Mùa Phật đản với cộng đồng người Việt
Như một lẽ tự nhiên, người Việt ở đâu, chùa Việt được dựng lên ở đó. Tháng Tư âm lịch những ngôi chùa đều tổ chức các hoạt động mừng ngày Đức Phật đản sinh. Đó cũng là dịp diễn ra nhiều cuộc hội ngộ của cộng đồng người Việt.
Đại Lễ Phật đản năm nay đến sớm hơn với cộng đồng người Việt ở CHLB Đức khi ngày 1/5, chùa Phổ Đà tại thành phố Berlin đã tổ chức hoạt động mừng Đại lễ trong không khí trang trọng và ấm tình quê hương. Sau hai năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, hoạt động mừng Lễ Phật đản phải tạm dừng nên năm nay, bà con Phật tử gần xa trên toàn nước Đức hết sức hoan hỉ khi được về dưới mái chùa để cùng nhau chia sẻ.
Hòa thượng Thích Tịnh Quang - trụ trì chùa Khuông Việt ở Paris (Pháp) cùng Đại đức Thích Pháp Nhẫn - trụ trì chùa Phổ Đà, chủ trì buổi lễ. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đại biểu cùng phật tử đã cùng tham gia các nghi lễ Phật đản truyền thống, tụng kinh cầu nguyện cho quốc thái dân an và các nghi thức như: tắm Phật, dâng hương, dâng hoa, đản sinh… Ngoài các nghi lễ truyền thống, các phật tử cũng được nghe Hòa thượng Thích Tịnh Quang giảng giải về ý nghĩa của lễ Phật đản.
Cùng với giáo lý từ bi, hỷ xả của nhà Phật, trong bài thuyết giảng của mình, Hòa thượng Thích Tịnh Quang cũng gắn những câu chuyện đạo với đời, nhắc nhở mỗi người luôn luôn hướng về quê hương đất nước, biết thương yêu, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, sống hướng thiện, chân chính và cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Xen kẽ các nghi lễ là chương trình văn nghệ đặc sắc với những lời ca tiếng hát của các ca sĩ, nghệ sĩ cộng đồng. Ở châu Âu, nơi đại đa số người dân theo Công giáo hoặc Tin lành nhưng những sinh hoạt tâm linh ở một mái chùa Việt luôn khiến mọi người cảm thấy ấm lòng.
Ở đâu có cộng đồng người Việt, ở đó có chùa Việt. Ngôi chùa Việt đầu tiên ở châu Âu đã được dựng đầu thế kỷ 20. Ngôi chùa ấy là Hồng Hiên Tự, toạ lạc tại số 13 phố Henri Giraud, tỉnh Var, thuộc vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur. Hồng Hiên Tự nổi tiếng bởi nằm trong một vùng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Ngôi chùa nổi bật tam quan sơn đỏ và những bậc thang nối tiếp nhau dẫn lên đỉnh đồi nơi chùa tọa lạc.
Hai bên cầu thang là hàng tượng chư Phật như dõi theo bước chân khách hành hương đến vãn cảnh chùa. Khuôn viên chùa rộng tới 6.100 m2 với nhiều bức tượng Phật và các anh hùng dân tộc Việt Nam. Trong chùa hiện vẫn còn một đôi câu đối ra đời trăm năm trước, đó là: “Hồng Lạc linh căn phương Việt địa/ Hiên ngang hùng khí tráng Âu thiên”, với hàm nghĩa nhắc nhở cội nguồn dòng máu Lạc Hồng, hiên ngang ở trời Âu. Đó cũng là ý nghĩa tên gọi ngôi chùa. Hồng lấy từ “Lạc Hồng”, Hiên lấy từ từ “hiên ngang”.
Sau này, khi cộng đồng người Việt đến châu Âu sinh cơ, lập nghiệp ngày một nhiều hơn, thì dù ở Đức, ở Séc, Ba Lan, hay Hungary... địa bàn nào cũng có những ngôi chùa do bà con xây dựng. Nước Pháp là nơi nhiều người Việt định cư, có lẽ cũng là quốc gia có nhiều chùa Việt nhất. Riêng ở Paris và vùng phụ cận đã có những ngôi chùa như: Hoa Nghiêm, Linh Sơn, Khánh An, Khuông Việt, Tịnh Tâm… hay Trúc Lâm Thiền viện. Trúc Lâm Thiền viện không chỉ thu hút cộng đồng người Việt mà nhiều người Pháp ở Thủ đô Paris cũng hay lui tới.
Bà Phạm Bích Ngọc định cư ở Pháp hơn 30 năm, cho biết: “Năm nào cũng vậy, theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mỗi dịp Tết đến Xuân về, ngày rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, lễ Phật đản, tôi thường đến chùa lễ phật để cầu được bình an, sức khỏe, tài lộc cho mình, cho các thành viên trong gia đình và để được hòa mình vào chốn tâm linh, giúp tinh thần được thanh tịnh và thoải mái”.
