Xe ba gác, xe tự chế chở hàng cồng kềnh: Phạt nhẹ nên nhờn?
Pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ về chế tài xử phạt nhưng rất nhiều người điều khiển các phương tiện loại này lại chưa có ý thức tuân thủ, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có văn bản giao Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế, xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh nhưng cho thuê, mượn để vận tải hàng hóa...
Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online về vấn đề xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi chở hàng cồng kềnh của xe cơ giới ba bánh, xe tự chế và các phương tiện giao thông khác khi tham gia giao thông, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, tình trạng xe chở hàng hóa cồng kềnh, không đảm bảo an toàn không chỉ diễn ra tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mà còn phổ biến trên khắp các địa phương cả nước.
Pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ về chế tài xử phạt nhưng rất nhiều người điều khiển các phương tiện loại này lại chưa có ý thức tuân thủ, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông.
Theo quy định hiện hành khi tham gia giao thông, xe mô tô, gắn máy và xe thô sơ phải đảm bảo quy định về chiều rộng, chiều dài và chiều cao xếp hàng hóa quy định tại Điều 19 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT. Do đó, theo quy định tại điểm k Khoản 3 Điều 6 và điểm c Khoản 2 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi chở hàng cồng kềnh vượt quá quy định cho phép là hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ và người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 600.000 đồng.
Bên cạnh đó, hành vi tự chế, thay đổi kết cấu xe, trang trí thêm nhiều bộ phận, linh kiện sai khác so với thiết kế ban đầu cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, người có hành vi tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân và gấp đôi đối với tổ chức là chủ phương tiện căn cứ tại điểm c Khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Đối với hành vi điều khiển xe tự chế, lắp ráp trái quy định, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng và còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng, theo quy định tại điểm b Khoản 3, điểm d Khoản 4 Điều 17 Nghị định này.
Luật sư Tiền cho rằng, chế tài xử phạt tiền đối với những hành vi vi phạm nêu trên vẫn còn khá nhẹ, chưa tương xứng với thiệt hại thực tế mà những hành vi vi phạm này có thể gây ra. Chính vì vậy, thực tế hiện nay còn tồn tại một bộ phận không nhỏ người dân vẫn cố tình vi phạm luật, chấp nhận bị cơ quan chức năng xử phạt để tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển đồ.
Luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ thêm, để góp phần hạn chế, giảm thiểu tình trạng này, bên cạnh việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, thì cần phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, rà soát các cơ sở đóng mới xe thô sơ, xe tự chế không đúng quy định.
Từ đó có biện pháp xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với các trường hợp xe tự chế, đặc biệt đối với những loại xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh nhưng cho thuê, mượn để vận tải hàng hóa…
Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng này một cách hiệu quả đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ về lâu dài. Trong đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật đối với hành vi chở hàng hóa cồng kềnh là vi phạm cũng như hậu quả mà hành vi có thể gây ra cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.
Đồng thời, cần đẩy mạnh vận động người dân sử dụng các phương tiện vận tải khác trong vận chuyển hàng hóa để đảm bảo an toàn và phù hợp với quy định của pháp luật thay cho các loại xe ba gác, xe tự chế.