Bệnh tay chân miệng có nguy cơ bùng phát
Theo thống kê của các bệnh viện nhi đồng tại TPHCM số trẻ mắc bệnh tay chân miệng liên tục tăng. Trung bình một ngày bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM tiếp nhận khoảng 30 - 47 ca điều trị ngoại trú. Trước sự bất thường này, các bác sĩ có khuyến cáo gì?
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì bệnh tay chân miệng tại TPHCM đang tăng cao. Nhằm chăm sóc và điều trị tốt cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng, nhiều bệnh viện đã tăng cường số giường điều trị cũng như tăng phòng khám để sàng lọc kịp thời trẻ mắc tay chân miệng.
T hống kê của các bệnh viện nhi đồng tại TPHCM, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng (TCM) liên tục tăng. Bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy - Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM cho hay, số trẻ mắc bệnh TCM đang tăng cao so với trước. Trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 - 47 ca điều trị ngoại trú.
Ghi nhận của phóng viên, ngày 11/5, tại khu điều trị nội trú của bệnh viện đang theo dõi, chăm sóc 26 ca (đầu tuần hơn 30 ca nằm điều trị), trong đó có 1 ca TCM cấp độ 2B. “2 năm trước, do thực hiện giãn cách phòng, chống Covid-19 nên các ca mắc bệnh TCM rất ít, thậm chí chỉ một vài ca. Còn hiện nay, nguy cơ trẻ mắc TCM tăng cao, Bệnh viện tăng công suất khám và điều trị. Bệnh viện Nhi đồng 1 đã mở hết các phòng điều trị tay chân miệng, tăng thêm phòng khám để sàng lọc bệnh TCM” - bác sĩ Quy thông tin.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), trong tuần 18 (từ ngày 29/4 đến 5/5) ghi nhận 420 ca TCM, tăng 136,4% so với trung bình 4 tuần trước (55 ca). Đáng lưu ý, số ca bệnh tăng ở cả nhóm bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Cụ thể, có 378 ca bệnh ngoại trú (tăng 325,9%), 42 ca nội trú (tăng 75%). Không ghi nhận ca tử vong do bệnh tay chân miệng. HCDC thông tin thêm, số ca bệnh TCM có sự gia tăng báo động ở hầu hết các quận, huyện, đặc biệt ở quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn,...
Dự báo trong thời gian tới số trẻ mắc TCM có xu hướng tăng vì trẻ nhỏ đến trường nhiều hơn cho nên dịch dễ lây lan và bùng phát. Các chuyên gia trong ngành nhận định, trẻ bị mắc bệnh TCM thường có dấu hiệu: Sốt, tiêu chảy, nổi hồng ban mụn nước ở chân - tay, loét miệng,...
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, hiện nay cùng lúc có 3 loại bệnh cùng lưu hành. Đó là bệnh sốt xuất huyết, TCM và Covid-19. Có trường hợp cùng một lúc nhiễm 3 loại bệnh trên. Rất nhiều trẻ sốt cao 3 ngày không hạ, phụ huynh cứ nghĩ là sốt xuất huyết hoặc Covid-19 nhưng trẻ lại bị TCM.
Không để dịch bùng phát và nhất là không để gây tử vong, Bệnh viện Nhi đồng 1 tổ chức tập huấn lại cho bác sĩ, điều dưỡng nhằm chăm sóc sức khỏe cho trẻ tốt hơn. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TPHCM tập huấn cho các cơ sở giáo dục tuyến quận, huyện. Tập huấn cho các giáo viên, bảo mẫu phát hiện sớm trẻ mắc TCM để khám và điều trị sớm. “Trẻ phải thường xuyên rửa tay trước khi ăn cơm, sau khi đi vệ sinh. Phụ huynh theo dõi kỹ các triệu chứng sốt, bóng nước ở tay chân,... cho trẻ đi khám sớm” - bác sĩ Dư Tuấn Quy khuyến cáo.
Đề phòng bệnh TCM bùng phát, HCDC đề nghị, Phòng Y tế quận, huyện nhắc nhở các đơn vị y tế cơ quan, phòng khám tư nhân, các cơ sở chẩn đoán, bác sĩ gia đình ngay sau khi tiếp nhận các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh TCM phải báo cáo cho Trung tâm Y tế để điều tra, xác minh trong vòng 24 giờ. Song song đó, triển khai hoạt động giám sát công tác phòng, chống bệnh TCM ở các tuyến quận - huyện, phường - xã. Phối hợp giáo dục và y tế trong điều tra dịch tễ các ca bệnh TCM được thông báo, thống kê ca bệnh theo trường mẫu giáo, nhà trẻ, theo khu phố ấp, đánh giá nguy cơ hình thành ổ dịch nhằm kiểm soát dịch.