SEA Games 31: Cơ hội vàng quảng bá du lịch
SEA Games 31 được các chuyên gia đánh giá là cơ hội không thể tốt hơn để Việt Nam quảng bá văn hóa nói chung, du lịch nói riêng, sau thời gian dài Covid-19 bủa vây. Bởi vậy các địa phương cần chớp “cơ hội vàng” này. Nếu làm tốt, các đối tác và khách nước ngoài trải nghiệm sự an toàn, thuận lợi, hấp dẫn của điểm đến Việt Nam thì họ sẽ tin tưởng và quảng bá cho sự mở cửa, phục hồi của Việt Nam.
Đẩy nhanh quá trình phục hồi khách quốc tế
Theo giới chuyên gia, việc đăng cai SEA Games 31 nên được xem là cơ hội, là cú hích để du lịch Việt Nam quảng bá, giới thiệu hình ảnh, thu hút khách sau dịch Covid-19. Có thể thấy SEA Games 31 phục vụ hàng chục nghìn vận động viên, nhà báo, cổ động viên nước ngoài là rất quan trọng không chỉ với ngành thể thao mà với cả ngành du lịch. Đây chính là những người có thể quảng bá rất tốt cho hình ảnh du lịch Việt Nam.
Quan sát các địa phương trong thời gian gần đây, đặc biệt là 12 tỉnh, thành được chọn để tổ chức các môn thi đấu - trong đó Hà Nội diễn ra Lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31, đồng thời đăng cai 18 môn thi đấu - thấy sự chuyển động khá tích cực. Đặc biệt, du lịch kết hợp xem các môn thi đấu tại SEA Games 31 là một trong những điều thú vị mà các địa phương hướng tới, sẵn sàng mở cửa miễn phí để đón du khách đến xem và cổ vũ cho các đội tuyển.
Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Phó Trưởng Tiểu ban Thông tin - Truyền thông của Ban tổ chức SEA Games 31 cho biết: Cùng với công tác chuẩn bị cho SEA Games 31, Tổng cục Thể dục Thể thao cũng có kế hoạch quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam xuyên suốt thời gian diễn ra SEA Games, như trình chiếu hình ảnh du lịch tại lễ khai mạc, lễ bế mạc, lồng ghép hình ảnh điểm đến của Việt Nam vào các video clip trình chiếu hàng ngày ở các khách sạn lưu trú của vận động viên tham dự SEA Games, cùng với các ấn phẩm, tờ rơi về du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Thành phố tổ chức các hoạt động trước, trong và sau SEA Games 31, đặt mục tiêu đón và phục vụ từ 9 -10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế. Riêng đối với SEA Games 31, Hà Nội xác định, sự kiện này sẽ có tác động lớn đến ngành du lịch Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Đây là cơ hội rất thuận lợi để ngành du lịch Thủ đô làm nóng và đẩy nhanh quá trình phục hồi, đặc biệt đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Để có thể khai thác tối đa cơ hội thu hút khách từ các hoạt động của SEA Games 31.
TP Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện du lịch đặc sắc, hấp dẫn trong thời gian diễn ra SEA Games 31 như: Lễ hội Du lịch Hà Nội "Hà Nội - Đến để yêu" (từ ngày 13/5-15/5/2022), Liên hoan Ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội (từ ngày 18/5-22/5/2022)... Đây là chuỗi sự kiện giới thiệu, quảng bá đến các Đoàn vận động viên, các cổ động viên và đặc biệt là các phóng viên quốc tế về văn hóa, tiềm năng kinh tế, du lịch và mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước trong khu vực và thế giới. Thành phố ưu tiên tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu du lịch Thủ đô thông qua các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và kênh CNN quốc tế, các kênh truyền thông quốc tế khác, trang website, các nền tảng mạng xã hội (YouTube, Facebook…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Tuy vậy, việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam trong thời điểm này cũng đặt ra nhiều băn khoăn giữa “nói” và “làm” của một số địa phương, đặc biệt là sự phối hợp giữa các địa phương, các sở, ban, ngành.
