Đại dịch Covid-19 đối với những góa phụ ở châu Phi
Đối với những góa phụ ở châu Phi, đại dịch Covid-19 không chỉ lấy đi từ họ người chồng, một người bạn tri kỷ, mà còn là một gia đình, một tương lai.
Những phụ nữ ‘góa bụa’
Khi Anayo Mbah sinh hạ đứa con thứ sáu, chồng cô đang phải chiến đấu với Covid-19 ở một bệnh viện khác trong thị trấn. Jonas, chồng cô, một tài xế xe ôm trẻ tuổi, đã được đặt bình dưỡng khí sau khi anh bắt đầu ho ra máu.
Jonas sẽ không bao giờ được gặp con gái mình, Chinaza. Vài giờ sau khi Mbah sinh, anh đã ra đi. Nhân viên tại bệnh viện ở đông nam Nigeria ngay sau đó đã yêu cầu Mbah và đứa trẻ sơ sinh rời đi. Không một ai đến thanh toán hóa đơn cho cô ấy.
Mbah bắt đầu nghi thức góa bụa tại ngôi nhà nơi cô cùng chung sống với chồng: cạo trọc đầu và mặc quần áo trắng. Nhưng chỉ vài tuần sau thời kỳ tang lễ kéo dài sáu tháng theo truyền thống, gia đình người chồng quá cố của cô đã ngừng hỗ trợ cho cuộc sống của mẹ con cô.
“Họ nói với tôi rằng tốt hơn hết là tôi nên tìm con đường của riêng mình”, Mbah, hiện 29 tuổi, nói. “Họ nói ngay cả khi tôi phải tái hôn, và rằng tôi nên làm như vậy. Tôi ra khỏi nhà càng sớm thì sẽ càng tốt cho tôi và các con”.
Mbah đã quyết định đi bộ về nhà mẹ đẻ với chỉ một túi nhựa đựng đồ đạc cho Chinaza và những đứa con khác của cô ấy. “Tôi sẽ không thể sống được nếu như tiếp tục ở lại đây với các con của mình”, cô nói.
Trên khắp châu Phi, rất nhiều phụ nữ từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng góa bụa, đặc biệt là ở các quốc gia kém phát triển nhất của lục địa, nơi khan hiếm cơ sở y tế. Nhiều góa phụ còn trẻ, kết hôn với những người đàn ông lớn hơn hàng chục tuổi. Và ở một số quốc gia, đàn ông thường có nhiều hơn một vợ và sẽ để lại rất nhiều góa phụ sau khi mất.
Giờ đây, đại dịch Covid-19 thậm chí tạo ra số lượng góa phụ còn lớn hơn trên lục địa này, với những người đàn ông châu Phi có nguy cơ chết vì virus cao hơn nhiều so với phụ nữ, và thực tế này đã làm trầm trọng thêm những vấn đề phải đối mặt.
Đối với những phụ nữ góa chồng như Mbah, đại dịch Covid-19 không chỉ lấy đi từ họ người chồng, một người bạn tri kỷ, mà còn là một gia đình, một tương lai.
Đối mặt thử thách ‘chồng chất’
Khi đã góa chồng, phụ nữ thường bị ngược đãi và mất quyền thừa kế. Luật pháp cấm nhiều người mua đất hoặc chỉ cho họ một phần tài sản của vợ/chồng, và những góa phụ ở những nơi như đông nam Nigeria phải đối mặt với sự nghi ngờ về cái chết của chồng trong thời gian để tang.
Gia đình chồng có thể đòi quyền nuôi con bởi theo truyền thống nói rằng con cái thuộc về cha. Những gia đình khác thậm chí không nhận con cháu và từ chối giúp đỡ, ngay cả khi họ là nguồn tiền và thực phẩm duy nhất của những đứa trẻ. Những góa phụ trẻ thường phải làm công việc dành cho phụ nữ có trình độ học vấn hạn chế.
Tại Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, khoảng 70% số ca tử vong do đại dịch Covid-19 được xác nhận là nam giới, theo dữ liệu của Dự án Giới tính. Tương tự, hơn 70% số ca tử vong ở Chad, Malawi, Somalia và Congo là nam giới, theo số liệu từ dự án, cơ sở dữ liệu theo dõi sự khác biệt về dịch bệnh giữa nam và nữ. Các quốc gia khác có thể cho thấy xu hướng tương tự nhưng thiếu nguồn lực để thu thập các số liệu chi tiết.
Egodi Blessing Igwe, phát ngôn viên của tổ chức WomenAid Collective, người đã hỗ trợ hàng nghìn góa phụ với các dịch vụ pháp lý miễn phí và hòa giải gia đình, cho biết: “Một số người bị coi như những kẻ bị ruồng bỏ, bị buộc chịu trách nhiệm về cái chết của chồng họ”.
Ở Congo, Vanessa Emedy Kamana đã quen chồng một thập kỷ trước khi anh ngỏ lời cầu hôn. Cô từng làm việc cho một học giả với tư cách là trợ lý cá nhân. Vào thời điểm họ bắt đầu nảy sinh tình cảm, Godefroid Kamana đã ở cuối tuổi 60; còn Kamana đang là một bà mẹ đơn thân ở độ tuổi cuối 20.
Khi lần đầu tiên chồng cô có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, không còn một giường bệnh nào cho ông ở thành phố Goma phía đông, mặc dù tuổi tác và tình trạng của ông là một bệnh nhân tiểu đường.
Vào đêm chôn cất ông sau khi đã không thể cứu chữa, họ hàng nhà chồng đã đến nhà nơi gia đình Kamana vừa bắt đầu thời kỳ để tang và buộc mẹ con cô phải rời đi. “Tôi bị tước hết mọi thứ, mọi tài sản của mình”, cô nhớ lại.
Cô, con trai cùng con mèo nhỏ hiện đang sống trong một ngôi nhà nhỏ hơn mà mẹ cô cất giữ như một tài sản cho thuê. Kamana bán quần áo cũ ở chợ trong khi con trai cô vẫn đang đi học. Và mặc dù ban đầu cô nhận được 40% tiền lương của người chồng quá cố nhưng số tiền đó sẽ sớm ngừng hoàn toàn.
Ở Tây Phi, tình trạng góa bụa đặc biệt gay gắt giữa các cộng đồng lớn, nơi có rất nhiều cuộc hôn nhân đa thê.
Theo luật của Guinea, một người đàn ông có nhiều vợ thường sẽ chỉ chia sẻ phần nhỏ tài sản của mình cho vợ, và phần còn lại, gần như tất cả, khoảng 87,5% thuộc về các con. Phụ nữ hiếm khi tranh giành quyền thừa kế vì họ luôn bị xã hội phân biệt đối xử.