Mỏi mòn chờ nước sạch
Năm 2013, sau sự cố Công ty Nicotex Thanh Thái có hành vi chôn hàng tấn thuốc bảo vệ thực vật vào lòng đất khiến nguồn nước ở khu vực lân cận bị ô nhiễm nghiêm trọng. Sau đó, dự án nhà máy nước sạch được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt. Tuy nhiên, sau 8 năm triển khai, đến nay gần 20 nghìn người dân vẫn phải “dài cổ” đợi.
Hơn 7 năm “khát” nước sạch
Sau sự cố Công ty Nicotex Thanh Thái có hành vi chôn hàng tấn thuốc bảo vệ thực vật vào lòng đất xảy ra vào năm 2013, khiến nguồn nước tại 3 xã: Yên Lâm (huyện Yên Định), Cẩm Vân, Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ngày 30/10/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước sạch cho các xã Cẩm Tâm, Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy) và xã Yên Lâm (huyện Yên Định) với tổng mức vốn đầu tư lên đến 80 tỷ đồng và dự kiến, công trình đưa vào sử dụng quý I năm 2018, đáp ứng nhu cầu cấp nước sạch cho hơn 19.000 nhân khẩu của 3 xã nói trên... Đây được xem như một cứu cánh, giải pháp kịp thời cho người dân vùng bị ô nhiễm. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, sau 8 năm đi vào hoạt động, đến nay dự án mới chỉ dừng lại ở việc vận hành thử nghiệm. Thậm chí, tại 3 cụm dân cư, với 193 hộ dân của xã Cẩm Vân sinh sống ngay sát với nhà máy Nicotex Thanh Thái vẫn chưa được đấu nối hệ thống đường ống cấp nước.
Bà Hạnh Long - một người dân trú tại thôn Tiên Lăng, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy cho biết: Trước khi xảy ra sự cố, hầu hết người dân đều sử dụng nguồn nước ngầm như giếng khơi, giếng khoan để sinh hoạt, nấu nướng… Sau khi xảy ra vụ việc, Công ty Nicotex Thanh Thái chôn thuốc trừ sâu xuống lòng đất, người dân trong xã và các vùng lân cận hết sức hoang mang lo lắng cho an toàn sức khỏe của mình. Khi biết sẽ có dự án nhà máy nước sạch quy mô được Nhà nước đầu tư, bà Hạnh Long cũng như hàng nghìn người dân khác trong vùng đã rất vui mừng. Nhưng sau khi xây dựng xong, không hiểu vì nguyên nhân nào khiến nhà máy vẫn chưa thể vận hành. “Đã nhiều lần chúng tôi đặt câu hỏi vì sao nhà máy chưa thể vận hành tại các cuộc tiếp xúc cử tri, họp HĐND xã nhưng vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Lý do được đưa ra là do nhà máy chưa hoàn thiện, thiếu vốn nên chưa thể đưa vào sử dụng. Mới đây, họ đã cho chạy thử nghiệm nhưng rồi lại dừng mà chưa biết đến bao giờ mới cho hoạt động chính thức. Chúng tôi đã quá mệt mỏi vì chờ đợi rồi!”- bà Hạnh Long bức xúc nói.
Theo quan sát và ghi nhận của phóng viên, Nhà máy nước Cẩm Vân được xây dựng tại thôn 2, xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy hiện đã được hoàn tất. Các hệ thống như: Trạm biến áp, máy bơm, hồ chứa, bể lắng lọc, đường ống nhà điều hành... đều đã được lắp đặt xong. Tuy nhiên phía bên trong cỏ dại đã bắt đầu mọc um tùm, bắt đầu che phủ các hạng mục do không có người bảo trì, trông coi. Khu cổng chính không được khóa và không có người bảo vệ. Có thể thấy, không chỉ người dân mà ngay cả chủ đầu tư cũng đã có tâm trạng “chán” đối với dự án này.
Sẽ đưa vào vận hành trong tháng 5/2022?
Vì sao 1 dự án mang tính cấp thiết đối với đời sống của hàng chục nghìn người dân phải rơi vào tình trạng ì ạch suốt 8 năm qua? ông Phạm Duy Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân (một trong 3 xã dự kiến được sử dụng nguồn nước từ nhà máy này) cho biết: Dự án xây dựng xong từ năm 2021, sau vài lần chạy thử nghiệm, đến nay vẫn chưa thể đưa vào vận hàng chính thức. Bên cạnh đó, hiện tại xã vẫn còn 3 cụm dân cư, với gần 200 hộ dân tại các thôn: Đồi Chông, Vân Bằng, Vân Cát chưa được đấu nối hệ thống đường ống cấp nước, mặc cho chính quyền xã đã nhiều lần làm văn bản đề xuất với chủ đầu tư. Họ trả lời rằng, vì các cụm khu dân cư này không có trong quy hoạch. “Điều mà chúng tôi mong muốn nhất hiện nay là nhà máy nhanh chóng lắp đặt bổ sung hệ thống đường ống cấp nước tại 3 cụm dân cư nói trên và sớm đi vào hoạt động để người dân được thụ hưởng các chính sách ưu việt của Nhà nước đúng theo quy định!”- ông Vĩnh nói.
Ông Cao Bát Chí - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và nông thôn tỉnh Thanh Hóa - chủ đầu tư dự án nhà máy nước sạch tại Cẩm Vân cho biết: Nguyên nhân chính khiến Dự án cấp nước sạch cho 3 xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm và Yên Lâm chậm được đưa vào sử dụng đúng tiến độ là do nguồn vốn bố trí hàng năm không đáp ứng được tiến độ thực hiện dự án. Điều này cũng dẫn đến việc các nhà thầu không thể thi công hoàn thành dự án đúng thời gian theo hợp đồng đã ký kết.
“Công trình có tổng mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước trên 66 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng. Đến năm 2017, Trung ương mới cấp 37 tỷ đồng và năm 2018 cấp 5 tỷ đồng, chưa đủ thanh toán khối lượng nhà thầu đã hoàn thành nên công trình bị chậm tiến độ trong một thời gian dài. Sau khi được cung ứng đủ vốn, đến cuối năm 2021, dự án đã cơ bản được hoàn tất và cho chạy vận hành thử nghiệm. Nếu không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ đưa vào vận hành chính thức ngay trong tháng 5/2022. Còn đối với 3 cụm dân cư chưa được lắp đặt đường ống cấp nước tại xã Cẩm Vân, hiện nay chúng tôi đã cho khảo sát và làm tờ trình gửi UBND tỉnh xin bổ sung sau!”- ông Chí thông tin.