Cẩn trọng với thú nuôi 'độc, lạ'
Không thỏa mãn với một số loài vật nuôi trong nhà thông thương như chó, mèo, chim..., không ít người đã tìm tới những loài vật nuôi độc, lạ vì sở thích cũng như chứng tỏ "đẳng cấp" như nhện, tắc kè, rắn, cu li... và trào lưu này đang dần phổ biến qua nhiều năm. Tuy nhiên, trong số này, không ít loài vật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cơ sở y tế này vừa tiếp nhận bệnh nhi là một bé trai 13 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng bị rắn độc cắn nguy hiểm tới tính mạng.
Mẹ bệnh nhi chia sẻ, con trai chị rất thích nuôi động vật và thỉnh thoảng tìm hiểu về các loài động vật trên mạng. Trước khi nhập viện 2 tuần, bé giấu người nhà tự đặt mua trên mạng 3 con rắn lục về nhà nuôi.
Khoảng 15h30 ngày 3/5/2022 khi trẻ thay chuồng cho rắn trong phòng riêng của mình, quá trình di chuyển rắn, bé có dùng que sắt gắp rắn sang hộp khác, tuy nhiên trong lúc đóng hộp nuôi rắn lại thì bị rắn cắn vào ngón tay trỏ.
Sau tai nạn, bé chạy ra báo người nhà và được người nhà chạy vào phòng kiểm tra, thì tá hoả thấy 3 con rắn mà con mua trên mạng để trong hộp và được giấu trong tủ quần áo.
Sau tai nạn, gia đình lập tức đưa con nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.
“Tôi chỉ nghĩ con chỉ thích tìm hiểu các loại động vật trên mạng và không hề nghĩ rằng con mình lại có thể mua được loại rắn này về nhà nuôi một cách dễ dàng như vậy” - mẹ của bệnh nhi vẫn chưa hết bàng hoàng chia sẻ.
Dựa theo những thông tin được chia sẻ từ phía gia đình bệnh nhân, PV Báo Đại Đoàn Kết đã tìm thấy hàng loạt những "cửa hàng" online bán các loại rắn từ độc tới không độc.
Thậm chí, một trang Facebook mang tên "Rắn lục đuôi đỏ" - đây là loài rắn gây ra vết cắn nguy hiểm tính mạng cho cháu bé nói trên cũng đã được lập ra để chuyên bán loại bò sát này cho những người có nhu cầu.
Theo các bác sĩ, rắn lục đuôi đỏ là một trong các loài rắn có nộc độc cực mạnh, mức độ độc của nó chỉ đứng sau loài rắn hổ mang chúa.
Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nạn nhân có thể gặp các hiện tượng như chảy máu khó cầm, rối loạn đông máu, phù nề, hoại tử, trụy tim mạch, có thể gây tử vong nhanh chóng hoặc đẻ lại di chứng nặng nề.
Một loài vật nuôi khác cũng được tìm kiếm và đang "hot" trong vài năm trở lại đây, đó là nhện Tarantula với hàng loạt shop hàng quảng cáo về loài vật này và cả những video trên youtube, facebook hướng dẫn về cách nuôi chúng. Thế nhưng, đây cũng là một loài nhện độc.
Theo các chuyên gia, vết cắn của nhện Tarantula có thể khiến người ta đau buốt đến phát điên, vết cắn sẽ lở loét, lâu lành và có thể tử vong.
Không dừng lại tại đó, có trường hợp còn nuôi cả động vật có trong... sách Đỏ. Theo Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian trước đơn vị này đã tiếp nhận một trường hợp nhập viện vì bị cu li cắn. Được biết, người bệnh bị cắn khi cố bắt lại một con cu li thoát khỏi cũi.
Cu li là sinh vật nhìn hiền lành, dễ thương nên được nhiều người ở Việt Nam tìm về nuôi làm cảnh. Tuy nhiên, hiện loài này đã được đưa vào sách Đỏ và các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, cu li có tuyến nọc độc ở mặt trong hai khuỷu chân phía trước. Nọc độc phủ trên da, trên lông giúp bảo vệ nó khỏi các con côn trùng và các sinh vật bên ngoài tấn công. Cu li dùng miệng liếm nọc độc từ tuyến nọc, sau đó chải lông. Nọc độc tiết ra kết hợp với nước bọt và gây nhiễm độc thông qua nhát cắn tự vệ.
Người bị cu li cắn sẽ thấy đau buốt, đau rất nhiều so với việc cùng một con vật kích thước tương tự cắn; có biểu hiện tê bì, rối loạn cảm giác, đau đầu, buồn nôn, run rẩy, mệt mỏi khó chịu toàn thân, rối loạn đông máu. Một số trường hợp có biểu hiện dị ứng, thậm chí có phản vệ, có thể dẫn đến tử vong. Vết cắn có thể bị nhiễm trùng, hoại tử phần mềm cũng có thể gây nguy hiểm.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai Với trào lưu tìm nuôi các động vật về làm thú cưng, tiếp xúc gần với một số động vật để chụp ảnh lưu niệm và giải trí, đây là một trường hợp cần cảnh báo cho tất cả chúng ta!
Mọi người cần thận trọng trong việc tiếp xúc với các sinh vật trong tự nhiên, cần phải biết các nguy cơ có thể có với sức khỏe con người mà các động vật đem lại, bao gồm các bệnh lây truyền từ động vật (rất nhiều bệnh hiện nay chúng ta chưa biết và đang trở thành các dịch bệnh mới nổi), một số động vật có độc, kể cả động vật có vú cũng có độc.
Cần phân biệt rõ ràng và có hành động phù hợp, động vật nào có thể được nuôi, mang về nuôi thì phải có kiểm dịch động vật và phòng bệnh, chữa bệnh với con vật để tránh lây sang người, vật nào có độc, động vật nào thuộc diện quý hiếm thì cần được bảo tồn và trả về nơi hoang dã…