Chuyện về nữ giáo sư đoạt giải Kovalevskaia
Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam vừa công bố kết quả xét giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 cho hai nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước, GS.TS.NGƯT – Giảng viên cao cấp Nguyễn Minh Thủy (Trường Đại học Cần Thơ) vinh dự được xướng tên trong giải thưởng lần này. Lễ trao Giải dự kiến tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (tháng 5/2022) tại Hà Nội.
Nâng tầm nông sản Việt
Nhắc tới câu chuyện công nghệ sau thu hoạch, có lẽ không ai là không biết tới GS.TS Nguyễn Minh Thủy người luôn trăn trở với các giải pháp để “cứu” người nông dân sau mỗi vụ mùa, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nơi bà đang sinh sống.
Bà chia sẻ: Ngay từ lúc bắt đầu học Thạc sĩ ngành Công nghệ sau thu hoạch tại Viện Kỹ thuật Châu Á (AIT, Thái Lan), tôi đã hiểu rõ công nghệ sau thu hoạch đối với nông sản là cực kỳ quan trọng, là mạch sống của mỗi quốc gia. Mục tiêu của Công nghệ sau thu hoạch là phải làm giảm đến mức thấp nhất tổn thất chất lượng và khối lượng nông sản sau thu hoạch. Với các quốc gia còn nghèo, khi lượng thực phẩm chưa đủ ăn thì tổn thất sau thu hoạch là vấn đề cần phải quan tâm hơn. Trong mắt tôi, tất cả các loại thực phẩm khi mới thu hoạch đều tươi ngon nhưng rồi chúng cũng sẽ đi dần đến giai đoạn hư hỏng... tôi đã có những suy nghĩ làm sao có thể giữ chúng được lâu hơn khi người dân mình vẫn chưa đủ ăn, không thể hoài phí nguồn thực phẩm ấy.
Vì vậy năm 1992 khi trở về nước, bà bắt đầu tập trung vào nhóm nguyên liệu đặc sản của địa phương, đặc biệt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các nghiên cứu của bà dần tập trung khai thác sâu hơn về chất lượng nguyên liệu và sử dụng các nguồn đặc sản của địa phương với hai hoạt động song song là bảo quản nguồn nguyên liệu cho sử dụng tươi và chế biến sản phẩm để mang lại giá trị cao hơn cho các nguồn đặc sản quý này.
Nói về công trình tâm huyết nhất, GS Nguyễn Minh Thủy bày tỏ: Đúng là thật khó để một nhà khoa học đưa ra được công trình tâm huyết nhất. Bởi mỗi công trình nghiên cứu khoa học sau khi kết thúc đều là những công trình không thể xếp hạng... vì tất cả đều để lại dấu ấn tốt đẹp trong cuộc đời làm khoa học của tôi.
Gần đây, GS Nguyễn Minh Thủy và nhóm nghiên cứu đặc biệt tâm đắc với quá trình trích ly các hợp chất màu tự nhiên/hợp chất sinh học/chất chống oxy hóa (phytonutrients) từ thực vật như hành tím, hoa đậu biếc, lá cẩm, thanh long ruột đỏ, quả dành dành, dâu tằm ăn, vỏ chuối xanh... bằng các kỹ thuật mới.
Theo bà, hoạt động này giúp mọi người có nhận thức đúng đắn, hiểu biết về công nghệ trích ly màu sắc tự nhiên vốn có từ nguồn thực phẩm đa dạng trong nước, hỗ trợ cho các hộ gia đình và cơ sở sản xuất có ý thức tốt về sử dụng nguồn nguyên liệu an toàn trong chế biến sản phẩm thương mại. Kết quả của đề tài cũng lần đầu tiên công bố các hợp chất màu tự nhiên hiện diện trong hoa đậu biếc, giúp người sử dụng yên tâm với việc sử dụng chất tạo màu rất đẹp, hấp dẫn từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, dễ trồng và phát triển trong nước.
Các kỹ thuật áp dụng cũng đã thể hiện tính ưu việt trong nâng cao hiệu suất trích ly các hợp chất màu. Các biến đổi chất màu từ các kỹ thuật chế biến nhiệt một số sản phẩm bánh dân gian và thực phẩm phổ biến đã được chúng tôi kiểm soát rất thành công.
“Các nghiên cứu hiện nay của nhóm chúng tôi còn tập trung vào phát triển các công nghệ chế biến các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, người già và các đối tượng khác nhau trong cộng đồng. Các chất dinh dưỡng đa dạng trong sản phẩm động vật từ gà, cá tra, tôm.. và các loại rau củ quả phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long được kết hợp trong một công thức với mục đích hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể và phòng chống bệnh tật. Sản phẩm tạo ra mang tính tiện dụng, phục vụ nhanh, đặc biệt trong các giai đoạn dịch bệnh Covid-19 kéo dài”, GS Nguyễn Minh Thủy cho biết.
