Nhà văn Phong Điệp: Tôi bất ngờ về khả năng sáng tạo không giới hạn của các bạn nhỏ
Đã 12 năm ngồi ghế Giám khảo ở các cuộc thi viết thư quốc tế UPU dành cho học sinh lứa tuổi từ 9-15 tuổi trên toàn quốc, nhà văn Phong Điệp bày tỏ:
- Đây thực sự là một diễn đàn ý nghĩa dành cho các em học sinh. Bởi ở đây các em được trình bày suy nghĩ, ý kiến, thậm chí đưa ra các ý tưởng, đề xuất của mình cho các vấn đề lớn của nhân loại. Nghĩa là ở “sân chơi” này, tiếng nói của các em được lắng nghe, các em có cơ hội thể hiện sự hiểu biết cũng như trách nhiệm của bản thân trước các vấn đề lớn của toàn cầu.
Trẻ em đang sống trong thế giới này, và các em cần có tiếng nói đối với thế giới mình đang sống để góp phần giúp cho thế giới ấy ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Vì vậy, mặc dù ngồi ghế giám khảo của cuộc thi quốc tế UPU từ năm 2010 đến nay nhưng năm nào tôi cũng háo hức, hồi hộp mong chờ được đọc những bài viết của các em.
Mỗi năm, Ban tổ chức đều đưa ra chủ đề cuộc thi rất “mở”. Chẳng hạn, cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 50 có chủ đề: "Hãy viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid-19", và lần thứ 51, chủ đề là: “Em hãy viết thư gửi một người có tầm ảnh hưởng để trình bày lý do và cách thức họ cần hành động trước khủng hoảng khí hậu”. Trong góc nhìn của nhà văn, chị đánh giá gì về cách ra đề này?
- Đây là cách ra đề rất hay. Không ít người lớn vẫn có quan niệm “trẻ con thì biết gì về các vấn đề quốc gia đại sự mà nêu ý kiến”. Với cách nghĩ như vậy, chúng ta đang đánh mất đi cơ hội của chính mình, là được lắng nghe tiếng nói của trẻ em. Khi trực tiếp đọc các lá thư mà học sinh cả nước gửi về dự thi, tôi thực sự rất nể phục các em. Các em thể hiện sự nghiêm túc, thể hiện ý thức trách nhiệm của những công dân nhỏ tuổi đối với những vấn đề diễn ra xung quanh mình. Ai nói khủng hoảng khí hậu không ảnh hưởng đến trẻ em? Ai nói sự hiểu biết về AIDS và tự bảo vệ mình trước căn bệnh này là không quan trọng với trẻ em?
Vậy nên giúp các em có ý thức từ sớm về các vấn đề của xã hội, để rồi nhìn nhận ra những việc mình nên làm, cần làm, thậm chí mạnh dạn đưa ra những đề xuất để giúp thay đổi các vấn đề xã hội ngày càng tốt hơn là vô cùng cần thiết. Và nếu duy trì thường xuyên, có những biện pháp khích lệ, động viên các em tham gia trình bày suy nghĩ, phát biểu ý kiến, đóng góp ý tưởng thì chắc chắn chúng ta sẽ được lắng nghe những ý kiến có giá trị, đồng thời qua đó sẽ giúp các em thể hiện vai trò “chủ nhân tương lai của đất nước” một cách thiết thực, hiệu quả, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Biết đâu từ những ý tưởng đơn sơ được khởi tạo từ những bức thư nhỏ bé hôm nay, chúng ta sẽ có những nhà lãnh đạo, những chuyên gia xuất sắc… trong tương lai?
Từ trải nghiệm trực tiếp của mình thông qua việc tiếp cận các bài thi, theo chị, cách thức ra đề như vậy, là gây khó cho học sinh Việt Nam hay đã kích thích được sự sáng tạo, năng lực vượt trội của học sinh?
- Quả thực nhiều đề thi Ban giám khảo chúng tôi đánh giá là đầy thách thức đối với các em. Chúng tôi lo các em sẽ lúng túng, không tìm được cách tiếp cận. Thế nhưng chính các em, thông qua những bài viết của mình, thuyết phục ngược chúng tôi rằng: các em sẵn sàng và có đầy đủ khả năng vượt qua những thử thách như vậy. Hãy trao cơ hội cho các em!
