Người lao động thời 'hậu Covid'
Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thời gian làm việc, doanh thu của người sử dụng lao động cũng như thu nhập của người lao động. Quyền lợi của người lao động tại nhiều doanh nghiệp không được bảo đảm.
Người lao động thiệt thòi
Đại diện Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho hay, năm 2021, thành phố xảy ra 7 vụ tranh chấp lao động ngừng việc tập thể với 3.696 người. Trong đó có 3 vụ tranh chấp lao động xảy ra tại doanh nghiệp (DN) trong nước và 4 vụ xảy ra tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Đơn cử, vụ tranh chấp lao động xảy ra tại Công ty TNHH May thời trang Gia Phú 2 (quận Tân Phú). Vụ việc bắt đầu từ đầu năm 2020, khi cơ sở 2 của Công ty May thời trang Gia Phú thông báo di dời cơ sở sản xuất với lý do không tiếp tục thuê được mặt bằng cơ sở.
Một số công nhân có phản ứng, DN đã biết trước thời điểm chấm dứt hợp đồng thuê xưởng, mà không thông báo với công nhân theo quy định luật pháp, nên yêu cầu DN phải bồi thường tiền nghỉ việc đột ngột cho công nhân. Lúc này, Giám đốc công ty đang ở nước ngoài, đại diện DN không đồng ý.
Vụ việc mở rộng với yêu cầu của toàn thể công nhân về vấn đề hứa thưởng thâm niên của công ty bị hủy trước đó vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý cùng với đơn giá công may bị công ty tự tiện cắt giảm. Do chủ DN không giải quyết các yêu cầu, tập thể công nhân ngưng làm và ngăn chận không cho di chuyển dọn đồ đạc ra khỏi công ty.
Cũng về tranh chấp lao động, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Phó chánh thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP HCM cho biết, so với các năm trước, trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, việc chấp hành đúng các quy định pháp luật lao động trên địa bàn thành phố có phần khó khăn. Trong đó, có sự tác động của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thời gian làm việc, doanh thu của chủ sử dựng lao động và thu nhập của người lao động.
Vẫn theo bà Thục, năm 2021, Thanh tra Sở tiếp nhận, xử lý và giải quyết 390 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người lao động. Các đơn khiếu nại chủ yếu tập trung khiếu nại việc DN vi phạm hợp đồng lao động; không trả đủ tiền lương; trả lương không đúng hạn; tiền lương làm thêm giờ không đúng; không tham gia bảo hiểm xã hội, nợ bảo hiểm xã hội dẫn đến không làm thủ tục chốt sổ, không hoàn tất được hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM cho rằng, việc nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Nhiều DN tạm ngưng hoạt động, phá sản, giải thể nên mất khả năng tài chính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Bà Dung cho biết, tính đến ngày 31/3, số nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc của các DN là 4.058,86 tỷ đồng. Ngoài ra, do tác động của dịch Covid-19, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 2.241 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu từ phía doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Bình Chánh, tranh chấp lao động tập thể thường xuất phát từ tranh chấp lao động cá nhân. Nguyên nhân chủ yếu là do DN vi phạm quyền lợi của người lao động.
Nhằm khắc phục tình trạng này, Liên đoàn Lao động huyện đã phối hợp với các bên để tập huấn, tuyên tuyền cho người sử dụng lao động. Tuy nhiên, chủ DN thường vắng mặt và cử nhân viên tham gia. Vì vậy, khi kiểm tra vẫn phát hiện sai phạm.
Ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM cho hay, tranh chấp lao động xảy ra, lỗi chủ yếu là người sử dụng lao động. Do việc thực hiện các chế độ phúc lợi chưa hài hòa nên tiềm ẩn tranh chấp lao động. Ông Tâm khẳng định, công đoàn cơ sở phải phát huy vai trò cầu nối để tháo gỡ vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng.
Thanh tra Sở LĐTBXH TP HCM cũng cho rằng đa phần chủ DN vi phạm hợp đồng lao động nên mới xảy ra tranh chấp lao động. Một số DN vi phạm vì lý do kinh tế, do dịch Covid-19 không có khả năng thực hiện nghĩa vụ, như: việc trả lương, tham gia bảo hiểm xã hội, chi trả các chế độ, cắt giảm thời gian làm việc, ngày công... dẫn đến khiếu nại, tranh chấp.
Trong khi đó người lao động lại không biết “gõ cửa” cơ quan nào dẫn đến đình công, lãn công, khiếu nại vượt cấp, tố cáo không đúng nơi giải quyết.
Hạn chế tình trạng tranh chấp lao động xảy ra, theo đại diện Sở LĐTBXH TP HCM, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ và xử lý vi phạm việc thực hiện pháp luật lao động tại các DN. Công đoàn cơ sở phải giải thích chính sách về tiền lương, tiền thưởng, các phúc lợi khác cho người lao động; nhắc nhở, cảnh báo các vi phạm của DN đối với người lao động. Công đoàn cấp trên thường xuyên giám sát, theo dõi, đề xuất thanh tra, xử lý DN vi phạm đối với người lao động.