Tại Ba Lan, những ngôi chùa được nhiều người biết đến là chùa Nhân Hoà, chùa Thiên Phúc. Trong đó, chùa Nhân Hòa do cộng đồng người Việt tại Ba Lan chung tay xây dựng vào năm 2014, còn có tên gọi chính thức là Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Ba Lan, thuộc Hội người Việt Nam tại Ba Lan. Chùa Nhân Hòa tuy được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu hiện đại như gạch, bê-tông nhưng đem lại cảm giác gần gũi, ấm áp khi mang phong cách kiến trúc Việt. Từ xa, ngôi chùa đã khiến nhiều người chú ý với những đầu đao cong vút.
Còn tại Cộng hoà Séc là nơi có cộng đồng người Việt khá lớn.Đặc biệt, cộng đồng người Việt hiện đã được chính quyền công nhận là một dân tộc thiểu số tại Séc, do đó, việc sinh hoạt tôn giáo, giữ gìn bản sắc văn hoá càng trở nên thuận lợi. Trong số những ngôi chùa Việt tại Séc, chùa Vĩnh Nghiêm chính là công trình có quy mô lớn nhất, do Tổ đình Vĩnh Nghiêm (TPHCM) làm chủ đầu tư. Ngôi chùa được xây dựng trên khuôn viên có tổng diện tích khoảng 6.000m2, Trung tâm văn hóa Phật giáo bao gồm gian chính điện chùa Vĩnh Nghiêm, dãy Tăng xá (nơi ở của các chư tăng), Văn phòng, Nhà khách, Nhà lưu niệm và một số công trình phụ trợ khác... Tại những ngôi chùa Việt, những nền nếp sinh hoạt quen thuộc được cộng đồng đưa tới, khiến ngôi chùa thực sự trở thành chốn tâm linh không thể thiếu của cộng đồng.
Không chỉ ở những quốc gia cộng đồng người Việt đã gắn bó lâu đời, những quốc gia mà người Việt ở đó là một công đồng “trẻ” thì các ngôi chùa Việt vẫn lần lượt được xây cất. Điển hình trong số đó là tại nước Bỉ. Cộng đồng người Việt tại đây có 13.000 người đã chung tay xây dựng được hai ngôi chùa.
Tuy không có được kiến trúc truyền thống do được cải tạo từ một khu nhà ở, nhưng suốt những năm qua, chùa Hoa Nghiêm là nơi sinh hoạt tâm linh quen thuộc của người Việt ở Thủ đô Brussels. Chùa là nơi tổ chức nhiều hoạt động yêu nước như ủng hộ đồng bào lũ lụt, ủng hộ máy móc, thiết bị phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho một số bệnh viện tỉnh thành trong nước.
Trong chuyến công tác Phật sự châu Âu của đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới đây, Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn chú trọng lan tỏa văn hóa Phật giáo Việt Nam ra nước ngoài để chính quyền và người dân nước sở tại nhìn nhận đúng đắn về vị thế và nền văn hóa của Việt Nam.
Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có các Hội Phật tử, Trung tâm văn hóa Phật giáo của cộng đồng người Việt Nam ở 33 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hằng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều tổ chức nhiều đoàn hoằng pháp đi thăm các nước, thuyết giảng Phật pháp và tổ chức các lễ cầu an, Tết cổ truyền của dân tộc, Lễ Phật đản, Lễ Vu lan phục vụ bà con Việt kiều tại các Trung tâm văn hóa Phật giáo tại các nước; mở các lớp dạy tiếng Việt cho các thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt tại các nước...
Hơn một thế kỷ trôi qua kể từ khi ngôi chùa Việt đầu tiên được dựng trên đất Pháp, hành trình dựng chùa Việt nơi đất khách vẫn đang được cộng đồng tiếp tục khi mới đây nhất chùa Đồng Tâm, công trình thuộc Hội văn hóa Phật giáo Việt Nam tại thành phố Erfurt, CHLB Đức đã tổ chức Lễ đặt đá xây dựng vào tháng 4/2022. Đây là ngôi chùa với kiến trúc Việt Nam sẽ là điểm du lịch tâm linh cho bạn bè quốc tế và bà con yêu mến Văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có các Hội Phật tử, Trung tâm văn hóa Phật giáo của cộng đồng người Việt Nam ở 33 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hằng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều tổ chức nhiều đoàn hoằng pháp đi thăm các nước, thuyết giảng Phật pháp và tổ chức các lễ cầu an, Tết cổ truyền của dân tộc, Lễ Phật đản, Lễ Vu lan phục vụ bà con Việt kiều tại các Trung tâm văn hóa Phật giáo tại các nước; mở các lớp dạy tiếng Việt cho các thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt tại các nước...