Luôn nhớ “giải pháp” và quên đi “giải cứu”
GS Nguyễn Minh Thủy luôn tâm tư bởi thực trạng trong nhiều năm qua, các hoạt động về công nghệ sau thu hoạch nông sản trong nước vẫn còn yếu, chưa theo kịp trình độ so với các nước trong khu vực. Chúng ta cũng không có đủ trang thiết bị cho hoạt động nghiên cứu và áp dụng thực tiễn các kỹ thuật bảo quản mới cho nông sản ở địa phương. Nông sản chỉ trao đổi mua bán dạng tươi, khi gần đến giai đoạn hư hỏng thì cũng không tận dụng để chế biến sản phẩm tiện dụng, dẫn đến sản xuất dư thừa và rơi vào tình trạng “giải cứu”, hoặc thải bỏ như đã xảy ra trong những năm qua. Cuối cùng thì người nông dân vẫn rơi vào cảnh lao đao với nông sản phẩm tạo ra từ mồ hôi nước mắt trong những tháng năm ròng rã chăm bón.
Bởi vậy, bà cho rằng, cần có nhiều chính sách đẩy mạnh và phát triển công nghệ sau thu hoạch trong cả nước. Các doanh nghiệp cũng cần đầu tư công nghệ và trang thiết bị đủ để có thể bảo vệ nguồn nguyên liệu tươi trong thời hạn nhất định. Ngoài ra cũng cần xác định thời điểm nguyên liệu cần phải chuyển sang chế biến khi không thể kéo dài thời hạn bảo quản tươi. Đây cũng là vấn đề rất lớn vì theo sau đó là hàng loạt hoạt động tiếp nối như chất lượng sản phẩm đầu ra, thị trường tiếp nhận sản phẩm...
“Việc này cần có Nhà nước, cơ quan quản lý vận hành hoạt động này hiệu quả hơn vì hiện nay các nhà khoa học thì cứ nghiên cứu, muốn kết nối doanh nghiệp để ứng dụng các kết quả nghiên cứu, nhưng thực tế cho thấy doanh nghiệp cũng chưa thật mặn mà, còn nông dân thì kinh phí hạn hẹp và thiếu thông tin... Vì vậy, rất cần các chương trình truyền thông, có sự liên kết chặt chẽ của nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước cùng tham gia, chứ nếu mỗi nơi tự làm, ứng dụng không có... thì công nghệ sau thu hoạch vẫn rơi vào tình trạng bế tắc như từ trước đến nay”, GS Nguyễn Minh Thủy nói.
Với giải pháp của riêng mình, ngoài các công trình nghiên cứu, mỗi khi giảng dạy học phần “Công nghệ sau thu hoạch nông sản”, GS Nguyễn Minh Thủy chia sẻ: Tôi vẫn thường nhắn nhủ sinh viên là các em cần thay đổi và luôn nhớ thuật ngữ “giải pháp” và quên đi “giải cứu” khi các em hoàn thành chương trình học và trở về địa phương của mình. Giá trị gia tăng của nông sản phải là mục tiêu cuối cùng trong sản xuất nông nghiệp.
Với niềm hy vọng luôn phát triển với những giải pháp mới và quên dần khái niệm giải cứu nông sản trong tương lai, GS Nguyễn Minh Thủy tâm niệm: Nông nghiệp Việt Nam cần thực hiện liên hoàn các hoạt động cần thiết và quan trọng, từ chọn giống, sản xuất, bảo quản, tiêu thụ tươi và kết thúc là chế biến nông sản để chuyển chúng thành sản phẩm có giá trị gia tăng. Nếu được thực hiện một cách đồng bộ từ đầu giữa nông dân - nhà khoa học - Nhà nước và cả doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm dạng tươi và dạng chế biến sẵn thì nguồn nông sản của nước ta sẽ được sử dụng hiệu quả nhất.
Công việc là vậy nhưng với vai trò phụ người phụ nữ trong gia đình, để có thể cân đối được công việc và chăm sóc gia đình, nhiều lúc GS Thủy phải tính toán chi li từng phút. Nhưng cũng thật may mắn là người bạn đời của bà cũng rất thấu hiểu và sẻ chia, cả với vai trò là người chồng hay đồng nghiệp. Ông hiện đang công tác tại Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ. Ông chính là người luôn hỗ trợ, khuyến khích và đề xuất thêm các ý tưởng mới trong nghiên cứu của vợ. “Ngoài tình yêu thương và động viên của gia đình, tôi còn được quan tâm và hỗ trợ rất lớn của nhà trường. Nếu không có hai điều này, tôi rất khó để tập trung cho nghiên cứu”, GS Thủy chia sẻ với nụ cười hạnh phúc.
GS.TS.NGƯT Nguyễn Minh Thủy sinh năm 1961, quê ở xã Long Điền, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm 31 tuổi, bà được cấp bằng Thạc sĩ ngành công nghệ sau thu hoạch của Viện Kỹ thuật châu Á ở Thái Lan. Sau đó, bà trở thành nghiên cứu sinh ngành kỹ thuật khoa học sinh học của trường KU Leuven (Katholieke Universiteit Leuven), Vương quốc Bỉ và được cấp bằng Tiến sĩ vào năm 2007.
Bà Nguyễn Minh Thủy đã được công nhận chức danh PGS ngành công nghệ thực phẩm năm 2010 và là một trong ba nữ GS liên ngành hóa học - công nghệ thực phẩm năm 2020. Thời gian qua, các nghiên cứu của GS Nguyễn Minh Thủy hướng tới các giải pháp, chiến lược nhằm giải quyết lâu dài vấn đề về tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nông dân và ngành nông nghiệp khi gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, bệnh dịch.