PGS.TS Trần Đình Thiên: Cơ hội để du lịch nâng cao vị thế
Tôi nghĩ SEA Games 31 chỉ là yếu tố phụ nhưng không phải không quan trọng khi chúng ta tích hợp được vào thời cơ. Không có SEA Games, có lẽ Chính phủ vẫn quyết định mở cửa vào tháng 3 vừa qua vì điều kiện lúc này đã có nhiều sự chín muồi để có thể nói đây là quyết định đúng lúc, đáp ứng được yêu cầu cấp bách của việc mở cửa. Đúng lúc nhất là khi Việt Nam đã có độ an toàn, có quyền mở cửa, mời du khách đến đây với sự an toàn cao và sự sẵn sàng từ đất nước, doanh nghiệp cho đến người dân.
Việc mở cửa đón khách quốc tế trở lại là cơ hội Việt Nam thay đổi cấu trúc du lịch để nâng cao vị thế, tăng số lượng quốc gia được miễn thị thực. Hàng không và du lịch - hai ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch - là các ngành ủng hộ, thụ hưởng và chịu trách nhiệm việc này. Đây là cơ hội để hàng không và du lịch khôi phục lại vị thế, khi thế giới đang còn ngại ngần, lúng túng.
Dư luận gần đây quan tâm đến vụ việc 2 nữ du khách người Nga bị cướp 2 điện thoại ở khu phố cổ Hà Nội rạng sáng ngày 5/5. Theo tường trình của các du khách này, khi đi taxi, khi thấy điện thoại gần hết pin, hai du khách đã nhờ cắm xạc pin trên xe taxi. Sau đó, tài xế chở đến một địa chỉ để đổi tiền, khi hai vị khách xuống thì tài xế phóng đi mất. Hai nữ du khách vô cùng lo lắng, vì tất cả dữ liệu cá nhân, giấy tờ điện tử đều lưu trên đó. Điều tệ nữa, đây là ngày đầu tiên họ đặt chân đến Việt Nam. Khi vụ việc xảy ra, họ đã bày tỏ sự chán nản và muốn kết thúc sớm hành trình du lịch tại Việt Nam. Rất may sau đó, với sự hỗ trợ của người dân và bằng sự vào cuộc của công an, 2 chiếc điện thoại đã được bàn giao cho 2 vị khách Nga.
Trước đó cũng có không ít vụ việc như xe ôm, taxi, xích lô hét giá trên trời, hay cũng có không ít cửa hàng ẩm thực chặt chém du khách. Chị Nguyễn Ngọc Thoa - Việt kiều Anh cho biết: Về Việt Nam, cứ đi du lịch Hà Nội là chuốc bực dọc vào người bởi cách phục vụ nhiều khi chưa được nhiệt tình, rồi xe ôm cứ thấy khách lạ là tăng giá.
Đáng buồn, trong cuốn sách cung cấp thông tin du lịch "Lonely Planet" nổi tiếng thế giới. Trong đó dựa trên kinh nghiệm thực tế của những travel writer (người chuyên viết du dịch) từng đến Việt Nam, họ đã dành hẳn một chỉ dẫn cách mặc cả cho du khách khi đi xe ôm hay xích lô và cảnh báo nạn “hét giá” ở Việt Nam.
Có thể thấy, sau dịch bệnh Covid-19, chúng ta đang phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Campuchia trong việc xúc tiến các sản phẩm trọng tâm như du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch dựa vào nguồn lực tự nhiên... Nhưng có lẽ, du lịch Việt Nam vẫn chưa xác định rõ ưu thế của mình là gì, chưa thành công trong việc xây dựng một hình ảnh khác biệt về đất nước có nền văn hóa đa dạng và giàu bản sắc, các món ăn ngon, và người dân hiền hòa, hiếu khách, thân thiện. Nay ngành du lịch lại phải đối mặt với hàng loạt vấn nạn nêu trên, khiến hình ảnh Việt Nam ít nhiều mất hấp dẫn trong mắt quốc tế.
