hàng mở ra những không gian riêng cho nghệ thuật truyền thống, trong đó có quán Đào – cocktail and tapas bar. Các chương trình như Đêm Ả Đào, Đêm Quan họ diễn ra vào mỗi chủ nhật hàng tuần với sự góp mặt của các liền anh liền chị có tiếng trong nghề, nơi họ sẽ biểu diễn và giải đáp những thắc mắc của người xem về các loại hình nghệ thuật này.

Xã hội phát triển đi lên và người trẻ vẫn có ý thức buộc mình vào sợi dây kéo các giá trị truyền thống cùng đồng hành tiến về phía trước. Nhờ sự chủ động và sáng tạo của họ mà các kép hát lại lần nữa đông đảo người xem và quan tâm, một lần nữa các giá trị cha ông lâu đời được hồi sinh và mong chờ đến một ngày sẽ trở lại đúng vị trí cố hữu trong lòng mỗi người con đất Việt.

Ngọc Trang