Bầu cử Tổng thống Philippines: Ông Marcos thắng lớn
5 giờ 5 phút giờ Philippines (4 giờ 5 phút giờ Việt Nam) sáng ngày 10/5, kết quả sơ bộ cho thấy ứng viên Ferdinand Marcos Jr. giành được hơn 30 triệu phiếu, bỏ xa các đối thủ khi hơn 94% phiếu bầu đã được kiểm. Như vậy, ông Marcos sẽ trở thành Tổng thống mới của Philippines, thay cho ông Duterte.
Theo Ủy ban Bầu cử Philippines, ông Marcos đã dẫn đầu cuộc đua với hơn 30 triệu phiếu bầu, gấp đôi người thứ hai là Phó Tổng thống đương nhiệm, bà Leni Robredo với 14,4 triệu phiếu.
Ông Marcos, theo học trường tư thục Worth ở Anh và Đại học Oxford. Trong chiến dịch tranh cử, ông nhấn mạnh sự đoàn kết và cải thiện cuộc sống của người dân. Đáng chú ý, người liên danh tranh cử vị trí Phó Tổng thống của ông Marcos là Thị trưởng Davao Sara Duterte-Carpio, con gái của Tổng thống đương nhiệm Duterte.
Kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Philippines lần này được cho là “đã được báo trước”, với phần thắng nghiêng về ông Marcos, so với 9 ứng viên còn lại. Người được cho là có khả năng “so găng” với ông Marcos là bà Leni Robredo - đương kim Phó Tổng thống. Tuy nhiên, cuối cùng thì đa số người Philippines đã chọn ông Marcos.
Cuộc bầu cử này người Philippines không chỉ bầu Tổng thống mà còn bầu cả Phó Tổng thống, 12 Thượng nghị sĩ, 300 thành viên Hạ viện và khoảng 18.000 vị trí ở địa phương - từ Thị trưởng thành phố đến Thống đốc tỉnh và Ủy viên hội đồng.
Cho đến trước ngày bỏ phiếu, giới quan sát vẫn không chắc chắn thắng lợi thuộc về ông Marcos hay bà Leni; trong khi 8 ứng viên còn lại được cho là không có cơ hội. Trong số 2.400 người được hỏi thì có đến hơn một nửa ủng hộ ông Marcos, trong khi 23% ủng hộ đối thủ của ông là bà Leni Robredo.
Ông Marcos, 64 tuổi, là con trai duy nhất của cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, nhà lãnh đạo đất nước từ năm 1965 đến năm 1986. Gia đình ông Marcos sống lưu vong sau khi Tổng thống Ferdinand Marcos bị lật đổ. Trở lại Philippines vào những năm 1990, ông Marcos đã khôi phục lại hình ảnh và dần trở nên nổi tiếng. Sau đó, ông được bầu làm Thống đốc, Nghị sĩ và Thượng nghị sĩ của tỉnh Ilocos Norte, quê hương ông.
Đối thủ chính của ông trong cuộc bầu cử lần này, Phó Tổng thống đương nhiệm Leni Robredo, 57 tuổi, là luật sư và nhà kinh tế, tham gia chính trường năm 2013 sau cái chết đột ngột của chồng bà - cựu Bộ trưởng Nội vụ Jesse Robredo - trong một tai nạn máy bay.
3 giờ sau khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử được ông bố, ông Marcos không ăn mừng chiến thắng, thay vào đó ông có bài phát biểu cảm ơn người dân và kêu gọi tiếp tục ủng hộ.
“Như tôi đã nói, quá trình kiểm phiếu vẫn chưa hoàn tất. Chúng ta hãy đợi cho đến khi mọi thứ thật rõ ràng, cho đến khi kết quả chính xác 100%. Nhưng ngay cả khi việc kiểm đếm chưa kết thúc, tôi cũng không thể đợi thêm để bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả các bạn, biết ơn sự giúp đỡ, sự đóng góp, những hy sinh, cũng như thời gian và công sức mà các bạn dành cho chúng tôi. Bất kỳ nỗ lực nào lớn như thế này đều không phải chỉ do riêng một người mà đạt được, nó liên quan đến rất nhiều người, nỗ lực theo rất nhiều cách khác nhau. Tôi cảm ơn tất cả các bạn. Nếu đắc cử, tôi hy vọng các bạn sẽ không cảm thấy mệt mỏi khi giúp đỡ chúng tôi, mong rằng niềm tin của các bạn ở chúng tôi sẽ không phai nhạt vì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm cho tương lai của chúng ta” - ông Marcos nói.
Trong thời gian vận động tranh cử, ông Marcos đã khẳng định sẽ tiếp tục các chính sách quan trọng của ông Duterte, bao gồm nỗ lực chống ma túy và phát triển chiến lược cơ sở hạ tầng "Xây dựng, xây dựng và xây dựng". Ông Marcos sẽ dẫn dắt một nền kinh tế trên đà phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng đang chịu nhiều sức ép từ lạm phát gia tăng và nợ công chồng chất.
Nói như Peter Mumford, chuyên gia của tổ chức tham vấn Á - Âu thì "chiến thắng bầu cử cách biệt của ông Marcos không phải là sự đảm bảo rằng ông ấy sẽ là một nhà lãnh đạo nổi tiếng hay hiệu quả, nhưng nó giúp nhiệm kỳ Tổng thống của ông có một khởi đầu mạnh mẽ. Đặc biệt, nó sẽ tạo ra một lực hấp dẫn ban đầu rất lớn đối với các thành viên của Quốc hội và sẽ thu hút nhiều nhà kỹ trị/kinh tế học sẵn sàng phục vụ trong nội các của ông ấy".
Giới quan sát chính trường Philippines cho rằng, dù ông Marcos trở thành tân Tổng thống Philippines hay ai đi chăng nữa thì nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là phải vực dậy nền kinh tế đất nước và cuộc sống của người dân khi đại dịch Covid -19 đi qua. Tiếp đó, Philippines dưới thời của Tổng thống Duterte từng bị coi là “mắc kẹt” giữa Mỹ và Trung Quốc, nên sứ mệnh của Tổng thống tiếp theo là phải gỡ được nút thắt này. Nói như chuyên gia P.Mumford thì người dân Philippines kỳ vọng vào một nhà lãnh đạo quốc gia có thể thực sự bảo vệ người dân, đem lại cho đất nước một nền kinh tế vững mạnh sau khi đại dịch tàn phá khiến hàng triệu người mất việc làm; cải thiện hệ thống chính trị của quốc gia và đưa ra các chính sách đối ngoại nhằm giúp Philippines đứng vững trước các mối đe dọa xâm chiếm lãnh thổ và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.