Nguồn năng lượng nào 'cứu' EU?
Trong lúc Mỹ và đồng minh đang gia tăng sức ép nhằm tiếp tục cô lập Nga, thì một vấn đề lớn cũng được đặt ra: Các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ tìm kiếm nguồn năng lượng nào thay thế khi “quay lưng” lại với nguồn dầu mỏ và khí đốt đến từ Nga?
Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (ngày 24/2/2022), Mỹ, EU và các quốc gia đồng minh đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó có việc chấm dứt mua dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Hiện EU đang nỗ lực tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), động thái cấm vận dầu của EU có thể dẫn đến mức thâm hụt 2,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và 1,2 triệu thùng sản phẩm dầu mỏ mỗi ngày. Mặc dù các nước Trung Đông nắm giữ gần 50% trữ lượng dầu đã được phát hiện trên thế giới, nhưng những vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, xung đột, chính trị và trừng phạt chính là lí do khiến họ không thể "cứu" EU.
Arab Saudi - nhà sản xuất lớn nhất trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), thời gian qua liên tục từ chối đề nghị của Mỹ về việc đẩy mạnh sản xuất vượt hạn ngạch đã thống nhất từ lâu với Nga và những quốc gia không thuộc OPEC khác.
Còn với Iraq, về lý thuyết nước này có thể bơm thêm 660.000 thùng/ngày- theo Giám đốc điều hành Yousef Alshammari của Công ty Cmarkits (London). Tuy nhiên, tình hình thực tế phức tạp tại Iraq khiến EU không thể trông chờ. Iran là quốc gia tiềm năng nhưng lại đang chịu tác động của lệnh trừng phạt Mỹ về vấn đề hạt nhân. Trong trường hợp được Washington gỡ bỏ lệnh cấm vận thì rất có thể Iran đóng góp thêm 1,2 triệu thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran hiện rơi vào bế tắc nên dòng chảy dầu thô của nước này vào EU cũng không thể lưu thông.
Các quốc gia ngoài Trung Đông có khả năng bơm thêm nguồn dầu dự phòng vào thị trường, như Nigeria và Venezuela thì cũng tồn tại những vấn đề của riêng mình. Venezuela đang hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi đụng độ giữa các nhóm vũ trang ở Nigeria khiến quốc gia này khó tăng công suất khai thác dầu mỏ.
Còn nếu trông chờ những chuyến tàu dầu đến từ nước Mỹ thì sẽ là quá xa vời vì chính Mỹ cũng đang phải xả kho dự trữ chiến lược nhằm hạ cơn sốt năng lượng của chính mình.
Ngày 11/5, theo Reuters, Đức và Qatar đang gặp nhiều vấn đề trong đàm phán liên quan đến nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Đức không chấp nhận yêu cầu của Qatar về việc ký hợp đồng có thời hạn ít nhất 20 năm để được cung cấp lượng LNG dồi dào nhằm giảm bớt phụ thuộc vào khí đốt Nga. Trong khi đó, Qatar, nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới cũng đang cụ thể hóa các điều khoản, trong đó có việc ngăn Berlin chuyển nguồn cung sang các khu vực khác ở EU. Mà điều đó thì EU phản đối và Đức trong vai trò dẫn dắt EU cũng không thể đơn phương “tự lo cho mình”.
Trước đó, ngày 4/5, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga, bao gồm cả lệnh cấm đối với hoạt động mua dầu mỏ của Nga. EU gồm 27 quốc gia thành viên với những quan hệ lợi ích khác nhau về năng lượng đối với Nga thì không dễ gì tìm được một quyết tâm chung.
Tại cuộc họp giữa các đại sứ của EU mới đây, thảo luận về việc cấm dầu mỏ Nga, cũng đã cho thấy có sự “nhượng bộ”. Theo hãng tin Bloomberg, EU đã đề xuất sửa đổi lệnh cấm trừng phạt dầu mỏ đối với Nga, đồng ý để Hungary và Slovakia thêm 1 năm để tuân thủ những đề xuất trong lệnh cấm. Riêng Cộng hòa Czech được nới thời hạn đến tháng 6/2024. Trong khi các quốc gia EU còn lại sẽ huỷ bỏ dần việc nhập khẩu dầu mỏ Nga vào cuối năm nay như đề xuất ban đầu, trong đó ngừng nhập khẩu dầu thô trong 6 tháng và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế trong 8 tháng.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng việc lập tức cấm dầu mỏ của Nga sẽ là một "quả bom hạt nhân" được thả xuống nền kinh tế của đất nước này. Ông Orban muốn EU nới thời hạn 5 năm để thực hiện lệnh cấm này thay vì 1 năm.
Chính vì vậy, Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen, thừa nhận không dễ để tìm kiếm sự thống nhất về lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga. Vì vậy giới quan sát đặt vấn đề: Nếu EU từ chối dầu mỏ và khí đốt của Nga thì nguồn năng lượng nào sẽ “cứu” EU?
Ngay trong ngày kỷ niệm Chiến thắng phát xít (ngày 9/5), Tổng thống Nga V.Putin đã ra lệnh thành lập nhóm công tác đặc biệt về thanh toán quốc tế khi giao dịch với các quốc gia “không thân thiện”. Nhóm do Cố vấn Tổng thống Nga, ông Maxim Oreshkin, đứng đầu và trong số thành viên có Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina. Nhiệm vụ của nhóm thời gian tới là phải tìm ra các điều khoản trong giao dịch quốc tế với các quốc gia “không thân thiện”. Nhóm công tác cũng sẽ xem xét các điều khoản thanh toán bằng đồng rúp và các loại ngoại tệ khác với các quốc gia “thân thiện”.