Đồ gỗ Việt thâm nhập thị trường châu Âu

THANH GIANG 11/05/2022 09:16

EU được đánh giá là một trong những thị trường nhập khẩu các sản phẩm đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội ngoại thất tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, để xuất khẩu được vào thị trường này, cũng có không ít những thách thức, khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải có sự thay đổi.

Đồ thủ công mỹ nghệ Việt được đánh giá cao về chất lượng.

Được đánh giá là khu vực tiềm năng cho việc xuất khẩu mặt hàng trang trí nội - ngoại thất, thị trường châu Âu (EU) đang được nhiều doanh nghiệp (DN) đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ Việt Nam hướng đến. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, sản phẩm có chất lượng nhưng cần có sự thay đổi về mẫu mã nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng của thị trường khó tính này.

EU - thị trường tiềm năng

Ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Đầu tư TP HCM (ITPC) khẳng định, EU được đánh giá là một trong những thị trường nhập khẩu các sản phẩm đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội - ngoại thất lớn thứ 13 của Việt Nam. Là khu vực phát triển năng động, sức tiêu thụ đồ nội thất của khu vực này cũng chiếm gần 25% tổng tiêu thụ của toàn thế giới.

Từ năm 2016 đến 2019, nhập khẩu đồ vật trang trí của châu Âu đã tăng từ 2,1 tỷ Euro lên 2,5 tỷ Euro. Hiện Đức vẫn là nhà nhập khẩu đồ vật trang trí hàng đầu của EU với kim ngạch nhập khẩu chiếm khoảng trên 22%, tiếp theo là Hà Lan, Vương quốc Anh và Pháp. Thị trường dự kiến sẽ tăng trưởng hàng năm 4,27% trong giai đoạn 2022 - 2026.

Với thâm niên 20 năm xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ vào thị trường EU, bà Phạm Thị Hồng Quang - Giám đốc Công ty VIETS Co đánh giá cao thị trường này. Bà Quang cho biết, trung bình mỗi tháng đơn vị xuất khẩu sang EU 50 - 60 container mặt hàng thủ công mỹ nghệ trang trí. Thị trường EU có nhu cầu cao và rất đa dạng. Vì vậy các nhà nhập khẩu luôn luôn muốn tìm đến Việt Nam để tìm sản phẩm mới và tìm nhà máy đủ năng lực để cung cấp sản phẩm cho EU.

Về việc nhà nhập khẩu EU tìm đến Việt Nam được bà Quang lý giải, từ dịch bệnh Covid-19 đến nay, nhà máy sản xuất lớn nhất ở Trung Quốc cũng gặp rất nhiều vấn đề về vận chuyển, logistics. Việc này gây khó khăn cho EU khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy nên các DN EU chuyển hướng sang thị trường Việt Nam để tìm nhà máy đủ năng lực phục vụ nhu cầu cấp bách. Đây chính là cơ hội lớn cho các DN nước nhà. Nếu DN trong trạng thái sẵn sàng cũng có thể đẩy mạnh tỷ trọng xuất khẩu sang EU.

Đánh giá cao chất lượng mặt hàng đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, ông Adam Koulakzesian - lãnh đạo Phòng Thương mại Công nghiệp Việt - Pháp cho biết: “Tôi tiếp tục hỗ trợ DN xuất khẩu mạnh vào thị trường EU. Sản phẩm made in có chất lượng nhưng cần có sự dẫn dắt về mẫu mã và xu hướng tiêu dùng của thị trường xuất khẩu”.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Mặc dù được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho mặt hàng trang trí nội - ngoại thất, song xuất khẩu vào EU cũng có những khó khăn không nhỏ đòi hỏi DN phải khắc phục.

Theo bà Phạm Thị Hồng Quang, EU là thị trường đòi hỏi rất cao về thiết kế. Đó là yếu tố hàng đầu để EU hợp tác với DN. Vì vậy, trong thời điểm hiện nay, các DN muốn xuất khẩu sang thị trường EU phải đặc biệt chú trọng đầu tư cho cơ sở sản xuất, nâng cao khả năng phát triển mẫu mã để theo kịp xu hướng của thị trường EU. Khác với thị trường Mỹ, xu hướng của thị trường EU là luôn thay đổi, một mặt hàng ít khi khách hàng EU sử dụng dài 2 - 3 năm.

Trong khi thị trường Mỹ chuộng sản phẩm sử dụng 3 năm, 6 năm hoặc 10 năm. Bên cạnh việc thường xuyên thay đổi mẫu mã theo thị hiếu người tiêu dùng, DN cần phải đầu tư đa dạng về chất lượng sản phẩm, quy chuẩn sản xuất. Ngoài ra, yếu tố rất quan trọng mà hiện nay EU đang nhắm tới đó là nguồn gốc xuất xứ. Sản phẩm xuất khẩu phải có nguồn gốc rõ ràng, hợp lệ. Đặc biệt, nghiêm cấm sử dụng nguyên vật liệu có hại môi trường.

Bà Nguyễn Đắc Bội Quỳnh - Giám đốc Quan hệ Đối tác Việt Nam - Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp cũng lưu ý: Ngành trang trí nội - ngoại thất ngoài tiện nghi vật dụng, phần thiết kế rất quan trọng cho tất cả các sản phẩm. Các DN Việt Nam cần chú ý đến chất lượng sản phẩm, thiết kế và sự bình ổn sản xuất. Người mua hàng cần nguồn hàng cung ứng ổn định nhằm đảm bảo nguồn cung.

Một khó khăn nữa trong xuất khẩu vào thị trường EU được các chuyên gia đưa ra chính là khâu vận chuyển. Hiện nay, chi phí logistics, vận chuyển container từ Việt Nam sang EU và các thị trường khác tăng quá cao, giá cước tàu biển tăng 5 - 7 lần so trước dịch Covid-19 đang là bài toán rất khó cho DN.

Nhằm giải quyết khó khăn này, bà Quỳnh cho rằng, các nhà máy cần cải tiến trong sản phẩm để việc đóng gói, thiết kế đem lại lợi ích nhất. Ví dụ, trước đây 1 container đóng được 2.000 sản phẩm. Bây giờ với những thiết kế mới, cải tiến bằng cách xếp, gấp hoặc lồng ghép để đóng được khoảng 5.000 sản phẩm/container giúp khách hàng tiết kiệm tối đa, giá thành được giảm đi đáng kể.

Ước tính của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong tháng 4 đạt 895 triệu USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường xứ cờ hoa ước đạt 3,3 tỉ đô la, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả này, Vifores ước tính thị trường Mỹ chiếm 60,4% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, tiếp tục là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất.

THANH GIANG