Qua mỗi cuộc thi, mỗi lần đương đầu với các đề tài hóc búa là một lần các em được rèn luyện tư duy, bản lĩnh, sự sáng tạo của bản thân. Và cá nhân tôi thực sự bị các em chinh phục.
Thế nhưng, từ bên ngoài, tôi quan sát cuộc thi UPU qua nhiều năm vẫn thấy có hiện tượng mang tính phong trào ở một số nhà trường, khi yêu cầu học sinh nhiều khối lớp phải tham gia. Nghĩa là không còn tự nguyện nữa. Điều này kéo theo lại có chuyện “thư mẫu” truyền file trong các nhóm phụ huynh, rồi trên mạng internet cũng có những bức thư mẫu kiểu này. Khi chấm chọn các cuộc thi viết thư UPU tại Việt Nam, hẳn chị cũng nhận thấy điều này và điều đó, được các giám khảo “ứng xử” ra sao?
- Các bài sao chép trên mạng, copy văn mẫu, làm quấy quá,… chắc chắn sẽ bị Ban giáo khảo loại ngay tắp tự. Chúng tôi cần suy nghĩ, ý kiến, cảm xúc của chính các em chứ không cần những bài thi có tính chất “trả bài”, cho có.
Tôi cũng chia sẻ với nhiều trường học, vì mong muốn học sinh quan tâm, tham gia cuộc thi ý nghĩa này nên bên cạnh việc vận động, khuyến khích các em tham gia thì cũng có những cách làm hơi cứng nhắc, như đòi hỏi 100% học sinh tham gia, khiến các em thấy sợ, thấy kém hào hứng và chất lượng các bài dự thi vì vậy cũng bị ảnh hưởng. Để các em tham gia tự nguyện, tham gia nhiệt tình với cuộc thi này các thầy cô giáo cùng với nhà trường cần có cách tuyên truyền vận động khác hiệu quả hơn.
Ví dụ như đề thi năm nay, có thể tổ chức những buổi học ngoại khóa tìm hiểu về khủng hoảng khí hậu. Các em hiểu gì về điều này và theo các em chúng ta cần phải làm gì. Từ sự khơi gợi như vậy, tôi tin các em sẽ hứng thú với cuộc thi viết thư UPU quốc tế. Và không chỉ riêng với cuộc thi này mà với các môn học khác, chúng ta cũng cần có những cách thức để khơi gợi sự sáng tạo, sự hào hứng của các em, giúp các em hăng say học tập, tìm hiểu.
Trở lại với những đề thi cởi mở như ở các cuộc thi UPU đưa ra, khi chấm, điều khiến chị bất ngờ nhất là gì?
- Đó chính là khả năng sáng tạo không giới hạn của các bạn nhỏ. Cá nhân tôi luôn ngỡ ngàng, nể phục những ý tưởng rất mới mẻ, đầy bất ngờ của các em. Ví như người hùng của các em là tầng ôzon thay vì những con người cụ thể mà chúng ta có thể hình dung ra được. Và người hùng đặc biệt này cũng được các em mô tả vô cùng sinh động, cuốn hút.
Chị đánh giá như thế nào về tác giả và những bức thư đoạt giải nhất trong vòng 2 năm nay?
- Chất lượng các bài dự thi ngày càng được nâng cao, khá đồng đều. Chênh lệnh giữa các bài đoạt giải cao không nhiều. Tuy nhiên cá nhân tôi đánh giá trong 2 năm qua tôi vẫn chưa thấy bức thư nào khiến mình phải trầm trồ xuýt xoa không ngớt. Tôi thực sự mong chờ những bức thư như vậy, những bức thư mà 10, 15 năm sau mình vẫn còn nhớ đến nó, nhớ đến cảm xúc đặc biệt mà bức thư mang lại cho mình. Đây là một đòi hỏi rất khó, nhưng tôi tin mình sẽ gặp được những bức thư như vậy.
Cảm ơn chị về cuộc trao đổi!