Bởi với du lịch, nhiều khi có nỗ lực bao nhiêu cũng chỉ cần những phản hồi và chia sẻ thiếu thiện cảm của du khách quốc tế trên một trang mạng xã hội nào đó cũng sẽ có tác động mạnh mẽ hơn cả những nỗ lực quảng bá của chúng ta.
Cùng với đó, những sản phẩm khiến du khách nhắc đến là nhớ cũng không nhiều ở Việt Nam, dù đã có rất nhiều các cuộc bàn thảo về vấn đề này. Trong SEA Games 31, linh vật biểu tượng được chọn là con sao la - món quà tặng cho vận động viên nhận huy chương, tuy nhiên liệu đó có đủ đa dạng, hấp dẫn để trở thành món quà mà du khách muốn mang về trong chuyến du lịch Việt Nam kỳ này? Rồi các sản phẩm du lịch của Việt Nam nhằm cạnh tranh với các nước trong du lịch. Giới chuyên gia cho rằng, du lịch Việt thiếu những sản phẩm đặc trưng mà người ta nhắc đến là nhớ. Ví dụ nhìn sang Thái Lan, cứ nhắc đến là khách du lịch nhớ Muay Thái, những ngôi chùa vàng, điệu múa truyền thống, ngôn ngữ, ẩm thực riêng. Nhưng để phát triển được sản phẩm từ di sản thì không thể thiếu truyền thông, xúc tiến. Một ví dụ là Discover Thainess, chiến dịch quảng bá của Thái Lan về lối sống và văn hóa, trong đó có cuộc thi "One and Only" để du khách trải nghiệm nói tiếng Thái, làm vòng hoa, tập Muay Thái...
Việt Nam là một trong số ít quốc gia có hàng chục di sản được UNESCO công nhận, ngoài ra là hơn 40.000 thắng cảnh, trong đó hơn 3.000 di tích cấp quốc gia, 5.000 di tích cấp tỉnh. Trong năm 2019-2020, Việt Nam được vinh danh "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới", bởi Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA)… Đó là hàng loạt minh chứng cho thấy nước ta có thể định vị thương hiệu và phát triển các sản phẩm du lịch liên quan di sản.
Một chuyên gia cho rằng, di sản là tài nguyên quý giá, có sức hấp dẫn du khách quốc tế và trong nước, để nhắc tới Việt Nam là nghĩ ngay đến di sản. Đặc biệt sau Covid-19, để thu hút khách chi trả cao thì du lịch di sản càng phù hợp vì khả năng kết nối với loại hình nghỉ dưỡng cao cấp, golf, chăm sóc sức khỏe...
Ông Đoàn Mạnh Phước - Giám đốc Công ty Nghiên cứu và tư vấn phát triển điểm đến du lịch Outbox cho rằng, điều mang tính chiến lược, đòi hỏi tính chuyên môn cao đấy là du lịch Việt Nam cần một định vị thương hiệu và từ đó tìm ra được những sản phẩm phù hợp. Các cơ quan quản lý du lịch Việt Nam cần có sự đầu tư và có quản lý chuyên nghiệp hơn đối với công tác truyền thông thương hiệu.
Đồng thời ông Phước cũng gợi mở, thị trường đang thay đổi hàng ngày, chúng ta sẽ phải sẵn sàng với các yêu cầu mới từ du khách, về truyền thông, sản phẩm và chất lượng dịch vụ. Không thể chỉ trông chờ vào tiềm năng sẵn có của đất nước. Chỉ khi giải quyết được các “tử huyệt” nội tại của ngành, du lịch Việt Nam mới đi được những bước dài sau mở cửa.
