Học Bác trong xây dựng đội ngũ cán bộ biết vì dân
Ngày 19/5 năm nay, chúng ta kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - người Cha già kính yêu của dân tộc, người suốt đời thanh bạch, giản dị, phấn đấu và hy sinh cho Tổ quốc và nhân dân. Bác Hồ là tấm gương sáng mà lớp lớp con cháu phải biết kế thừa và phát huy một cách tốt đẹp nhất những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
1.Nhớ đến Bác là nhớ đến hình ảnh của vị lãnh tụ giản dị, hết lòng vì nước, vì dân. Ngày 19/5 năm nay, chúng ta đã có 6 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
6 năm, một hành trình không dài. Nhưng việc thực hiện Chỉ thị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, thiết thực, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, ngày càng đi vào thực chất, chiều sâu, từng bước trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt khi gắn việc thực hiện Chỉ thị với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã cho thấy những chuyển biến rõ nét tại nhiều cấp ủy, chi bộ từ cấp cơ sở trở lên. Điều này góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tạo cơ sở, nền tảng quan trọng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ra sức thi đua, tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong thời gian tới.
Hiệu quả của việc thực hiện Chỉ thị 05 theo như ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá nhân dịp tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 thì “việc cam kết rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, gắn với trách nhiệm nêu gương được triển khai đồng bộ, sâu rộng, ngày càng trở thành việc làm chủ động, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Chính cách làm này là sự thể hiện sáng tạo trong xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Hiệu quả của việc nêu gương mang lại những tác động lớn, góp phần tạo ra những đột phá trong việc thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội đất nước nhiệm kỳ vừa qua, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân, khẳng định chủ trương, đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng.
2.Càng gần đến kỷ niệm Ngày sinh của Bác, chúng ta càng nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Người chiến sĩ Cộng sản quốc tế mẫu mực, Danh nhân văn hóa thế giới. Người đã đi xa, nhưng di sản Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta là vô cùng đồ sộ và quý giá để chúng ta thường xuyên học tập và noi theo.
Người chính là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại. Cuộc đời và sự nghiệp của Người đã trở thành biểu tượng cách mạng, khơi dậy khát vọng và niềm tin cho nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ thế giới trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng ta và nhân dân ta, soi sáng sự nghiệp cách mạng, dẫn dắt mỗi bước đi lên và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm rất cần thiết, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu đối với toàn Đảng, toàn dân ta, truớc hết là các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.
Nói một cách vắn tắt nhất thì: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm, nhận thức, tư tưởng chỉ đạo rất cơ bản của Người về cách mạng và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam trong thời đại này. Là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, là những phẩm chất cao quý của một người cách mạng với: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phong cách Hồ Chí Minh là lối sống, tác phong khiêm tốn, giản dị, cầu thị, gần dân, trọng dân, tin dân, học dân, làm việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân.
Những tư tưởng mang tính thời đại; vì đạo đức cách mạng mà Bác để lại cho muôn đời con cháu mai sau và tác phong giản dị, gần dân, sát dân đã giúp làm nên một nhân cách Hồ Chí Minh sáng ngời. Phong cách của một người cộng sản chân chính mà mỗi đảng viên cần học tập và noi theo.
Có lẽ vì thế mà Đảng ta đã gắn việc học tập Chỉ thị với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và khóa XIII và việc học Bác đã gắn với thực tiễn đấu tranh cách mạng trong thời đại mới khi những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, xa rời quần chúng của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã không còn là chuyện cá biệt. Hơn lúc nào hết, Đảng cần có một đội ngũ vừa hồng vừa chuyên.
3.Theo thời gian, cuộc vận động đã đi vào đời sống một cách tự nhiên. Nhiều điển hình tiên tiến không phải ở đâu xa mà có thể là một chi hội trưởng Chữ Thập đỏ ở một huyện của tỉnh Bến Tre; một phó hiệu trưởng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hay những y, bác sĩ đã trải qua biết bao ngày tình nguyện đi tới những vùng bùng dịch Covid-19 trên cả nước để chống dịch, cứu người bệnh. Có những người cả năm hầu như lấy bệnh viện làm nhà; lại có cả những cặp vợ chồng bác sĩ cùng nhau lên đường chống dịch, gửi con thơ lại cho bố mẹ chăm sóc.
Có những Đảng ủy khối như Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương đã lấy việc học Bác và làm theo Bác thông qua việc cụ thể hóa các quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, các đảng ủy trực thuộc và người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã thể hiện rõ ý thức, trách nhiệm nêu gương. Nêu gương trong việc “nói đi đôi với làm”. Xây dựng phong cách lời nói đi đôi với việc làm, lấy việc làm và hiệu quả của việc làm theo để nêu gương từ đó tạo sức lan tỏa đến cán bộ, đảng viên.
Đi kèm với đó là nêu gương trong tự phê bình và phê bình, đồng thời với phát huy dân chủ, tăng cường tinh thần đoàn kết trong cấp ủy, chi bộ, cơ quan, đơn vị; nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình, kịp thời nhận diện những biểu hiện lệch lạc, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để kịp thời sửa chữa. Đồng thời, thông qua tự phê bình và phê bình để phát huy, khuyến khích các nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
5 năm - một chặng đường chưa dài nhưng đã có những biến chuyển bước đầu trong suy nghĩ và hành động của nhiều đảng viên. Điều đó cho thấy, việc học tập Chỉ thị 05 là đúng đắn và cần được tiếp tục ở cấp độ mới, sâu và rộng hơn. Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay chính là dịp để chúng ta đánh giá lại những bài học quý giá trong việc học tập và làm theo Bác, nhất là trong cán bộ, đảng viên.