Không để người dân khổ vì dự án 'treo'

LÊ ANH 11/05/2022 11:09

Nhiều cử tri TP HCM cho rằng, các vụ việc được người dân phát hiện phản ánh, kiến nghị nhiều lần, MTTQ các cấp đã giám sát, phản biện, nhưng chính quyền vẫn làm ngơ đối với dự án “treo” là không thể chấp nhận được. Các đại diện cử tri yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu tập thể, cá nhân liên quan để đảm bảo quyền và lợi ích thiết thực của người dân sống trong khu vực dự án “treo”.

Các khu tái định cư chịu chung tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, trong khi diện mạo Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn dang dở, ngổn ngang. Ảnh: Hồng Phúc.

Ngày 10/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM có các buổi tiếp xúc với cử tri trên địa bàn. Liên quan đến các dự án “treo” tại nhiều quận, huyện của TP HCM được đông đảo cử tri quan tâm. Cử tri các quận Phú Nhuận và Gò Vấp cho rằng, vấn đề dự án “treo” đã được MTTQ các cấp giám sát rất quyết liệt, có tổ chức phản biện, với sự tham gia của HĐND các cấp.

Thế nhưng không hiểu sao, tình trạng dự án “treo” vẫn là vấn đề đặt lên nghị trường Quốc hội hết năm này qua năm khác.

Tại buổi tiếp xúc của Tổ ĐBQH đơn vị số 5, cử tri Nguyễn Thị Thủy (cư trú phường 4, quận Tân Bình) bức xúc vì dự án chung cư cũ 350 Hoàng Văn Thụ trên địa bàn quận này đã xuống cấp từ rất lâu, địa phương cũng đã lên kế hoạch xây dựng mới chung cư này nhưng người dân cứ mòn mỏi đợi chờ từ năm này qua năm khác.

Dự án “đắp chiếu” đã khiến ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của cư dân. “Năm 2016, địa phương vận động cư dân di dời đến tạm trú ở chung cư Tân Trụ (Phường 15, quận Tân Bình) với lời hứa chỉ 2-3 năm khi xây xong chung cư mới sẽ được quay lại. Thực tế, trên nền đất chung cư cũ đã mọc cỏ dại cao quá đầu người còn người dân thì chịu cảnh sống tạm bợ đã nhiều năm” - một cử tri tại phường 15, quận Tân Bình cho biết thêm.

Tại buổi tiếp xúc của Tổ ĐBQH TP HCM đơn vị số 5, bà Thái Thị Lan Chi - Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình cũng đã được yêu cầu thông tin, trả lời các ý kiến bức xúc của cử tri. Tại đây, đại diện chính quyền quận Tân Bình đã thẳng thắn chia sẻ với những khó khăn của hàng trăm hộ dân đang ảnh hưởng với dự án “treo” xây mới chung cư 350 Hoàng Văn Thụ. Quận Tân Bình đang thực hiện hỗ trợ cho gần 150 hộ dân, trong đó có 15 hộ dân đã được tái bố trí tạm cư.

Về các vướng mắc liên quan đến dự án “treo”, đại diện lãnh đạo quận Tân Bình cho biết, đã kiến nghị nhiều lần với UBND TP HCM và mới đây đã được Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện. Riêng dự án xây dựng cụm trường Tân Sơn - Trần Thái Tông gồm 5 dự án thành phần đã lên kế hoạch từ rất lâu nhưng mới loay hoay xong khâu thông báo thu hồi đất và hoàn tất khảo sát lập biên bản kiểm đếm hiện trạng nhà đất và công trình trên đất bị ảnh hưởng.

Đại diện UBND quận Tân Bình hứa với người dân sẽ tập trung toàn bộ vốn đầu tư công trung hạn năm 2021-2025 để thực hiện dự án này.

Không chỉ đối với địa bàn quận Tân Bình, Tân Phú, UBND TP HCM cũng đang đề xuất Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 bằng một chương về cơ chế đặc thù phát triển TP Thủ Đức. Việc này nhằm giải quyết các bất cập tồn đọng xung quanh siêu dự án “treo” Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).

Tại buổi giám sát của HĐND TP HCM cùng ngày (10/5) xung quanh siêu dự án này, đại diện UBND TP HCM đề xuất cho phép HĐND TP Thủ Đức được quyết định chủ trương đầu tư, trong đó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức được quyết định đầu tư các dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công do TP Thủ Đức quản lý; các dự án nhóm B, nhóm C được sử dụng vốn đầu tư công do TP HCM quản lý.

Theo đại diện UBND TP HCM, chỉ khi tăng cường được tính chủ động, tự chịu trách nhiệm thông qua việc phân cấp, ủy quyền chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước từ TP HCM cho TP Thủ Đức thì các vấn đề lớn về hạ tầng, trong đó có Khu đô thị mới Thủ Thiêm mới được tháo gỡ triệt để và sớm hoàn thành.

Trước đó, tiếp xúc với cử tri công nhân, viên chức, người lao động năm 2022, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ cũng nhấn mạnh, cơ chế phối hợp giám sát với MTTQ sẽ được tổ chức chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa đối với các dự án về hạ tầng, nhà ở cho người thu nhập thấp trong thời gian tới.

Bởi vì, như tiến độ thời gian qua là rất chậm, riêng giai đoạn 2016-2020 TP HCM mới chỉ thực hiện được gần 15.000 căn hộ nhà ở xã hội (đạt 75% kế hoạch).

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, thành phố thực hiện 47 dự án nhưng đến nay mới chỉ có 14 dự án hoàn tất các thủ tục pháp lý, đủ điều kiện pháp lý mở bán.

LÊ ANH