Mỗi người dân là một đại sứ du lịch
Trở lại với vụ 2 nữ du khách Nga bị cướp điện thoại mới đây, họ đã có những cảm xúc không tốt ngay từ ngày đầu tới Hà Nội. Theo kế hoạch, họ sẽ đi tiếp Quảng Ninh tham quan Vịnh Hạ Long và một số thắng cảnh khác. Nhưng khi bị mất điện thoại, họ từng suy nghĩ sẽ bỏ dở chuyến đi và kết thúc hành trình du lịch. Song khi nhận lại được điện thoại đã mất, nữ du khách tên Zhann đã đại diện cho người bạn đồng hành chia sẻ: “Chúng tôi không may gặp người xấu, nhưng những gì xảy ra ngay sau đó giúp chúng tôi thấy đây là một đất nước của những người tốt bụng. Ấn tượng ban đầu vẫn rất tích cực. Cảnh sát làm việc rất tốt và chúng tôi muốn cảm ơn họ rất nhiều”.
Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc của công an, thì trong trường hợp này, ngành văn hóa và du lịch cũng cần có những động thái hỗ trợ du khách. Chẳng hạn, Sở Du lịch Hà Nội có thể phối hợp với ngành du lịch Quảng Ninh hoặc một công ty lữ hành nào đó để giúp 2 vị khách nước ngoài này có thể thực hiện một chuyến trải nghiệm thú vị tại Việt Nam thì sẽ “xóa” bớt hình ảnh không tích cực vừa rồi, chứ không nên chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu “Hà Nội - Đến để yêu”.
Đứng trước một “cơ hội vàng” như SEA Games 31, mỗi địa phương và toàn ngành du lịch cần tự đổi mới, thích ứng, “nâng tầm” để phục vụ du khách tốt nhất. Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng nên là một đại sứ du lịch. Khi người dân tiếp xúc với du khách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của họ trong suốt chuyến hành trình. Chính vì vậy, thái độ của mỗi “vị đại sứ” đều rất quan trọng đối với việc xây dựng hình ảnh của địa phương. Hãy cảm thấy tự hào khi mình có cơ hội chia sẻ một phần văn hóa bản địa với khách du lịch. Luôn nở nụ cười thật tươi và sẵn sàng đưa ra sự trợ giúp cho họ. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội.
Ngành du lịch đang mở ra nhiều cơ hội tạo nguồn thu nhập khổng lồ và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Cả nước đang nỗ lực rất nhiều để xây dựng du lịch trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức trong cộng đồng, làm sao để người dân hiểu rằng mỗi người Việt Nam là một đại sứ du lịch, cần phải truyền đến du khách thông điệp sống tử tế, hạnh phúc là điều thực sự cần thiết. Như mới đây hình ảnh bà Collins Whitney, quốc tịch Mỹ nhận lại tài sản bị mất trong chuyến du lịch có trị giá gần 400 triệu đồng khi du lịch ở thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã mang lại sự tin tưởng cho du khách khi chọn điểm đến là Việt Nam.
Nhằm nỗ lực đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua sự kiện SEA Games 31, Tổng cục Du lịch vừa ra mắt video clip quảng bá du lịch mới nhất. Được biết, video clip mang tên “Let’s shine and live fully” nằm trong dự án chương trình truyền thông “Việt Nam: Đi để yêu!” chính thức được giới thiệu trên kênh YouTube của Tổng cục Du lịch. Theo đó, “Việt Nam: Đi để yêu! - Let’s shine and live fully” như một lời chào mời gửi đến các đoàn vận động viên, cổ động viên, du khách trong và ngoài nước cùng đến Việt Nam khám phá, tận hưởng, trải nghiệm và hòa mình vào không khí SEA Games 31. Video clip là những hình ảnh đẹp được ghi tại những điểm đến yêu thích nhất của Việt Nam như Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), Quy Nhơn (Bình Định)…